Tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết quan trọng, và lớn nhất trong cơ thể. Tuyến này nằm phía trước cổ và có thể tác động đáng kể tới chức năng của các bộ phận trong cơ thể. Nếu bạn đã qua tuổi 35, nguy cơ bạn bị rối loạn tuyến giáp cao hơn 30 % so với thời gian trước đó. Tuyến giáp có nhiệm vụ sản xuất hormone tuyến giáp (TH) và ảnh hưởng tới các yếu tố sức khỏe khác như nhiệt độ cơ thể, sự trao đổi chất và nhịp tim... Nếu tuyến giáp phải hoạt động "quá tải", hormone tuyến giáp dược sản xuất ra ít đi thì nó có thể sẽ khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể kém đi, bạn dễ bị stress, thiếu hụt dinh dưỡng hoặc nhiễm độc từ môi trường...
Khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm hoặc rối loạn, nó đồng thời làm cho các bộ phận khác trong cơ thể bị ảnh hưởng theo khiến bạn dễ mắc nhiều bệnh. Theo Hiệp hội Bác sĩ nội tiết lâm sàng Mỹ, nữ giới có nguy cơ mắc các bệnh về tuyến giáp cao gấp 10 lần so với nam giới.
Dưới đây là 1 số dấu hiệu chứng tỏ tuyến giáp của bạn đang hoạt động không tốt:
1. Bạn bị kiệt sức
Nếu bạn vẫn còn cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng hoặc cả ngày sau một đêm ngủ đủ giấc thì đó là dấu hiệu chứng tỏ tuyến giáp của bạn hoạt động kém. Hormone tuyến giáp tiết ra và chảy vào mạch máu, các tế bào bị ít đi làm cho cơ bắp của bạn không được "bồi dưỡng", dẫn đến kết quả là mệt mỏi.
2. Bạn cảm thấy chán nản
Cảm thấy chán nản hay buồn bất thường cũng có thể là triệu chứng của suy giáp. Tại sao? Đó là bởi vì việc sản xuất quá ít hormone tuyến giáp có thể có ảnh hưởng đến lượng serotonin trong não mà serotonin là một loại hormone có tác dụng giúp bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Do đó, khi tuyến giáp không hoạt động tốt, lượng serotonin trong não bị giảm đi, kết quả là bản cảm thấy chán nản.
3. Bạn cảm thấy bồn chồn và lo lắng
Nếu bạn thường xuyên có cảm giác lo lắng, bồn chồn thì bạn nên đi khám tuyến giáp vì rất có thể nguyên nhân là do rối loạn tuyến giáp gây ra. Khi tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone, nó sẽ bị "tràn ngập" trong khắp cơ thể, từ đó, các tín hiệu trong cơ thể truyền đi cũng không được "chuẩn", sự trao đổi chất trong cơ thể cũng bị rối loạn và bạn cảm thấy lo lắng liên tục.
4. Đầu óc mơ hồ
Trạng thái mơ hồ, sự minh mẫn bị giảm đi có thể là kết quả của tình trạng thiếu ngủ hoặc lão hóa trong cơ thể. Nhưng nó cũng có thể là do tình trạng cường giáp (hormone tuyến giáp tiết ra quá nhiều) gây ra. Còn nếu bạn cảm thấy khó tập trung, không thể suy nghĩ tinh thông, rõ ràng thì đó lại là do suy giáp (hormone tuyến giáp tiết ra quá ít). Đối với phụ nữ, các dấu hiệu liên quan đến tuyến giáp như thế này thường bắt đầu xuất hiện ở thời kì mãn kinh.
5. Suy giảm ham muốn tình dục
Đây là một trong những tác dụng phụ của tình trạng rối loạn tuyến giáp. Quá ít kích thích tố tuyến giáp được sản sinh ra có thể làm giảm ham muốn tình dục của bạn do nó ảnh hưởng đến mức độ estrogen - nội tiết tố trong cơ thể. Ngoài hệ quả suy giảm ham muốn tình dục, rối loạn tuyến giáp còn có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng khác như: tăng cân, giảm cân đột ngột, mất hết năng lượng, đau nhức cơ thể...
6. Khô da
Da đó là khô và ngứa có thể là một triệu chứng của suy giáp. Sự thay đổi trong kết cấu và vẻ bên ngoài của da chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự trao đổi chất. Nếu sự trao đổi chất chậm lại (do quá ít hormone tuyến giáp được sản xuất ra) thì có thể làm cho lượng mồ hôi tiết ra cũng giảm đi, da không đủ độ ẩm có thể sẽ nhanh chóng trở nên khô và bong tróc Tương tự như vậy, móng tay có thể trở nên giòn và dễ gãy trong trường hợp bạn bị rối loạn tuyến giáp.
7. Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
Chu kì kinh nguyệt thay đổi với lưu lượng máu ra nhiều hơn, thời gian kéo dài và đau bụng... hoàn toàn có thể là dấu hiệu của suy giáp - thiếu kích thích tố tuyến giáp. Nếu bị cường giáp - nồng độ kích thích tố tuyến giáp cao sẽ ảnh hưởng đến kinh nguyệt theo hướng khác, ví dụ như ngày có kinh ít đi, chu kì kinh nguyệt kéo dài, lượng máu kinh cũng giảm... Đặc biệt, nếu cảm thấy choáng váng trong ngày có kinh thì bạn cũng nên đi kiểm tra phòng ngừa nguy cơ thiếu máu.
8. Đau tứ chi hoặc đau cơ bắp
Nếu bạn bị ngứa ran không rõ nguyên nhân hoặc đột ngột bị tê, đau ở cánh tay, chân, bàn chân, bàn tay... thì có thể là một dấu hiệu của sự suy giáp. Đó là do tuyến giáp sản xuất quá ít hormone, từ đó có thể gây tổn hại các dây thần kinh, làm cho việc gửi tín hiệu từ bộ não và tủy sống đi khắp cơ thể bị cản trở và lượng kích thích tố đến các chi, cơ bắp không được đầy đủ, gây đau.
9. Huyết áp cao
Huyết áp cao có thể là một triệu chứng của một rối loạn tuyến giáp, cả cường giáp và suy giáp đều có thể là nguyên nhân. Các bác sĩ cho rằng, lượng kích thích tố tuyến giáp quá nhiều hoặc quá ít đều có thể làm chậm nhịp tim, ảnh hưởng đến sức bơm máu từ tim và làm cho tim hoạt động quá tải, dẫn đến tăng huyết áp.
10. Tóc mỏng đi và dễ rụng
Quá ít hormone tuyến giáp làm gián đoạn chu kỳ tăng trưởng tóc và khiến cho nhiều nang tóc không phát triển, kết quả là dẫn đến rụng tóc, tóc bị khô. Trong trường hợp nghiêm trọng, lông mày của bạn cũng có thể bị rụng theo.
Tuyến giáp hoạt động quá mức cũng có thể làm cho tóc bạn mỏng đi, yếu hơn, dễ gãy, rụng. Tình trạng cường giáp chỉ ảnh hưởng đến tóc của bạn chứ ít tác động đến lông mày hay lông chân, lông tay khác.
Bình luận của bạn