Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế
Mục sở thị tại phòng khám Giáo sư
Cần hiểu đúng về khám Giáo sư
Khám giáo sư: 4 phút chớp nhoáng!
Bảng phân biệt "khám giáo sư" và "khám phó giáo sư" tại BV Da liễu Trung ương
Theo đó, khám giáo sư ở những nơi này giá thường cao gấp 3 lần so với khám bình thường. Nhiều người cho rằng, khám giáo sư với giá từ 350.000 đến 600.000 đồng/lần khám là “cắt cổ” người bệnh.
Trao đổi với phóng viên chiều 27/12, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế không có quy định nào về giá khám bệnh của giáo sư. Giá khám bệnh theo hình thức dịch vụ do bệnh viện tự bàn bạc sau đó đưa ra căn cứ vào nhu cầu thực tế của bệnh nhân. Bộ Y tế chỉ phân giá dịch vụ khám bệnh theo các hạng bệnh viện, không phân biệt giá khám giáo sư hay bác sỹ.
“Bệnh viện đưa ra mức giá khám chữa bệnh phân biệt theo giáo sư hay phó giáo sư cao hơn so với giá khám bình thường là không sai luật”, ông Liên nói.
Vị này khẳng định, hiện nay giá khám chữa bệnh tự nguyện có những nơi thu tiền khám giáo sư có thể từ 300 - 400 nghìn/lượt, thậm chí giá giường bệnh nhiều nơi cao ngang khách sạn 5 sao nhưng vẫn không sai quy định.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính lý giải, tiêu chí xây dựng giá của phòng khám tự nguyện và khám dịch vụ tại bệnh viện công do cơ sở y tế nơi đó xây dựng. Họ có thể căn cứ vào tiêu chuẩn, hướng dẫn chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh để đưa ra mức giá với bệnh nhân cho phù hợp với thị trường.
Hiện tại, ở bệnh viện tư và phòng khám dịch vụ, Bộ Y tế không quy định giá trần. Nếu hình thức khám dịch vụ, người bệnh có nhu cầu khám giáo sư, bác sỹ đều có quy định về giá riêng, do các cơ sở y tế tự đưa ra. Bộ Y tế không quản lý giá đối với khám dịch vụ. Bộ Y tế chỉ quy định mức giá cho các bệnh viện khám chữa bệnh thông thường.
“Cơ sở khám dịch vụ tự quyết định về giá miễn sao đảm bảo yếu tố chất lượng dịch vụ, quyền lợi người bệnh, uy tín và cạnh tranh về giá”, Vụ trưởng Vụ Tài chính cho hay.
Trước thắc mắc về mức giá quá cao cho mỗi lần khám giáo sư, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế đang soạn thông tư quy định mức giá trần cho loại hình khám dịch vụ cho mỗi bệnh viện.
“Đấy là chúng tôi đang soạn còn chưa biết khi nào ban hành”, ông Liên nói.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, hiện tại, phân biệt "khám giáo sư” hay "phó giáo sư" do bệnh viện tự đưa ra. Bệnh viện căn cứ vào tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị và số lượng giáo sư hay phó giáo sư khám trong một buổi để đưa ra mức giá nhất định.
“Tất cả các cách phân biệt khám giáo sư hay phó giáo sư cũng đều xuất phát từ mong muốn cung cấp cho bệnh nhân một sự chăm sóc tốt nhất”, ông Khoa nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khuyến cáo, khám giáo sư là nguyện vọng chính đáng của bệnh nhân nhưng người dân cũng không nên quá “chạy theo trào lưu” này. Nên đi khám tại các bệnh viện gần nhất, nếu có chỉ định bệnh nặng và nghiêm trọng mới đi khám tại tuyến trên để vừa đỡ mất thời gian, tiền bạc lại tạo cơ hội cho những người bệnh nặng hơn được cứu chữa kịp thời.
Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Phẩm - Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình cho rằng, phân hạng "khám giáo sư" hay “khám phó giáo sư” tại một số bệnh viện với giá tiền khác nhau là hợp lý.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Phẩm phân tích, những người có hàm học vị cao như giáo sư, tiến sỹ có nhiều hiểu biết, kiến thức chuyên môn sâu rộng. Bệnh viện muốn sử dụng chất xám của họ, mời họ về, bắt buộc phải bỏ nhiều tiền hơn nên tiền khám dịch vụ mà người dân phải trả nhiều hơn là đương nhiên.
Tuy nhiên, không ít phòng khám chữa bệnh lại mời các giáo sư, tiến sỹ không đúng với chuyên môn gây thiệt hại cho người bệnh.
Bình luận của bạn