Adeno: Loại virus “quen mặt”, cha mẹ không nên quá hoang mang

Hiện Việt Nam chưa có vaccine phòng Adenovirus, vì vậy người dân cần thực hiện tốt biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh

Cha mẹ cần cẩn trọng với nhiễm Adenovirus ở trẻ khi giao mùa

Adenovirus là "thủ phạm" gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em?

Cách phòng bệnh hô hấp "tấn công" khi trẻ tựu trường

Cho trẻ ăn gì để tránh các bệnh về đường hô hấp?

Virus Adeno có thật sự nguy hiểm?

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, tính đến ngày 12/9, tổng số trẻ nhiễm virus Adeno là 412 trường hợp, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 6 bệnh nhi tử vong. Những thông tin này khiến nhiều người lo lắng về sự nguy hiểm của virus Adeno. Nhưng trên thực tế, đây là virus phổ biến, xuất hiện hàng năm, gây bệnh cho con người, nhất là trẻ nhỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): “Virus Adeno là một trong những loại virus về đường hô hấp. Theo y văn, đây là một loại virus gây bệnh nhẹ nhất, tức là nó chỉ gây cảm cúm, đau họng, chảy nước mũi… Vì vậy, khi bị virus Adeno không đáng lo ngại. Chỉ với những trường hợp đặc biệt mới xảy ra biến chứng”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trao đổi cùng phóng viên Tạp chí Sức khỏe+ - Ảnh: Nguyễn Hiệp

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trao đổi cùng phóng viên Tạp chí Sức khỏe+ - Ảnh: Nguyễn Hiệp

Đồng quan điểm, BS. Đỗ Tuấn Anh, đang công tác tại Trung tâm khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Virus Adeno là loại virus rất thông thường. Khoảng 80-90% người mắc là nhẹ và sẽ tự khỏi, nếu trẻ khỏe, có chế độ dinh dưỡng, vận động tốt, không có bệnh lý nền và tiêm chủng các loại vaccine khác đầy đủ”.

Về con số 6 bệnh nhi tử vong khiến nhiều cha mẹ lo lắng, thực tế khi virus Adeno gây tử vong cũng không phải trường hợp bất thường trên thế giới. Đa số trẻ mắc bệnh thường nhẹ nhưng vẫn có một số trường hợp nặng. Đối với virus Adeno tấn công các vị trí như: Viêm đường hô hấp dưới, tức là viêm phổi, hoặc tim, gan… các trường hợp này sẽ diễn biến rất nặng và hoàn toàn có thể dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, đôi khi công tác xét nghiệm của chúng ta không đi tới tận cùng, khi xuất hiện những ca nặng, ví dụ như: Viêm phổi, phải phân lập virus xem là loại nào gây bệnh. Khi xác định được là có sự xuất hiện virus Adeno, thế nhưng vẫn chưa chắc do virus này gây ra viêm phổi mà bệnh nhân có thể bị bội nhiễm của các con virus và vi khuẩn khác. Chính vì vậy, đôi khi virus Adeno đó chỉ là một tác nhân.

Con số bệnh nhi mắc virus Adeno tăng, 6 ca tử vong được cho là không phải quá bất thường, người dân không nên hoang mang, sợ hãi. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan với bệnh tật.

Cha mẹ thông thái - Con khỏe mạnh

Trong 2 năm dịch COVID-19 vừa qua, số bệnh nhi mắc virus Adeno có xu hướng chững lại bởi chúng ta áp dụng biện pháp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Tuy nhiên, khi trở về thời kỳ bình thường, trẻ bắt đầu mắc trở lại.

Con đường lây nhiễm chủ yếu của loại virus này chính là đường giọt bắn, đường hô hấp khi tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp với người bệnh. Khi bơi lội hay dùng chung nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm với người người bệnh cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus. Bên cạnh đó, dùng chung các đồ dùng cá nhân với người nhiễm virus cũng có thể khiến trẻ bị lây bệnh.

Đối tượng dễ mắc virus Adeno nhất là người già, trẻ em dưới 5 tuổi. Loại virus này có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, song, người mắc ít khi bị bệnh nghiêm trọng. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc đang mắc bệnh hô hấp hoặc tim mới có nguy cơ cao bị bệnh nặng do Adeno.

Cha mẹ cần lưu ý, khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu gồm: Sốt cao liên tục trên 38,5 độ, ho nhiều, khó thở, li bì, tiểu ít, khò khè, tím tái, không nói được… cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Theo BS. Dũng, chúng ta không thể nhận biết virus Adeno nếu không làm xét nghiệm. Bởi vì tất cả triệu chứng bệnh đường hô hấp đều giống nhau. Tại cơ sở y tế, các bác sỹ sẽ khám lâm sàng cẩn thận, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có chỉ định xét nghiệm, điều trị phù hợp.

Hiện nay chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus Adeno gây ra. Vì vậy, việc giảm nguy cơ mắc bệnh là điều quan trọng. BS. Dũng cho biết, các biện pháp phòng virus Adeno tương tự như phòng các bệnh đường hô hấp khác, như: Vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt, vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên; Đảm bảo môi trường thông thoáng, không có khói bụi, khói thuốc lá; Đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ bị ốm; Hạn chế đến nơi đông người; Uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng; Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch…

Có một thực tế là hiện nay không ít các bậc cha mẹ đang bị loạn thông tin về bệnh do virus Adeno khi tham khảo các nguồn tin không chính thống trên các trang báo mạng, youtube, tiktok, facebook.... “Thông tin có nguồn chính thống là từ báo chí của nhà nước, các kênh phát thanh, truyền hình. Người dân cần xem thông tin đó được chia sẻ từ bác sỹ tên gì, trình độ ra sao, đang công tác ở đâu…”, BS. Nguyễn Tiến Dũng nói. Các bậc cha mẹ cần phải biết chắt lọc những thông tin có nguồn gốc đáng tin cậy như vậy để tham khảo, tránh hiểu sai về bệnh hay lo lắng không cần thiết.

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin