Rộ phong trào “săn lùng” thực phẩm sạch

Trong bối cảnh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn... nhiều người đã tìm đến tận các trại chăn nuôi, trồng rau sạch tại các vùng ngoại thành chấp nhận mua rau xanh, thịt, cá... với giá cao để đảm bảo sức khỏe cho người thân và gia đình.


Quá ít các thương hiệu thực phẩm sạch trên thị trường để người tiêu dùng lựa chọn

Không ngại trả giá cao

Sau một lần tham gia dã ngoại cùng con gái ở huyện Đông Anh, chị Hoàng Hồng Hạnh, ở phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ rất thích trang trại của một người dân địa phương tại đây. Hầu hết những luống rau muống, rau ngót, rau dền… đều được họ tự trồng, không phun hoá chất. Sau khi chia sẻ với một vài người bạn cùng cơ quan, chị Hạnh đã trực tiếp liên hệ với người chủ trang trại đặt mua rau hàng tuần với số lượng lớn cho gia đình, bạn bè và người thân. Mặc dù những loại rau này được bán với giá cao hơn so với những loại rau thông thường bày bán ở chợ, nhưng chị Hạnh chấp nhận vì sức khoẻ của người thân. "Mỗi tuần một lần, tôi lại cùng chồng và các con lái xe đến trang trại ở Đông Anh nhận rau sạch, rồi đem về tập kết tại nhà để bạn bè đến lấy. Từ ngày đặt mua rau sạch tôi cảm thấy khoẻ hơn và những món ăn được chế biến từ những loại rau này cũng có hương vị thanh khiết, ngon ngọt hơn…" - chị Hạnh cho biết.

Giờ đây nhu cầu về an toàn thực phẩm luôn được người dân đặt lên hàng đầu, đặc biệt đối với những loại thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày như thịt lợn, thịt gà, các loại rau xanh… Cũng như chị Hạnh, nhiều người có gia đình ở quê, sẵn đất rộng rãi còn đầu tư những thửa ruộng trồng rau xanh để đảm bảo sức khoẻ cho gia đình. Thậm chí, không ít gia đình còn dành thời gian cuối tuần để vợ chồng con cái cùng về quê và tự tay chăm bón những luống rau sạch. Ngoài trồng rau xanh, họ còn chăn nuôi cá, gà, lợn, vịt… cho chúng ăn những thức ăn tự nhiên trong vườn nhà, hoàn toàn không dùng thức ăn có chứa chất tăng trọng.

Sau hơn một năm dùng những loại thực phẩm do tự tay mình chăm bón, chị Nguyễn Phương Mai, nhân viên một công ty quảng cáo cho hay, chị hoàn toàn an tâm với chất lượng của các loại thực phẩm do tự tay chị và gia đình đầu tư. Từ ngày có nguồn rau sạch tự cung, tự cấp bữa ăn gia đình chị cũng được cải thiện hơn trước. Sau khi quảng cáo rau sạch và thực phẩm mà mình tự tay chăn nuôi, trồng trọt có giá trị dinh dưỡng cao lại đảm bảo sức khỏe, nhiều bạn bè và những người làm cùng cơ quan còn gợi ý chị Mai nên kinh doanh những loại thực phẩm mà chị đang sử dụng. "Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người dân ngày càng cao, tôi đã triển khai mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc ở quê, rồi hàng tuần vận chuyển lên Hà Nội theo đơn đặt hàng của khách hàng quen. Tuy giá cả có đắt hơn một chút nhưng ai cũng yên tâm khi sử dụng" - chị Mai chia sẻ.

Mua bằng niềm tin

Trong quá trình tìm hiểu về những mô hình kinh doanh thực phẩm sạch, chúng tôi được biết hiện trên địa bàn Hà Nội xuất hiện một số cửa hàng chuyên cung cấp rau sạch và giao hàng đến tận nhà cho những người có nhu cầu. Chị Nguyễn Thu Hạnh - Giám đốc công ty chuyên cung cấp rau sạch trên đường Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm cho hay, "rau sạch" là rau không phun thuốc trừ sâu, không bón đạm hay dùng bất kỳ chất kích thích nào. Chính vì vậy, những luống rau này không được "ngon" mắt, ngọn rau vươn dài, không mẫm cành, lá không to và bị sâu cuốn, sâu ăn lá nhiều. Tuy nhiên người sử dụng rất yên tâm vì những loại rau này ngọt, thơm và đảm bảo an toàn. Các loại rau này có giá từ24.000- 30.000 đồng/kg.

Không chỉ có rau, các loại thực phẩm khác như thịt lợn, cá, tôm... nếu người bán giới thiệu rõ nguồn gốc đáng tin cậy đều được người dân mua. Nếu có dịp đi qua đoạn đường ven hồ Tây vào những buổi chiều, dễ dàng bắt gặp những tấm biển quảng cáo "cá tươi hồ Tây 100%" của một số người bán hàng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hình thức "câu khách" của một số chủ buôn đánh vào tâm lý xu hướng ưa dùng thực phẩm "sạch" của người dân.

Được biết, đầu năm 2012, Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động, với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX và các cơ sở sản xuất rau, củ quả an toàn đến với người dân. Theo Sở Công Thương Hà Nội, số lượng rau an toàn (RAT) tiêu thụ trên địa bàn đã tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhưng lượng rau tiêu thụ tại các điểm bán RAT vẫn hạn chế vì người dân chưa quen, còn e ngại. Tỷ lệ người tiêu dùng mua rau tại các chợ xanh, chợ cóc, chợ tạm gần nơi sinh sống vẫn cao, chỉ rất ít người dân tìm mua rau tại siêu thị và các cửa hàng có ghi biển hiệu bán rau an toàn. Lý do là vì đa số người dân còn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng của RAT trên thị trường.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển rau và thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, cơ quan chức năng nên có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Mặt khác, nên nghiên cứu, đề xuất địa điểm khả thi phục vụ hoạt động tiêu thụ rau, củ, quả an toàn. Bên cạnh đó, để người tiêu dùng có thể tin tưởng và yên tâm sử dụng RAT, quy cách đóng gói, bao tem nhãn cho sản phẩm cũng cần được nghiên cứu phù hợp, giúp người kinh doanh lẫn người tiêu dùng yên tâm bán và sử dụng RAT hàng ngày.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp