Cái ống nghe của bác sĩ chưa phải là dĩ vãng!

Ống nghe được nhiều bác sỹ chuyên khoa như tim mạch, hô hấp, nhi... sử dụng trong chẩn đoán lâm sàng

Bắc Bộ đón không khí lạnh, chuyển mưa rét từ ngày mai

Những điều cần nhớ khi bảo quản thuốc tại gia đình

Podcast: Lưu ý khi tiêm filler làm đẹp đón Tết

Ngành y tế tổng kết năm 2023 và triển khai công tác năm 2024

Ăn trứng như thế nào để có lợi cho sức khỏe?

"Cân não" can thiệp tim trong bào thai tại Bệnh viện Từ Dũ

Gia đình tôi có nhiều người làm bác sĩ nên cái ống nghe không xa lạ gì. Tôi không làm nghề y nhưng nhà cũng có cái ống nghe khá xịn do ông em rể là một bác sĩ chuyên ngành được phong thầy thuốc nhân dân trang bị cho, vẫn dùng để đo huyết áp cho bố tôi, nay làm đồ chơi cho cháu ngoại. Dạo này sức khỏe sa sút hay phải vào bệnh viện, tôi để ý thấy nhiều bác sĩ trên cổ không còn choàng cái ống nghe như trước đây. Tôi nghĩ bây giờ hẳn ngành y có nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại giúp cho bác sĩ chẩn đoán bệnh nên cái ống nghe đã lùi vào dĩ vãng.

Cho đến hôm nay, đọc trên trang cá nhân của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhắc đến cái ống nghe, tôi mới biết nó còn hữu dụng lắm. Ai vào bệnh viện mà được bác sĩ còn đeo cái ống nghe khám cho thì càng thêm tin tưởng.

Xin dẫn lại câu chuyện dưới đây, bác sĩ Lân Hiếu nói đến sự hữu dụng của cái ống nghe:

Cái ống nghe là phương tiện được ngành y luôn lấy làm hình ảnh biểu tượng. Áo Blouse và ống nghe đương nhiên hiểu là bác sĩ cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Ống nghe được bác sĩ René Laennec phát minh vì bản thân không thoải mái khi áp tai lên ngực của phụ nữ để nghe tiếng tim. Ông sử dụng một mảnh giấy được cuộn, đặt giữa ngực bệnh nhân và tai của minh. Cách làm này có thể khuếch đại âm thanh tim mà không cần tiếp xúc vật lý. Laennec gọi là stetho- + -scope (nghe ngực). Rất nhiều người đùa rằng các bác sĩ nhất là giới nam ghét nhất phát minh này!

Thực tế ống nghe được sử dụng trong rất nhiều tình huống lâm sàng: nghe tiếng tim, phổi, nhu động ruột, tiếng thổi của các mạch máu lớn như mạch cảnh, động mạch chủ bụng, động mạch thận... Thú vị hơn ống nghe có thể thay cái búa phản xạ để đánh giá phản xạ gân xương. Các bạn điều dưỡng thường dùng ống nghe đo huyết áp và đặc biệt rất cần thiết khi đặt sonde dạ dày hay nội khí quản để xem đã vào đúng vị trí chưa... Vì nhiều tác dụng như vậy nên ống nghe luôn được các sinh viên khi bước chân vào trường y "săn lùng". Nhìn cái "tai nghe" khoác trên vai hoặc ngoắc ở cổ là biết bạn ở đẳng cấp nào.

Ống nghe Littmann là niềm mơ ước của tất cả các bạn trẻ vì chất lượng cũng như thiết kế rất bắt mắt, tuy nhiên giá quá cao so với túi tiền nên thường chỉ nhà có "điều kiện" hoặc được tặng những dịp sinh nhật, lễ Tết...

 

Những chiếc ống nghe sẽ gắn liền với các sinh viên y khoa trong 6 năm học tập, nhưng đến sau đại học việc sử dụng sẽ ngày càng ít đi ngoại trừ một số chuyên khoa tim mạch, hô hấp, nhi... Có bác sĩ chẳng bao giờ sờ đến cái ống nghe, nhưng nếu chụp ảnh làm thương hiệu thì nó lại là vật trang trí hữu hiệu nhất. Tôi có thể đánh cược nhiều ông ngoại, sản bảo nghe phát hiện được tiếng thổi bất thường chắc là quá "xa xỉ". Với siêu âm, X-Quang, CT Scanner, MRI,… dường như chúng ta có thể chẩn đoán và theo dõi chính xác các thể giải phẫu và sinh lý của tuyệt đại đa số các trường hợp. Vậy vai trò của ống nghe trong y học hiện đại nằm ở vị trí nào?

Câu trả lời theo tôi là ống nghe không bao giờ biến mất khỏi hệ thống y tế cũng như cái bút vẽ vẫn luôn là vật bất ly thân của các hoạ sĩ tài năng.

- Thứ nhất, đây vẫn là phương tiện hiệu quả nhất khi khám lâm sàng để hướng đến các chẩn đoán. Các bệnh đơn giản đều có thể phát hiện với một bác sĩ có kiến thức cơ bản và một ống nghe tốt. Chỉ bằng cái ống nghe rất nhiều các trường hợp không cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng tốn tiền bạc, thời gian thậm chí nguy hại cho người bệnh. Ví dụ bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị mà nghe tiếng thổi tâm thu ở cạnh rốn, chẩn đoán hẹp động mạch thận rõ ràng phải nghĩ đến đầu tiên.

- Thứ hai, trong các trường hợp cấp cứu khẩn trương, ống nghe là cứu cánh cho tất cả các nhân viên y tế. Không phải ngẫu nhiên trong phòng ICU tiêu chuẩn mỗi đầu giường đều có chỗ để treo ống nghe! Bệnh nhân diễn biến xấu việc đầu tiên nhân viên y tế cần làm là bắt mạch và nghe tim, phổi.

- Thứ ba, ống nghe sẽ là dụng cụ tái kiểm rất quan trọng cho các kết quả cận lâm sàng thiếu logic ở các bệnh nhân phức tạp hoặc tưởng như đơn giản. Tôi luôn yêu cầu các bác sĩ ở phòng siêu âm nghe tim trước khi đặt đầu dò lên ngực bệnh nhân. Một tiếng tim bình thường khó có thể tương ứng với kết quả siêu âm quá xấu và ngược lại. Mất vài phút nhưng tránh được nhiều kết luận không chính xác mất uy tín của chính bản thân mình và gây bất lợi cho người bệnh.

- Cuối cùng, ống nghe luôn là vật trang sức đẹp nhất của nhân viên y tế chúng tôi. Kể cả đối với các bệnh nhân nhí, nếu được trang bị một ống nghe màu sắc rực rỡ và người bác sĩ biết cách sẽ làm buổi khám bệnh trở nên thân thiện và thuận lợi. Chỉ hơi lo nếu ống nghe quá đẹp và đặc biệt sẽ rất dễ bị "chôm" bởi chính các đồng nghiệp của mình.

Nói quá dài về một chủ đề cũ rích chỉ vì hôm nay gặp một bệnh nhân nữ tuổi còn trẻ. Rất lo lắng cho sức khoẻ nên chị thường xuyên đến khám ở nhiều bệnh viện lớn nhỏ. Các xét nghiệm được làm khá kỹ nhưng mãi đến hôm nay khi khám xương khớp, bác sĩ mới nghe tim và phát hiện tiếng thổi tâm thu rất to và gửi chị đến tôi. Hỏi chị sao bao lần khám trước không phát hiện được, câu trả lời làm tôi cũng ngẩn người ra một lúc. Chị bảo chưa ai nghe tim bao giờ. Các bác sĩ chỉ khám và cho xét nghiệm theo chuyên khoa của mình. Khám sức khoẻ tổng quát cũng hỏi bệnh và chụp chiếu. Vậy nên van hai lá bị hở nhiều của chị đã gây hậu quả giãn buồng tim bên trái (bắt đầu tiến trình của suy tim) mà không hề được phát hiện. Một ví dụ không phải hiếm gặp trong giai đoạn các xét nghiệm ngày càng được lên ngôi. Không thể phủ nhận của sự phát triển khoa học, công nghệ nhưng cũng đừng trở thành các "thầy bói xem voi". Trân trọng chiếc ống nghe khi mới vào nghiệp nên cũng đừng quên chức năng tưởng chừng như đơn giản nhưng sẽ giúp chúng ta thật nhiều trong thực hành lâm sàng.

Đừng quên mang ống nghe và hãy nghe thật nhiều các bạn trẻ nhé!

Đọc bài của bác sĩ Lân Hiếu, những lần tới vào bệnh viện khám bệnh, tôi sẽ để ý xem bác sĩ khám cho tôi có đeo ống nghe hay không đấy và nếu có tôi xin hãy nghe cho tôi!

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết