Chống thực phẩm bẩn: Tưởng là "ta" hóa ra lại "địch"

Cả xã hội xôn xao với thực phẩm bẩn, tuyên chiến với thực phẩm không an toàn

Chống thực phẩm bẩn: "Nói ít thôi, hành động ngay!"

Những phát ngôn ấn tượng của quan chức cấp cao về thực phẩm bẩn

Người Việt đang "giãy giụa" giữa mê cung thực phẩm bẩn

Bạn có biết những thực phẩm nào đã bị biến đổi gene?

Chiến dịch chống thực phẩm bẩn khui ra biết bao nhiêu là thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, từ măng và dưa cải chứa vàng ô – chất gây ung thư nguy hiểm đã bị cấm dùng trong thực phẩm, măng ngâm chất diêm sinh, đến lợn tiêm kháng sinh, cho ăn bằng chất salbutamol tạo nạc…

Từ cuộc chiến này, người tiêu dùng nhìn đâu cũng thấy thực phẩm độc hại, thực phẩm không an toàn và bắt đầu lo bệnh tật, sợ tương lai. Người ta lại nghĩ đến lý do khiến mỗi ngày có 205 người Việt chết vì ung thư, mỗi năm có 150.000 người mắc mới. Đọc báo rồi lại thở dài, cứ ăn thực phẩm bẩn như thế, không ung thư thì hơi phí!

Thế nhưng, chúng ta hiểu thế nào là thực phẩm (được cho là) an toàn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Và với chiến dịch truyền thông quy mô lớn "đánh" thực phẩm bẩn này, liệu chúng ta có đang dọn đường cho thực phẩm biến đổi gene, vốn được coi là loại thực phẩm với ưu thế không chứa hóa chất độc hại, ít thuốc trừ sâu ngày càng "đánh chiếm" trên diện rộng thị trường Việt Nam?

Thực phẩm biến đổi gene đã phá vỡ di truyền của tự nhiên

Thực phẩm biến đổi gene có tốt hơn thực phẩm nhiễm hóa chất?

Cụm từ “thực phẩm biến đổi gene” được dùng để chỉ các loại thực phẩm (cây trồng, vật nuôi) đã bị chuyển gene, biến đổi gene để tạo ra những phẩm chất mong muốn của con người. Loại thực phẩm này được cho là ưu việt, ít sâu bệnh, tiết kiệm đất, phong phú về chủng loại hơn thực phẩm truyền thống.

Nhiều nước EU và Nhật Bản kiên quyết chống lại thực phẩm biến đổi gene. Chính phủ Nhật cấm trồng các loại cây trồng biến đổi gene, buộc phải dán nhãn những sản phẩm có nguyên liệu biến đổi gene như đậu nành, ngô, khoai tây, hạt cải dầu, hạt bông, cỏ đinh lăng, củ cải đường…

Thế nhưng, thực phẩm biến đổi gene hiện vẫn đang là đối tượng tranh cãi gay gắt của các nhà khoa học về lợi ích và tác hại với sức khỏe con người. Các nhà khoa học khẳng định, thực phẩm biến đổi gene đã phá vỡ di truyền của tự nhiên bằng cách cho phép chuyển gene từ vi khuẩn, virus, thậm chí cả động vật vào thực vật, hậu quả của nó sẽ không thể nào lường trước được. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy ngô biến đổi gene, đậu nành biến đổi gene gây tổn thương thận, giảm khả năng sinh sản, tăng tỷ lệ tử vong ở những con chuột thí nghiệm.

Hơn thế nữa, Monsanto – công ty sản xuất chất độc màu da cam và cũng là một trong các bị đơn của vụ kiện chất độc màu da cam của Việt Nam đã vào Việt Nam từ năm 2014 với những giống cây trồng biến đổi gene “ưu việt”. Kinh khủng hơn, những hoạt động truyền thông khá hiệu quả, bao gồm những tọa đàm, những hội thảo về tương lai cây trồng ở Việt Nam, nhằm đưa những hạt giống ngô, bông biến đổi gene vào Việt Nam, triệt tiêu giống cây trồng tự nhiên.

Điều gì sẽ xảy ra nếu thực sự có một sự "bắt tay" giữa các tập đoàn lớn, một bên là các tập đoàn chuyên cung cấp hạt giống cây trồng, giống vật nuôi biến đổi gene và các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp với một bên là các tập đoàn lớn trong nước đầu tư vào nông nghiệp. Dân Việt ta sẽ vỗ tay cổ vũ thực phẩm này, với niềm tin là an toàn và bớt bệnh tật hơn (?!)

Như vậy, cả xã hội đang đấu tranh chống thực phẩm bẩn, nhưng quân địch là ai, ở đâu, chúng ta không rõ. Việc chúng ta chung tay chống thực phẩm bẩn liệu có phải đang mở đường đón thực phẩm không an toàn vào Việt Nam hay không?

Câu hỏi không dễ trả lời có lẽ sẽ chỉ được trả lời ở một tương lai rất xa! Còn bây giờ, chúng ta cứ sợ ung thư mà tuyên chiến với thực phẩm bẩn đi đã! 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Vân Anh Nguyễn (Hà Nội)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết