"Thấy họ làm, tôi chẳng dám ăn!"

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ quan điểm về tình trạng thực phẩm bẩn tại TP.HCM

Những thực phẩm là "kẻ thù" của hàm răng trắng bóng

Thế nào là rau sạch, là thực phẩm an toàn?

Rộ phong trào “săn lùng” thực phẩm sạch

Chống thực phẩm bẩn: Tưởng là "ta" hóa ra lại "địch"

“Nỗi lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của nhân dân TP.HCM hầu như chưa có điểm dừng. Trách nhiệm này đè nặng trên vai của lãnh đạo UBND từ TP đến phường/xã/thị trấn. Do vậy, những người giữ chức vụ cao tại địa phương phải quan tâm đến bữa cơm an toàn của nhân dân TP.HCM hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu phát biểu tại hội nghị sơ kết sáu tháng triển khai thí điểm hoạt động thanh tra chuyên ngành ATVSTP của quận/huyện và phường/xã/thị trấn được tổ chức cuối tuần qua.

“Tôi thật sự lo lắng cho sức khỏe của bà con”

“Khi còn là trưởng phòng kinh tế của một quận thuộc TP.HCM và sau đó là trưởng ban quản lý chợ Hòa Bình (quận 5), tôi nhiều lần xuống tận những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm để nắm bắt tình hình thực tế. Nói thiệt với các anh chị, thấy họ làm tôi chẳng dám ăn. Từ đó, tôi luôn trăn trở về thực trạng ATVSTP và mong muốn phối hợp cùng các sở, ngành, cơ quan chức năng TP.HCM tìm các biện pháp ngăn chặn thực phẩm mất an toàn” - bà Thu nói.

Bà Thu kể lại: “Cải chua thông thường phải sau ba ngày mới ăn được. Vậy mà có cơ sở sản xuất 100kg cải chua chỉ trong vòng… ba tiếng đồng hồ. Đơn giản là sau khi cho cải vô lu, họ chỉ bỏ thêm một muỗng hóa chất vào. Hóa chất này có tác dụng giúp cải giòn và mau chua. Tận mắt chứng kiến “công nghệ” làm cải chua, từ đó về sau tôi rất lưỡng lự khi phải dùng món này. Tôi cũng thực sự lo lắng cho sức khỏe bà con khi vô tình ăn phải cải chua làm từ hóa chất”.

“Còn chuyện này nữa các anh chị, bình thường một người mỗi ngày lột vỏ vài chục ký tỏi là cao. Thế nhưng khi dùng hóa chất thì có thể lột vỏ được 200kg tỏi. Họ cho tỏi vô bao tải mỏng rồi phun lên một loại hóa chất. Chất này có tác dụng giúp tỏi cứng lại nhưng lại khiến vỏ tỏi dễ tróc. Kế tiếp, họ giẫm lên bao tỏi và chỉ lát sau toàn bộ tỏi đã sạch vỏ. Tuy nhiên, hóa chất này đã ngấm vô tỏi, ảnh hưởng sức khỏe cho người tiêu dùng” - bà Thu kể tiếp.

“Cà phê nhiều bọt thì đừng nên uống”

Đưa mắt nhìn một lượt các đại biểu tham dự hội nghị, bà Thu nói tiếp: “ATVSTP trên địa bàn TP.HCM hiện nay thực sự vẫn còn “nóng”. Vì lợi nhuận, nhiều người cố tình đưa ra thị trường những thực phẩm mất an toàn, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây là điều mà lãnh đạo các địa phương cần phải biết, phải tìm hướng cải thiện”.

Vịt quay - món ăn khoái khẩu của nhiều người, được "ướp bụi" trên đường vận chuyển

“Tôi kể tiếp một câu chuyện liên quan đến ATVSTP để anh chị cùng biết. Cà phê được hàng triệu người sử dụng hàng ngày. Thế nhưng đa phần cà phê có sử dụng hóa chất, nhất là chất tạo bọt. Mà chất tạo bọt chỉ được dùng trong công nghệ sản xuất xà phòng. Do vậy, khi quậy cà phê thấy nhiều bọt thì không nên uống” - bà Thu dẫn chứng tiếp câu chuyện.

Theo bà Thu, thực trạng ATVSTP tại TP.HCM có nhiều điều đáng nói, đáng làm. Do vậy, lãnh đạo UBND quận/huyện và phường/xã/thị trấn thỉnh thoảng nên xuống tận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để nắm bắt thực tế đang diễn ra, để thấy được bà con hàng ngày vẫn còn sử dụng thực phẩm mất an toàn.

“Trách nhiệm của lãnh đạo địa phương là phải ngăn chặn tình trạng không đảm bảo ATVSTP vẫn còn xuất hiện ngoài thị trường, anh chị à! Chúng ta hãy xem sức khỏe của người tiêu dùng cũng chính là sức khỏe của mỗi chúng ta” - bà Thu nhắn nhủ.

"UBND quận 3 chọn phường 2 và phường 6 làm thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP. Phó Chủ tịch UBND hai phường nói trên làm trưởng đoàn, mỗi tuần hai ngày tham gia kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Do thường xuyên thanh tra nên điều kiện ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có chiều hướng cải thiện rõ nét. Trong sáu tháng thực hiện thí điểm, UBND phường 2 thanh tra và phát hiện 3/10 cơ sở vi phạm, phạt tổng cộng 3 triệu đồng. Riêng phường 6 thanh tra và phát hiện 15/36 cơ sở vi phạm, phạt tổng cộng gần 10 triệu đồng" - ông Nguyễn Thái - Trường phòng Y tế quận 3, TP.HCM

"Lãnh đạo UBND của phường An Lạc A và phường Bình Trị Đông B cũng tham gia thanh tra ATVSTP nên nắm bắt và xử lý kịp thời các cơ sở thực phẩm vi phạm. Trong sáu tháng thực hiện thí điểm, UBND phường An Lạc A thanh tra và phát hiện 9/16 cơ sở vi phạm các điều kiện ATVSTP, phạt tổng cộng 15 triệu đồng. UBND phường Bình Trị Đông B thanh tra và phát hiện 4/21 vi phạm, phạt tổng cộng 3 triệu đồng" - ông Đỗ Đình Thiện - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TP.HCM

"Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp cùng ủy ban mặt trận, ban ngành, đoàn thể trong chuyện kiểm tra ATVSTP. Thành viên trong ban ngành, đoàn thể có mặt ở mọi nơi, dễ nắm bắt những cơ sở thực phẩm làm ăn gian dối trong khu vực. Nếu phát hiện, các thành viên báo cáo cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Nhiều người cùng tham gia thì thực trạng ATVSTP trên địa bàn TP.HCM sẽ mau chóng cải thiện" - Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin