Bệnh hen phế quản – nhìn từ góc độ Đông Y


TS. Nguyễn Tiến Vững (Viện Pháp y Quốc gia) lý giải về nguồn gốc của bệnh hen phế quản (háo suyễn) theo quan điểm của Đông y, như sau: “Khí không được liễm nạp về thận, tỳ dương hư yếu, thủy thấp ứ đọng sinh ra đờm. Trong cổ họng phát ra tiếng gọi là háo (hen) thở hít gấp gáp. Khí đưa lên nhiều mà đưa xuống ít gọi là (suyễn).”

Bệnh tại Phế, Tỳ, Thận

Cũng theo TS Nguyễn Tiến Vững, đây là bệnh có liên quan đến ba tạng Phế (phổi), Tỳ (lá lách), Thận. Phế chủ đưa khí ra, Thận chủ nạp khí vào. Phế là chủ của khí, Thận là gốc của khí. Khí thuộc dương, bình thường khí đi từ trên xuống dưới. Khi phế yếu, xuất nhập khí rối loạn và khí chạy ngược lên (khí nghịch). Tỳ Thận hư không liễm nạp được dương khí, nước nghịch lên thành đờm, gây ủng tắc phế khí, khí ngược lên mà gây khó thở. Tùy theo tạng là nơi khởi bệnh mà Đông y chia các dạng bệnh: Hen phế quản gốc tại Tỳ, hen phế quản gốc tại Thận và hen phế quản gốc tại Phế.

Theo quan điểm của Đông y, cần biết lựa chọn và sử dụng hợp lý các vị thảo dược đồng thời, phối hợp với việc điều hòa, cân bằng cơ thể, mà quan trọng nhất là phục hồi và điều hòa chức năng của các tạng Tỳ, Phế, Thận, thì mới có thể phòng ngừa và điều trị tận gốc của bệnh hen phế quản.

Phế có công năng chủ xuất nhập khí. Trong bệnh hen, triệu chứng điển hình dễ thấy là cơn khó thở, khó thở ra, khó thở có chu kỳ, cơn khó thở bùng phát khi gặp các yếu tố kích thích như gió, ẩm, lạnh, bụi, mùi lạ, căng thẳng, mệt nhọc... Đó chính là các biểu hiện do phế rối loạn làm khí xuất nhập rối loạn gây nên khó thở.

Tỳ có chức năng vận hóa, chuyển biến hóa thức ăn. Tỳ ghét thấp nên trong điều kiện sống ẩm thấp hay thời tiết những ngày mưa ẩm dễ ảnh hưởng đến hoạt động của Tỳ. Tình trạng stress, lo nghĩ quá nhiều cũng làm rối loạn công năng của Tỳ. Chức năng chuyển hóa thức ăn của Tỳ rối loạn sẽ sinh đờm. (Đờm là một sản vật bệnh lý lưu hành trong cơ thể. Đờm dừng ở đâu sinh bệnh ở đó. Khi nó dừng ở phế sẽ làm tắc nghẽn gây khó thở).

Thận là chủ nạp khí. Trong một số trường hợp bẩm sinh cơ thể yếu ớt đã bị rối loạn công năng thận (gọi là tiên thiên bất túc). Thận không nạp khí nên khí ngược lên gây khó thở. Thận chủ thủy, thủy suy thì không sinh được huyết mà lại sinh đờm. Như đã nói, cũng là một nguyên nhân làm tắc nghẽn gây khó thở.

Điều hòa cơ thể, giữ nhịp thở yên

Dù “gốc” bệnh có thể ở các tạng khác nhau, tuy nhiên, để điều trị dứt điểm căn bệnh này, điều quan trọng nhất là phải điều hòa, cân bằng toàn bộ các thể tạng, cũng như điều hòa dòng khí trong cơ thể, bởi cơ thể là khối thống nhất, có quan hệ sinh khắc chế hóa âm dương, ngũ hành mật thiết. Trong đó, quan trọng nhất là phục hồi và điều hòa chức năng của các tạng Tỳ, Phế, Thận.

TS Nguyễn Tiến Vững cho biết thêm: Trong Đông y, tạng Thận rất được coi trọng. Nguyên khí được hóa sinh từ tinh khí trong thận, cấu tạo bởi tiên thiên thận (nguyên khí), nó được nuôi dưỡng bổ sung không ngừng bởi tinh hậu thiên của tạng tỳ. Các Danh y thường sử dụng vị thuốc Ngũ vị tử có tác dụng: Liễm phế tư thận, sinh tân liễm hãn, chủ trị các chứng hư suyễn cửu khái. Vị thuốc này có đủ ngũ vị, trong đó, vị chua mặn nhiều hơn nên chuyên thu liễm phế khí mà tư dưỡng thận thủy, ích khí sinh tân, nên có tác dụng cầm ho định suyễn, khái nghịch thượng khí, cường âm ích tinh, sinh tân chí khát, bổ nguyên khí bất túc. (Có thể hiểu là tác dụng điều khí, dưỡng thận, khống chế luồng khí đi ngược, bồi bổ cơ thể, chống lại các cơn hen suyễn). Ngũ vị tử với cam thảo giúp nguyên khí phục hồi mà lại cân bằng, giúp các tạng phủ khỏe mạnh mà điều hòa, chức năng nạp khí của tạng thận được phục hồi.

Ngũ vị tử kết hợp với các vị thuốc giúp bổ phế, bình suyễn trị ho, tuyên thông phế khí, giúp hồi phục chức năng xuất nhập khí của phế. Trong đó, hai vị Bối mẫu và Bán hạ được phối hợp hài hòa. Bán hạ khí ôn, kiêm trị Tỳ - Phế. Bối mẫu khí lương chuyên thanh phế. Bán hạ tán hàn, Bối mẫu thanh nhiệt, song kiếm hợp bích hỗ trợ cân bằng Tỳ và Phế. Ngoài ra, các vị Ma hoàng, Tỳ bà diệp, Hạnh nhân, giúp giáng khí, hóa đờm, chỉ khái bình suyễn. Các vị Trần bì, Can khương giúp tiêu viêm, hạ phế khí, khai vị kiện tỳ, hòa vị khí giúp nâng cao và phục hồi chức năng của tạng Tỳ, giúp chức năng vận hóa thức ăn của tỳ vị mạnh lên, tỳ khí lưu thông, không tích trệ, từ đó, không sinh ra Đờm nữa.

Khi sử dụng phối hợp các vị thuốc Đông y hoặc các sản phẩm có chiết xuất thảo dược tương đương để phòng ngừa và điều trị bệnh hen suyễn thì người bệnh phải kiên trì sử dụng liên tục, đúng liều trong một thời gian (khoảng 2 – 3 tháng).



linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp