Người thứ 2 trên thế giới ghép thận lợn phải chạy thận trở lại

Các bác sĩ bệnh viện NYU Langone Health đang thực hiện ca ghép thận lợn cho bà Lisa Pisano vào tháng 4 - Ảnh: NYU Langone/New York Post.

Người đầu tiên ghép thận lợn chỉnh sửa gene đã qua đời

Kỷ lục mới trong ca cấy ghép thận lợn biến đổi gene cho người

Trung Quốc: Lần đầu tiên ghép gan lợn chỉnh sửa gene thành công lên người còn sống

Cô gái 21 tuổi "hồi sinh" sau ca ghép phổi kỳ diệu ngày 30 Tết được xuất viện

Theo AP News, trước đó, Lisa Pisano đã được phẫu thuật cấy ghép thận lợn biến đổi gene và đặt máy bơm tim cơ học vào tháng 4. Tim và thận của bà Pisano đã ngừng hoạt động trong một cuộc phẫu thuật đầy "căng thẳng", các bác sĩ đã cấy ghép một máy bơm cơ học để giữ cho tim cô đập và sau đó là thận lợn.

Ban đầu, bà hồi phục tốt. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Robert Montgomery, trưởng kíp mổ, việc quản lý cả máy bơm tim và quả thận mới "có những thách thức đặc biệt". Huyết áp của bà Pisano đã giảm xuống quá thấp nhiều lần để lượng máu đến thận được tối ưu. Vì vậy, quả thận bị mất chức năng, bác sĩ không thể tiếp tục cho bà dùng thuốc ức chế miễn dịch được nữa.

Tiến sĩ Robert Montgomery cho biết, kết quả sinh thiết thận cho thấy, thận không có dấu hiệu bị đào thải - mối lo ngại lớn nhất trong các ca cấy ghép từ động vật sang người, nhưng đã có "tổn thương đáng kể" do lưu lượng máu cung cấp cho quả thận không đủ. 

Sau ca phẫu thuật cắt bỏ, bệnh viện NYU Langone Health sẽ nghiên cứu kỹ hơn về cách phản ứng của quả thận lợn bên trong cơ thể người sống.

Tiến sĩ Robert Montgomery cũng lưu ý rằng, tình trạng bệnh của Pisano trước ca phẫu thuật đã khá nghiêm trọng do bà không thể thực hiện việc bơm tim kéo dài sự sống khi đang chạy thận nhân tạo và bệnh tim của bà cũng đã "ngăn cản" việc ghép thận truyền thống.

"Chúng tôi hy vọng sớm đưa Lisa về nhà với gia đình. Sức mạnh và sự dũng cảm của bà khi đối mặt với nghịch cảnh đã truyền cảm hứng, thúc đẩy chúng tôi theo đuổi hy vọng về cấy ghép dị chủng", ông nói.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP News vào tháng 4, bà Pisano nói biết rằng thận lợn có thể sẽ không có tác dụng nhưng "Tôi chỉ chớp lấy cơ hội. Và bạn biết đấy, trong trường hợp xấu nhất, nếu nó không hiệu quả với tôi thì nó có thể hiệu quả với người khác", bà chia sẻ. 

Bệnh nhân đầu tiên được ghép thận lợn là Richard "Rick" Slayman đã qua đời vào đầu tháng 5, gần 2 tháng sau ca cấy ghép. Các bác sĩ cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy ông tử vong do cuộc cấy ghép thử nghiệm.

Hiện có hơn 100.000 người Mỹ nằm trong danh sách chờ ghép tạng, hầu hết là cấy ghép thận. Hàng nghìn người đã chết trong khi chờ đợi. Với hy vọng giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung nội tạng hiến tặng, một số công ty công nghệ sinh học đang nỗ lực biến đổi gene của lợn để nội tạng của chúng giống con người hơn, ít xảy ra hiện tượng đào thải nếu cấy ghép vào cơ thể người.

Các nghiên cứu lớn và chính thức hơn dự kiến bắt đầu vào năm tới. Trong khi đó, NYU Langone Health và nhiều cơ sở y tế khác đã tạm thời cấy ghép tim, thận lợn vào người chết não, với kết quả đầy hứa hẹn.

Ngoài các ca ghép thận lợn, Đại học Maryland (Mỹ) còn ghép tim lợn cho hai người đàn ông không còn lựa chọn điều trị nào khác và hai người đã qua đời trong vòng vài tháng. Gần đây nhất, Trung Quốc cũng vừa thực hiện thành công ca ghép gan lợn chỉnh sửa gene cho người đàn ông 71 tuổi mắc bệnh ung thư gan thùy phải. Sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể di chuyển tự do mà không gặp phải bất kỳ phản ứng đào thải cấp tính nào.

 
Hiệp Nguyễn (Theo AP News)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn