Ai ơi, xin đừng lạm dụng!

Sử dụng thực phẩm chức năng cũng cần sự tư vấn của chuyên gia y tế và tuân thủ liều sử dụng nhà sản xuất quy định (Ảnh minh họa)

5 lý do bạn nên ăn một quả kiwi mỗi ngày

Cách chuẩn bị charcuterie board - mâm đồ nguội kiểu Âu

Uống trà giúp giảm nguy cơ tử vong, kéo dài tuổi thọ

5 loại trái cây giúp giảm cholesterol bạn nên thêm vào chế độ ăn uống

Mang bệnh vì lạm dụng thuốc, thực phẩm chức năng

Thời gian gần đây, báo chí phản ánh một số trường hợp bị nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng, do việc sử dụng thực phẩm chức năng. Điển hình như trường hợp vừa được Bệnh viện Da liễu TP.HCM thông tin cho báo chí ngày 12/8 vừa qua.

Thông cáo báo chí của bệnh viện cho biết, bệnh viện này vừa cứu sống bệnh nhân Vũ Thị H. (25 tuổi ngụ tại tỉnh Lâm Đồng) hoại tử thượng bì nhiễm độc (Hội chứng Lyell) nặng, tiên lượng tỷ lệ tử vong lên tới 50%. Bệnh nhân đến khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện các ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi…

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết mình có bệnh vảy nến, được người quen giới thiệu một số loại thực phẩm chức năng để điều trị, tăng cường sức đề kháng, làm đẹp da, thải độc tố… nên đã mua bộ gồm 7 sản phẩm thực phẩm chức năng với giá gần 5 triệu đồng. Sau khi sử dụng được khoảng 5 - 7 ngày thì xuất hiện các nốt ban nhỏ, lấm tấm… nhưng người bán nói là sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố nên tiếp tục sử dụng. Bản thân bệnh nhân này cho biết: “Sau những ngày sử dụng sản phẩm, cơ thể đau nhức, cảm giác đau từng lỗ chân lông, từng sợi tóc. Chịu không nổi nên tôi được người nhà đưa lên cấp cứu ở một bệnh viện đa khoa và được giới thiệu qua Bệnh viện Da liễu TP.HCM”.

maxresdefault (1)

Trường hợp bệnh nhân bị hội chứng Lyell sau khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng mà không có sự tư vấn của bác sỹ được điều trị tại bệnh viện Da liễu TP.HCM (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Theo BSCK2 Nguyễn Trúc Quỳnh, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh nhân được chẩn đoán là hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) do sử dụng thực phẩm chức năng. “Với những người mắc hội chứng này thông thường nguy cơ tử vong khoảng 30-50%. Với bệnh nhân Vũ Thị H, do thời gian sử dụng thực phẩm chức năng khá lâu (18-21 ngày theo lời bệnh nhân), nhập viện trễ, các vết trợt da chiếm hơn 60% cơ thể nên nguy cơ tử vong cao, lên tới 50%”, BS Trúc Quỳnh thông tin.

Bệnh viện Da liễu TP.HCM còn cho biết, thời gian qua tiếp nhận khá nhiều trường hợp dị ứng với thuốc, thực phẩm chức năng trong đó có nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị. Bản thân các dược thảo, chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm có trong thực phẩm chức năng không gây dị ứng nhưng các tá dược hay chất bảo quản có trong thực phẩm chức năng đều có nguy cơ gây dị ứng, thậm chí gây dị ứng rất nặng. Do đó, cũng giống như thuốc, thực phẩm chức năng cũng gây dị ứng và trong trường hợp này cũng có thể gọi là “dị ứng thuốc”. “Dị ứng thuốc hay dị ứng thực phẩm chức năng biểu hiện bằng nhiều dạng. Nặng nhất là sốc phản vệ, hoại tử thượng bì nhiễm độc… có thể gây chết người. Hoặc biểu hiện nhẹ hơn ở nhiều cơ quan khác nhau: trên da nổi mề đay, mẩn ngứa; trên hệ hô hấp khó thở, hen suyễn; trên hệ tiêu hóa đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; trên mắt bị viêm đỏ kết mạc...” BS Trúc Quỳnh cho biết thêm.

Hay như mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp hai anh em ruột V.L. (3 tuổi) và M.H. (18 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều (thông tin trên Báo Tuổi trẻ điện tử ngày 11/8/2022).

Gia đình cho biết hằng ngày đều đặn cho hai bé uống vitamin D từ sau sinh. Bà thấy cháu thích uống và nghĩ rằng vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao nên thay vì cho cháu uống theo liều lượng quy định thì để hai cháu uống tùy thích. Từ đó, hai bé uống trực tiếp tại lọ, lấy nhiều hơn liều quy định nhiều lần trong thời gian dài. Khoảng hai tuần trước khi nhập viện, hai bé đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8-9 lần/ngày.

61gusdpwa0l-ac-sl1500

Bổ sung vitamin và khoáng chất cao hơn liều lượng khuyến nghị làm tăng nguy cơ ngộ độc cho trẻ (ảnh minh họa)

Qua thăm khám kết quả cho thấy cả hai bé đều bị tăng canxi máu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, có dấu hiệu suy thận cấp, được chẩn đoán ngộ độc vitamin D và suy thận cấp do dùng quá liều vitamin D thời gian dài.

Những vụ việc nêu trên cho thấy đây là những trường hợp có tính điển hình về việc lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng. Với trường hợp bệnh nhân của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, người bệnh có bệnh nền lại tùy tiện sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng theo giới thiệu và hướng dẫn của người quen!?.

Cần hiểu đúng, dùng đúng về thực phẩm chức năng

 

Muốn có thông tin chính xác, cụ thể về nhãn hiệu, công dụng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà người bệnh đã sử dụng không có sự tư vấn chuyên môn, để tránh gây ngộ nhận về những sản phẩm thực phẩm chức năng khác có cùng công dụng và nhằm hướng dẫn người tiêu dùng hiểu đúng và sử dụng đúng sản phẩm thực phẩm chức năng, Tạp chí Sức khỏe+, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã có công văn đề nghị Bệnh viện Da liễu TP.HCM cung cấp thêm thông tin, nhưng cho đến nay chưa nhận được sự hồi đáp.

Với những trường hợp này, báo chí cũng đã trích dẫn ý kiến của các nhà chuyên môn. Theo TS Trần Quốc Cường - giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), vì thực phẩm chức năng không cần kê đơn nên việc phụ huynh tự ý mua cho con trẻ về uống bổ sung không sai. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thực phẩm chức năng quá nhiều, có thể dẫn đến nguy hại cho trẻ. "Tất cả các loại thuốc, dù là thuốc bổ, thực phẩm chức năng đi nữa thì cần uống đúng và đủ liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất, chỉ định của bác sỹ, nếu có. Đặc biệt là một số loại kẹo bổ, siro, trẻ rất thích nên phụ huynh thường cho trẻ dùng nhiều hơn và điều này cũng gây nguy hại cho trẻ", ông Cường nói (trích báo Tuổi trẻ điện tử ngày 11/8/2022).

tips-compliance-medication

Dùng thuốc hay TPCN đều cần sự tư vấn của bác sỹ (Ảnh minh họa)

Còn theo TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM kiêm Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ SIS Cần Thơ (báo Lao động điện tử ngày 9/5/2022 dẫn lời), trong quá trình trực tiếp tư vấn và điều trị cho bệnh nhân, không ít trường hợp đổ bệnh vì sử dụng thực phẩm chức năng không chỉ định.

TS.BS Trần Chí Cường đề cập cụ thể một bệnh nhân 50 tuổi (ngụ TP.Cần Thơ) đã tự ý uống rất nhiều các loại thực phẩm chức năng hòng giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi hậu COVID-19. Sau khi dùng phát sinh tình trạng tắc mạch máu não dẫn đến phải can thiệp chuyên sâu.

Cũng theo các chuyên gia, nếu người dân có nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc và cải thiện sức khoẻ, cần có sự tư vấn của bác sỹ. Đồng thời, ghi nhớ thực phẩm chức năng không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, không nên lạm dụng. DS.Lê Phước Thành Nhân, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, thực phẩm chức năng khi sử dụng phải có tư vấn của bác sỹ, không nên tự ý sử dụng theo thói quen hoặc lời tư vấn, quảng cáo “quá mức” của người bán hàng. Nếu sử dụng thực phẩm chức năng tùy tiện sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc do thừa chất, thậm chí có những biến chứng nguy hại (trích báo Người Lao động 12/3/2022).

Bộ Y tế tại Thông tư 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/2004 về việc Hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng, quy định:

Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.

Thực phẩm chức năng, tùy theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, còn có các tên gọi khác nhau như: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng y học.

Những sản phẩm thực phẩm có bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin, muối khoáng và các chất có hoạt tính sinh học được nhà sản xuất công bố là thực phẩm chức năng, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành chứng nhận phù hợp với pháp luật về thực phẩm và có đủ các điều kiện theo quy định thì được coi là thực phẩm chức năng.

Các quy định về TPCN được dẫn chiếu trong Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 và Luật An toàn thực phẩm năm 2010, năm 2018, trong Luật Dược, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Thương mại; Luật Cạnh tranh; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong các thông tư của Bộ Y tế…

Nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP, yêu cầu sau ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices - tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt). Tiêu chuẩn GMP là hệ thống quy định chung hoặc những hướng dẫn đảm bảo nhà sản xuất luôn làm ra sản phẩm đạt chất lượng đăng ký và an toàn cho người sử dụng. Đến nay, Việt Nam đã có 269 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP (số liệu cập nhật ngày 31/7/2022 của Cục Quản lý Dược).

Woman Choosing Over-the-Counter Medication at the Drugstore

Hãy làm người tiêu dùng thông thái!

Quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là nhu cầu chính đáng của mỗi người chúng ta. Sử dụng thực phẩm chức năng cho mục đích bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe là nhu cầu hiện hữu của người dân. Việc hiểu đúng và sử dụng đúng thực phẩm chức năng sẽ giúp chúng ta giữ gìn và bảo vệ thứ vốn quý nhất là sức khỏe của chính mình.

Trước hết các thượng đế - người tiêu dùng hãy chỉ nên mua thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng. Thông tin cho cơ quan Nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn, có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Người tiêu dùng “dễ tính” sẽ tiếp tay cho các đối tượng làm giả, làm nhái sản phẩm thực phẩm chức năng, sẵn sàng “vượt rào pháp luật” để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.

Người tiêu dùng cần từ bỏ thói quen tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc mua trên mạng; sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng không có sự tham khảo tư vấn của giới chuyên môn. Sự ngộ nhận về thực phẩm chức năng sẽ càng trở nên nguy hại nếu người tiêu dùng đặt niềm tin quá mức vào quảng cáo, cho rằng có thể thay thế được thuốc chữa bệnh, dẫn đến mất tiền oan mà còn mang vạ vào thân, như trường hợp dẫn ở trên.

 

 

Về phía quản lý nhà nước, để bảo vệ người tiêu dùng, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công tác hậu kiểm, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm. Tăng cường kiểm tra chống hàng giả, gian lận thương mại đối với thực phẩm chức năng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật. Phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật các hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, nhất là việc quảng cáo thực phẩm chức năng như “thần dược”… Đặc biệt cần tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của cơ quan chuyên môn.

Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Với các quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản; quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ; quyền được lựa chọn; quyền được góp ý về giá cả, chất lượng hàng hóa; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng…

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý