300 trẻ tử vong liên quan đến siro ho, WHO kêu gọi phối hợp điều tra

Tổ chức Y tế Thế giới điều tra mối liên hệ giữa các trường hợp tử vong do siro ho

99 trẻ thiệt mạng nghi do uống siro ho Ấn Độ, Indonesia ban lệnh cấm siro

WHO điều tra 4 loại thuốc siro ho của Ấn Độ nghi làm 66 trẻ em tử vong

Trẻ dưới 1 tuổi có nên dùng siro ho?

Một số lưu ý chọn siro ho an toàn cho trẻ bị ho có đờm

Trong năm 2022, hơn 300 trẻ em tại một số quốc gia châu Á và châu Phi đã tử vong do liên quan tới dược phẩm nhiễm độc. Các trường hợp này được ghi nhận tại Gambia, Indonesia và Uzbekistan, trẻ chủ yếu dưới 5 tuổi và qua đời vì tổn thương thận cấp tính. Điểm chung là trẻ có sử dụng siro ho (sản phẩm không cần kê đơn) có chứa hàm lượng diethylene glycol và ethylene glycol cao.

Đây là 2 hóa chất được sử dụng làm dung môi trong công nghiệp, chỉ nuốt phải một lượng nhỏ cũng có thể gây chết người. Theo tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), diethylene glycol và ethylene glycol không được phép xuất hiện trong dược phẩm.

Ngoài 3 quốc gia trên, đại diện WHO cũng thông tin với tờ Reuters rằng các sản phẩm siro này còn được bán ở Philippines, Đông Timor, Senegal và Campuchia. Với nguy cơ này, WHO kêu gọi hành động phối hợp từ 194 quốc gia thành viên để ngăn chặn những hậu quả nặng nề hơn.

Theo tờ The Guardian, trong tháng 10/2022 và đầu tháng 1/2023, WHO đã gửi ban bố cảnh báo toàn cầu về các mặt hàng dược phẩm có liên quan những vụ việc trên và yêu cầu thu hồi sản phẩm. Trong đó, siro ho do công ty Maiden Pharmaceuticals và Marion Biotech của Ấn Độ sản xuất có liên quan tới những ca tử vong tại Gambia và Uzbekistan. 4 công ty khác tại Indonesia cũng sản xuất siro ho và chỉ lưu hành tại thị trường trong nước.

Các công ty hiện bác bỏ cáo buộc rằng sản phẩm của họ có chứa các chất độc hại, một số lại từ chối bình luận trong khi các cuộc điều tra đang diễn ra.

Sau cảnh báo của WHO, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông báo đang hợp tác cùng cơ quan y tế Liên Hợp Quốc và các đối tác quốc tế điều tra nguồn gốc của các sản phẩm siro ho này.

FDA nhận định, chưa có dấu hiệu cho thấy các loại siro ho chứa chất độc hại xâm nhập vào chuỗi cung ứng thuốc ở Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan này đang tiến hành điều tra tác động tiềm tàng và nguy cơ rủi ro đối với các sản phẩm do FDA quản lý.

Theo CBS News, FDA cũng sẽ tăng cường giám sát với sản phẩm chứa "glycerin, propylene glycol, polyethylene glycol, maltitol solution, hydrogenated starch hydrolysate hoặc sorbitol solution". Đây là lưu ý dành cho các nhà sản xuất và cơ quan quản lý nước ngoài, rằng những sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn của nước này.

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin