Trẻ em ngày càng mê các trò chơi bạo lực
Những bệnh hô hấp trẻ thường gặp vào mùa đông
Làm gì để giúp trẻ tăng chiều cao?
Bí quyết giúp trẻ em sống vui khỏe mỗi ngày
Các dưỡng chất trẻ dễ bị thiếu hụt
Cảnh giác với viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ
Thật hay ảo đều nguy
Cậu bé N.L (4 tuổi) thường hoảng hốt khi thấy các loại nước, vòi hoa sen, thậm chí đã khóc thét khi vô tình nhìn thấy ông ngoại đang dùng bình tưới cây dạng xịt. Lo lắng về phản ứng khác thường của con, mẹ bé L. đưa bé đến một phòng khám tâm lý nhi khoa. Qua sự khơi gợi của chuyên viên, cậu bé kể rằng “hồi đó, anh H. bắn súng vào mắt con, nước làm đau...”. Anh H. ở đây là người anh ruột 5 tuổi của cậu bé. Người mẹ mới sực nhớ cách đây 1 năm, L. phải vào viện vì bị đau rát ở mắt, cậu bé lúc đó còn quá nhỏ nên cứ khóc và dụi mắt mãi khiến mắt bị sưng, tấy đỏ mà không rõ nguyên nhân.
Theo các chuyên viên tâm lý, trò chơi mang tính chất mô phỏng những gì trẻ em nhìn thấy người lớn thực hiện hay thấy qua phim ảnh, sách báo... vốn rất bình thường trong sự phát triển tự nhiên của trẻ. Tuy nhiên, khả năng phân biệt đúng sai khi bắt chước người lớn ở trẻ thường hạn chế, trẻ khó có thể lường trước được những hành động của mình sẽ gây hậu quả như thế nào.
Cũng vì “lỡ tay” và không lường được hậu quả, nhiều tai nạn đã xảy ra khi trẻ em chơi đùa, bắt chước những pha đánh, bắn nhau trên phim ảnh, nghịch ngợm các đồ vật có khả năng gây sát thương của người lớn. Ví dụ như hồi tháng 5 vừa qua, một bé trai mới 6 tháng tuổi ở Bình Phước được chuyển đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 cấp cứu vì chấn thương sọ não. Nguyên nhân là do người chị 6 tuổi nghịch khẩu súng tự chế của ba khiến súng cướp cò, đạn bắn thẳng vào đỉnh đầu cậu em. Tháng 10 vừa qua, Bệnh viện Nhân Dân 115 cũng tiếp nhận một cậu bé 14 tuổi bị một viên “đạn” từ ná cao su bay vào họng, xuyên đến tận sàn sọ sau và đứa trẻ suýt mất mạng…
Phẫu thuật cho một cậu bé bị chấn thương vì dùng ná bắn nhau với bạn
Trên một diễn đàn, chị N.T.A.N (32 tuổi, ngụ tại Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Bé S. nhà mình 10 tuổi rồi, hồi trước hay quậy, 1 năm nay sắm cho cậu cái iPad, hy vọng sẽ thay đổi tính nết. Cậu ghiền trò đánh đấm gì đó, nhiều lúc vừa chơi vừa khoa chân múa tay, thấy cũng ngộ. Nhưng rồi cậu mê chơi quá, lại bắt chước các “anh hùng” trong game, vô lớp có cãi nhau chút là đánh luôn bạn khiến cô giáo lưu ý. Mình bận rộn, chỉ nhắc cậu anh để ý đừng cho em chơi nhiều. Ngờ đâu, một lần khi cậu anh vừa đến bắt ngưng chơi thì đứa em trợn mắt cầm nguyên cái tượng trên bàn ném vào anh, may mà anh nó tránh được. Khổ thiệt, con trai mình hồi trước hiền lắm, bây giờ đụng đâu nó cũng cự cãi, đòi đánh nhau”.
Nên kiểm soát trò chơi của trẻ
BS. Vũ Hải Long - Trưởng Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115, người phẫu thuật cho cậu bé bị đạn ná cao su xuyên vào sàn sọ nêu trên khuyến cáo: “Trẻ em thường thích “sáng tạo” trong các trò chơi và không lường trước được hậu quả của nó. Như trong trường hợp hy hữu này, chắc đứa bé gây tai nạn cũng không ngờ viên bi nhỏ xíu lại có thể làm bạn mình suýt mất mạng. Vậy nên phụ huynh cần cảnh giác và khuyên bảo con từ nhỏ về những tai nạn trẻ em có thể xảy ra khi chơi những đồ chơi có nguy cơ gây họa như súng, ná... Cần lưu ý trẻ đừng lượm những thứ nguy hiểm làm đạn, đừng chĩa vào mặt, cơ thể bạn khi chơi”.
Một bác sỹ ở khoa cấp cứu của một bệnh viện nhi tiết lộ, ông thỉnh thoảng vẫn gặp trường hợp trẻ lớn bị chấn thương do cạnh sắc nhọn của đồ chơi hay các loạt đạn từ súng giả; còn trẻ nhỏ thì nuốt những viên đạn giả, những mảnh nhỏ có thể tháo rời hoặc dễ vỡ của đồ chơi.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y Tâm thần TP.HCM, cho biết trò chơi mang tính bạo lực ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách ở trẻ em nếu như trẻ không được người lớn hướng dẫn để biết hành động nào đúng, hành động nào sai. “Nguy hiểm nhất vào thời buổi này là trò chơi ảo. Trẻ chỉ ngồi trước máy tính, người lớn nhiều khi không biết trẻ đang chơi gì. Nhưng khi đã nghiện game, với những hình ảnh bạo lực liên tục tác động lên thế giới ảo, nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Chúng ta đều biết nghiện game rất nguy hiểm và nghiện game bạo lực càng nguy hiểm hơn, nhất là khi trẻ bắt đầu thay đổi tính nết, dễ bị kích động hay gây hấn… Đó là lúc cha mẹ cần xem lại các trò chơi của trẻ”, ThS.BS Nguyễn Ngọc Quang nói.
Những tội phạm nguy hiểm có quá khứ của một đứa trẻ thích hành động kỳ quái, giết hoặc gây đau đớn cho động vật không phải là chuyện chỉ có trên phim ảnh mà hiện hữu cả trong đời thực. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý - tâm thần cũng cảnh báo các phụ huynh nên hết sức lưu ý nếu trẻ có những hành động như hành hạ các vật nuôi trong nhà, giết hại một cách dã man các con vật bắt được, thậm chí là động vật có hại như chuột, gián hoặc có những hành động kỳ quặc đối với búp bê, thú bông. Nên ngăn chặn và giải thích cho trẻ ngay rằng điều đó là sai đồng thời tham khảo ý kiến chuyên gia vì những hành động bạo lực đó có thể là mầm mống của các rối loạn nhân cách.
Bình luận của bạn