Thực phẩm chức năng cho người bị ADHD có thực sự hiệu quả?

Tăng động giảm chú ý dùng thực phẩm chức năng hiệu quả không?

14 dấu hiệu rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ

Dấu hiệu cho thấy bạn có thể đã mắc hội chứng ADHD

Hỗ trợ trẻ bị ADHD ở trường học như thế nào?

Phát hiện trẻ bị ADHD, phụ huynh cần làm gì đầu tiên?

Một số nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân bị rối loạn tăng động giảm chú ý/ADHD thường có lượng vitamin và khoáng chất trong cơ thể thấp. Mặc dù vậy, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy sự thiếu hụt khoáng chất sẽ gây ra ADHD.

Trong một số trường hợp, thiếu hụt vitamin và khoáng chất là tác dụng phụ của sau khi sử dụng thuốc điều trị ADHD. Ví dụ, những người dùng thuốc điều trị ADHD thường mất cảm giác thèm ăn, từ đó dẫn đến việc ăn ít và giảm lượng chất dinh dưỡng.

Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng cũng có thể làm các triệu chứng ADHD nặng thêm hoặc gây ra các triệu chứng giống như ADHD, như hiếu động thái quá, hành vi bốc đồng và mất tập trung.

Các nhà khoa học hiện đang tìm hiểu xem liệu các loại thực phẩm chức năng, chất bổ sung hormone, vitamin và khoáng chất sau đây có hiệu quả gì trong điều trị ADHD hay không:

Melatonin

Melatonin là hormone điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức. Nó có thể hữu ích cho trẻ nhỏ bị ADHD và rối loạn giấc ngủ.

Trong nhiều trường hợp, thuốc điều trị ADHD có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho giấc ngủ. Vì thuốc hoạt động bằng cách tăng cường hoạt động trong cả não và hệ thần kinh trung ương, nên nó có thể dẫn đến các rối loạn giấc ngủ như: Khó ngủ, khó thức dậy, thường tỉnh giấc giữa đêm hoặc ngủ ngày.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh đã chứng minh rằng bổ sung melatonin có thể cải thiện giấc ngủ ở 60,8% những trẻ bị ADHD tham gia nghiên cứu. Được biết, những trẻ này thường gặp phải những vấn đề giấc ngủ do tác dụng không mong muốn của thuốc Methylphenidate mang lại.

Vitamin D

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và chức năng bình thường của não bộ. Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa thiếu vitamin D và rối loạn phát triển thần kinh, trong đó có ADHD.

Một nghiên cứu năm 2018 đã so sánh mức vitamin D ở những trẻ bị ADHD và những trẻ không mắc chứng này. Kết quả là những trẻ bị ADHD có hàm lượng vitamin D trong máu thấp hơn đáng kể và cũng có khả năng bị thiếu vitamin D hơn những trẻ không bị ADHD. Trong giai đoạn thứ hai của nghiên cứu, các nhà khoa học đã chia những trẻ bị thiếu vitamin D thành hai nhóm: Một nhóm được bổ sung vitamin D trong 8 tuần, nhóm còn lại sử dụng giả dược. Sau 8 tuần, so với nhóm trẻ em dùng giả dược, nhóm trẻ được bổ sung vitamin D đã có sự cải thiện đáng kể về khả năng chú ý, hành vi bốc đồng và hiếu động.

Những phát hiện này cho thấy bổ sung vitamin D có thể cải thiện các triệu chứng ADHD ở trẻ thiếu vitamin D. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận điều này.

Xem tiếp 

 


Kẽm

Kẽm là một khoáng chất thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong chức năng của não bộ. Trẻ em thiếu kẽm có thể gặp các triệu chứng tương tự như ADHD, bao gồm bồn chồn, không tập trung và chậm phát triển nhận thức.

Theo một số nghiên cứu, ADHD và thiếu kẽm ở trẻ nhỏ dường như có mối liên quan với nhau. Một nghiên cứu năm 2015 đã kết luận rằng bổ sung kẽm có thể giúp hỗ trợ điều trị các triệu chứng ADHD ở trẻ bị thiếu kẽm.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu kẽm có tác động gì đến các triệu chứng ADHD ở trẻ em hoặc người trưởng thành không bị thiếu kẽm hay không.

Sắt

Sắt rất cần thiết để sản xuất hóa chất dopamine trong não

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người bị ADHD thường có mức độ dopamine thấp trong não.

Do đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng thiếu sắt có thể đóng vai trò gì đó đối với ADHD. Một báo cáo được đăng tải trên Tạp chí Scientific Reports (Anh) năm 2018 đã xem xét 17 nghiên cứu so sánh mức độ sắt ở trẻ mắc ADHD và không mắc chứng này. Kết quả cho thấy trẻ bị thiếu sắt có khả năng bị ADHD cao. Ngoài ra, trẻ ADHD bị thiếu sắt dường như có các triệu chứng ADHD nặng hơn.

Những kết quả này cho thấy bổ sung sắt có thể có lợi cho trẻ em thiếu sắt bị ADHD. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để kiểm tra chính xác điều này.

Acid béo omega-3

Omega-3 và omega-6 là các acid béo thiết yếu (EFA) đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của não bộ. Omega-3 giúp bảo vệ mô não và hỗ trợ truyền tín hiệu giữa các tế bào não.

Một nghiên cứu năm 2017 đã kiểm tra lợi ích của omega-3 và omega-6 trong điều trị ADHD ở trẻ nhỏ và người trưởng thành trẻ tuổi. Nghiên cứu này bao gồm 16 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng. Những người tham gia trong mỗi thử nghiệm này đã được bổ sung EFA hoặc giả dược.

Trong 13 thử nghiệm, những người tham gia được bổ sung EFA đã có sự cải thiện về: Sự chú ý, khả năng học trực quan, trí nhớ ngắn hạn, hiếu động, hành vi bốc đồng.

Đặc biệt, một nghiên cứu năm 2016 cho thấy trẻ bị ADHD có xu hướng mất cân bằng acid béo hơn là thiếu EFA, có nghĩa là tỷ lệ acid béo omega-6 cao hơn rất nhiều so với omega-3. Vì vậy, giải quyết sự mất cân bằng này được cho là vô cùng quan trọng hơn là chỉ đơn giản là tăng tiêu thụ EFA.

Tìm hiểu thêm: Tại sao cần cân bằng omega-3 và omega-6 trong chế độ ăn?

Tóm lại, thực phẩm chức năng mở ra nhiều hy vọng mới trong công cuộc chiến đấu chống lại ADHD. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học chứng minh lợi ích của các sản phẩm này hiện vẫn còn khá sơ khai và cần các thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn để hiểu rõ hơn về hiệu quả và độ an toàn của các sản phẩm này cho người bị ADHD .

Đặc biệt, trước khi sử dụng bất cứ loại thực phẩm chức năng nào, bạn nên tham vấn bác sỹ, chuyên gia y tế và dược sỹ, không nên tự ý sử dụng.

Biết Tuốt H+ (Theo MNT)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất