- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
Người phụ nữ sau sinh cần sự quan tâm chăm sóc của cả gia đình
Chào bác sỹ, sau cuộc vượt cạn, người phụ nữ dễ gặp phải những vấn đề gì về sức khỏe? Làm thế nào để phát hiện sớm những vấn đề nguy hiểm này?
Với những người phụ nữ, sau một cuộc vượt cạn – một quá trình rất mất sức, sức khỏe dễ bị suy giảm, do đó chị em sẽ dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng, về miễn dịch… Ngoài ra, sau khi sinh, phụ nữ có thể đối mặt với các vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như lo âu, lo lắng quá mức cho đứa trẻ, hay cho tình trạng sức khỏe của mình, trầm cảm sau sinh…
Phát hiện sớm những dấu hiệu về thể chất như sốt, nhiễm trùng… sẽ giúp người mẹ được điều trị khỏi sớm. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm các dấu hiệu về tâm lý mới cần được quan tâm. Không ít bà mẹ rơi vào trầm cảm sau sinh mà người thân không phát hiện ra.
Chăm sóc toàn diện về thể chất
Vậy, làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này, thưa bác sỹ?
Xuất phát từ những vấn đề của người phụ nữ sau sinh, suy sụp về sức khỏe thể chất, giảm sức chống đỡ của cơ thể với những tác nhân gây bệnh ở môi trường xung quanh, cho nên, việc bảo vệ sức khỏe cho người phụ nữ sau sinh phải là toàn diện: Từ chế độ dinh dưỡng, tập luyện, vệ sinh cá nhân đến việc quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần. Người phụ nữ sau sinh cần có tinh thần thoải mái, không căng thẳng, vui vẻ; Chế độ dinh dưỡng tốt, đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Rồi đến vấn đề nghỉ ngơi phù hợp để họ có thể hồi phục sức khỏe một cách nhanh nhất.
PGS.TS Phạm Bá Nha - Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai: Phụ nữ sau sinh cần được chăm sóc toàn diện
Bác sỹ vừa nói đến vệ sinh cá nhân và tập luyện rất cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ sau sinh, nhưng đây lại là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất.
Đúng vậy, vẫn tồn tại những xung đột giữa các thế hệ trong gia đình về quan niệm chăm sóc phụ nữ sau sinh như thế nào là phù hợp, đặc biệt là với vệ sinh cá nhân và tập luyện.
Người phụ nữ sau sinh phải thường xuyên vệ sinh cá nhân để cho những vùng tổn thương nhanh chóng hồi phục. Đối với vấn đề vệ sinh toàn thân, các cụ nói rất đúng, người phụ nữ sau sinh cần tránh lạnh vì với tình trạng sức khỏe suy giảm như vậy, họ sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh gây viêm phổi và các tình trạng viêm khác tấn công… Tuy nhiên, cần kiêng ở mức độ nào? Thứ nhất là phụ nữ sau sinh cần tránh để cơ thể quá lạnh, tránh tiếp xúc với các luồng gió thổi mạnh, hoặc khi ở phòng điều hòa thì không nên để nhiệt độ quá lạnh vì ngoài bà mẹ ra thì còn em bé sơ sinh - đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ, dễ ốm, dễ bị viêm phổi...
Nhưng tắm không phải là việc mà các bà mẹ sau sinh được làm hàng ngày...
Chúng tôi khuyến cáo các bà mẹ sau sinh cần phải tắm rửa hàng ngày và tắm với nước ấm, ngay cả trong mùa hè để không ảnh hưởng sức khỏe. Cần tắm dưới vòi nước chảy chứ không ngồi ngâm vào trong bồn. Nếu không tắm rửa người phụ nữ sẽ dễ bị nhiễm trùng và những nhiễm trùng đó sẽ có thể lây lan sang các em bé và đó là điều rất nguy hiểm.
Phòng tắm cần kín và phải đảm bảo ấm. Hiện nay, tôi thấy nhiều gia đình lựa chọn các giải pháp sưởi ấm bằng các loại đèn sưởi là giải pháp phù hợp cho cả mẹ và con. Ngày xưa, các cụ cũng đã từng sử dụng những nồi than để xung quanh khi người phụ nữ và em bé tắm thì bây giờ, chúng ta đã thay thế những nồi than đó bằng các sử dụng những loại đèn, quạt sưởi. Với em bé, cần để đèn sưởi về phía em bé để em bé không bị lạnh, và phụ nữ sau sinh cũng vậy. Cần để cho không khí trong phòng tắm ấm lên rồi mới tắm chứ không nên tắm vội khi phòng tắm chưa đủ ấm.
Còn vận động thì sao, thưa bác sỹ?
Chúng tôi cũng khuyến cáo người phụ nữ cần vận động sớm. Vận động sớm sẽ làm giảm nhiều vấn đề và khiến người phụ nữ khoan khoái lên, tránh sót dịch, tắc mạch, đặc biệt là với những người thừa cân, hoặc những người có bệnh tim mạch.
Vận động không có nghĩa là đi lại, làm việc nhà mà là những hoạt động nhẹ như xoay, trở người, nghiêng người, thay đổi tư thế trên giường. Đó là vận động sớm, đặc biệt với những chị em sinh mổ. Khi sức khỏe ổn định hơn có thể dậy, đi lại và làm những việc nhẹ nhàng trong nhà, đó là những việc có ích cho sức khỏe.
Với người phụ nữ sau sinh, sự thay đổi về sức khỏe sẽ khiến các hoạt động không được bình thường, họ cần thời gian để sức khỏe hồi phục dần dần chứ không thể vừa sinh xong lại đi vận động ngay thì đôi khi sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Phát hiện sớm những dấu hiệu sa sút tinh thần ở người mẹ sau sinh giúp đảm bảo sức khỏe cho cả bà mẹ và em bé
Đừng bỏ quên tinh thần
Bác sỹ có nhắc đến chăm sóc về tinh thần. Vậy, người phụ nữ sau sinh cần chú ý điều gì đểm giảm nguy cơ trầm cảm?
Sang chấn tinh thần, trầm cảm không phải là tình trạng hiếm gặp ở phụ nữ sau sinh. Nó là nguyên nhân khiến chị em bị sút cân, suy nhược cơ thể, tâm trạng buồn chán,… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có thể bị hoang tưởng và dẫn tới những hành vi nguy hiểm gây hại đến người khác hoặc bản thân.
Người phụ nữ sau khi sinh nở cần sự quan tâm, giúp đỡ từ mọi người trong gia đình, người thân, bạn bè… để họ thoải mái tinh thần, từ đó giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi và không rơi vào trầm cảm. Nếu người phụ nữ được quan tâm, chăm sóc, được phát hiện sớm những rối loạn tinh thần và được điều trị ngay lập tức sẽ ngăn ngừa được những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.
Đặc biệt, cần có những cuộc nói chuyện cởi mở, chia sẻ thẳng thắn giữa các thế hệ, các thành viên trong gia đình về cách chăm sóc em bé để hòa hợp, hiểu nhau, tránh xung đột, dễ dẫn đến trầm cảm.
Cảm ơn những chia sẻ của bác sỹ
Cần làm gì khi bị sa sút tinh thần sau sinh?
- Sắp xếp thời gian ngủ nghỉ xen kẽ với thời gian chăm sóc con, tranh thủ ngủ bất cứ lúc nào có thể.
- Có thể nhờ chồng/người thân hỗ trợ trông con giúp để nghỉ ngơi.
- Nói chuyện, chia sẻ với bạn bè, gia đình hay các chuyên gia tâm lý để trút bỏ những cảm giác mệt mỏi, buồn phiền.
- Nên học hỏi mọi người về kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh và tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho 2 mẹ con.
- Có thể xem tivi, đọc sách, nghe nhạc nhẹ để tinh thần thêm phấn chấn.
- Không suy nghĩ tiêu cực, tránh khóc lóc, kẻo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây mất sữa, càng thêm mệt mỏi.
- Hãy tự giữ sức khỏe cho bản thân để có thể chăm sóc và bảo vệ con yêu.
- Sắp xếp thời gian ngủ nghỉ xen kẽ với thời gian chăm sóc con, tranh thủ ngủ bất cứ lúc nào có thể.
- Có thể nhờ chồng/người thân hỗ trợ trông con giúp để nghỉ ngơi.
- Nói chuyện, chia sẻ với bạn bè, gia đình hay các chuyên gia tâm lý để trút bỏ những cảm giác mệt mỏi, buồn phiền.
- Nên học hỏi mọi người về kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh và tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho 2 mẹ con.
- Có thể xem tivi, đọc sách, nghe nhạc nhẹ để tinh thần thêm phấn chấn.
- Không suy nghĩ tiêu cực, tránh khóc lóc, kẻo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây mất sữa, càng thêm mệt mỏi.
- Hãy tự giữ sức khỏe cho bản thân để có thể chăm sóc và bảo vệ con yêu.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện
Bình luận của bạn