Một ca tai biến sản khoa đáng tiếc tại Gia Lai cuối tháng 11/2014
Theo một báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2014 mới đây do Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế tổ chức mới đây, cứ 1.000 ca sinh thì có khoảng 3,65 ca bị tai biến sản khoa.
Với việc Việt Nam mỗi năm có thêm khoảng 1,6 triệu bé thì số ca tai biến sản năm 2014 cũng vào khoảng 60.000 ca. Đáng lưu ý là chỉ có gần 48% các vụ tai biến sản khoa là xảy ra tại các cơ sở y tế với các tai biến sản khoa thường gặp vẫn là chảy máu, tắc mạch ối và sản giật..
Tỷ lệ tai biến sản khoa/số ca sinh là cao hay thấp thì chỉ có các chuyên gia của ngành Y tế mới trả lời được. Nhưng xin trich nhận định của một bác sỹ tại một bệnh viện sản khoa đầu ngành của cả nước để nói về thực tế đáng buồn: “70% sai lầm là do lỗi hệ thống chưa hoàn thiện như cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người chưa được đào tạo hết sức bài bản. Ở đây không bàn đến vấn đề y đức”.
Vâng, đấy là ở cơ sở y tế. Với 52% các vụ tai biến sản khoa xảy ra ngoài cơ sở y tế thì còn đáng buồn hơn. Với tỷ lệ này, mỗi năm có khoảng 30.000 sản phụ gặp tai biến mà không có sự chăm sóc, theo dõi của các cơ sở y tế.
Trong tình hình y tế đã được phủ khá sâu, rộng như hiện nay thì việc sản phụ tự sinh con ở nhà chắc đã ít hơn rất nhiều. Vậy thì tại sao vẫn còn một số lượng lớn sản phụ gặp tai biến mà không có sự chăm sóc, theo dõi của các cơ sở y tế như vậy?
Xin kể ra đây một câu chuyện riêng để nói về cái chung. Mới tháng trước, người viết có cô cháu dâu phải đi sinh nở ở một bệnh viện tuyến huyện tại Thái Bình. Sau chưa đầy 3 ngày nằm viện, các bác sỹ chỉ định cho sản phụ về và tối đó, cháu bị băng huyết.
Rất may là “trời phật còn thương” khi cháu tai qua, nạn khỏi. Nhưng sức khỏe của cháu và đứa bé thì đã bị ảnh hưởng bởi sự cố ấy. Mà việc cháu phải về nhà sớm được gia đình dự đoán là do bệnh viện đông nên bác sỹ phải cho xuất viện để còn nhường chỗ cho người khác.
Đấy là suy đoán! Nhưng chắc trong chúng ta sẽ có rất nhiều người chứng kiến cảnh các bác sỹ cho sản phụ về sớm vì chẳng còn chỗ mà nằm, đặc biệt là ở các bệnh viện tuyến trên. Thậm chí, “Từ 2-5 ngày là cho về” đã trở thành thông lệ của một số bệnh viện.
Thế mới hiểu vì sao “70% sai lầm là do lỗi hệ thống chưa hoàn thiện như cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người chưa được đào tạo hết sức bài bản”.
Thì tại cơ sở vật chất không đủ, tại trang thiết bị thiếu khiến việc chẩn đoán, nhận định có thiếu sót và cả việc con người chưa được đào tạo hết sức bài bản.
Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!
Bình luận của bạn