Zimbabwe bùng phát dịch sởi khiến 80 trẻ em tử vong

Nhân viên y tế đang chuẩn bị tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ em ở Congo - Ảnh: News24.

Làm sao để con nhanh khỏi bệnh sởi?

Bệnh sởi ở trẻ nguy hiểm thế nào, mắc bao lâu sẽ khỏi?

CDC: Bệnh sởi nguy cơ trở thành mối đe dọa toàn cầu mới do COVID-19

Những lưu ý khi cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh sởi

Theo đó, trong một tuyên bố hôm 14/8, Bộ Y tế Zimbabwe thông tin, đợt bùng phát dịch sởi hiện đã lan rộng ra toàn quốc với tỷ lệ tử vong 6,9%.

Theo Reuters, Bộ trưởng Bộ Y tế Zimbabwe Jasper Chimedza cho biết, tính đến ngày 11/8, 1.036 trường hợp nghi ngờ và 125 bệnh nhân được xác nhận mắc bệnh sởi đã được báo cáo kể từ khi dịch bùng phát, trong đó hầu hết các ca nhiễm được ghi nhận ở Manicaland, miền Đông Zimbabwe.

Bộ trưởng Chimedza cho biết: "Hoạt động tập trung tại nhà thờ với sự tham gia của nhiều người đến từ nhiều địa phương khác nhau, có thể tiêm phòng rồi hoặc chưa tiêm, khiến dịch lây lan cả tới những nơi trước đó chưa ghi nhận ca nhiễm".

Manicaland, tỉnh đông dân thứ hai ở Zimbabwe, đã ghi nhận 365 ca mắc, trong đó có 45 ca tử vong. Hầu hết ca mắc là trẻ em từ 6-15 tuổi, chưa được tiêm phòng sởi do niềm tin tôn giáo.

Tại Zimbabwe, một số giáo phái nhà thờ cấm các tín đồ của họ tiêm phòng hoặc hoặc sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào. Các nhà thờ tại nước này thu hút hàng triệu tín đồ với lời hứa chữa lành bệnh tật và giải thoát mọi người khỏi cảnh nghèo đói.

Với tỷ lệ tiêm chủng thấp và một số trường hợp không có hồ sơ lưu trữ, mới đây, Chính phủ Zimbabwe đã quyết định tái khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine phòng bệnh sởi tại các khu vực đã ghi nhận ổ dịch.

Đợt bùng phát dịch sởi lần này dự kiến ​​sẽ gây thêm căng thẳng cho ngành y tế Zimbabwe vốn đã kiệt quệ vì thiếu thuốc và các cuộc đình công liên tục của nhân viên y tế, sau thời gian trải qua đại dịch COVID-19.

 

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh này tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng....

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết số ca mắc sởi đã tăng gần 80% trên toàn thế giới trong năm nay, đồng thời cho rằng các dịch bệnh khác cũng có nguy cơ bùng phát tương tự. Ngày 28/4, WHO đã đưa ra cảnh báo rằng, Châu Phi đang đối mặt với nguy cơ bùng phát các dịch bệnh vốn có thể ngăn chặn được bằng vaccine do việc tiêm chủng bị trì hoãn bởi đại dịch, trong bối cảnh số ca mắc bệnh sởi tại châu lục này đã tăng 400% trong năm 2022

Hiệp Nguyễn (Theo Reuters)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn