Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại tại phiên thảo luận Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - Ảnh: TTXVN.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Hà Nội phải xét nghiệm 100% dân
Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các nhà khoa học chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19
Bộ trưởng Bộ Y tế: "Rất khó để đưa số ca nhiễm COVID-19 về 0"
Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi y tế tư nhân TP.HCM cùng chống dịch COVID-19
Theo người đứng đầu ngành y tế, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch bệnh của các nước trên thế giới. Từ khi phát hiện ca COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch và đang trong đợt thứ 4. Có một thực tế là đợt dịch lần sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn đợt dịch trước đó.
Trải lòng với phóng viên VnExpress về những khó khăn của đợt dịch thứ 4, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: "Áp lực lớn nhất khiến tôi nhiều đêm trăn trở không thể ngủ là khi số ca bệnh tăng nhanh, số ca tử vong cũng tăng nhanh. Có thời điểm, ca tử vong lên đến 300-400 mỗi ngày, thực sự là áp lực vô cùng lớn, không chỉ với tôi mà với cả lãnh đạo Chính phủ. Chúng tôi đưa ra mục tiêu tối thượng ở thời điểm đó là phải cố gắng giảm được ca tử vong ở TP. HCM cũng như một số địa phương".
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, khi phải đưa ra hoặc tham mưu những quyết định trong thời khắc cực kỳ khó khăn như giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam là những quyết định "cân não" với lãnh đạo Chính phủ, cũng như đối với cơ quan tham mưu - Bộ Y tế.
"Áp lực thứ ba là trong thời gian ngắn, ca nhiễm tăng nhanh dẫn đến quá tải cục bộ hệ thống y tế. Chúng tôi phải chạy đua với tốc độ lây lan của dịch" - Bộ trưởng chia sẻ.
Với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt là sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, đến nay, các địa phương ở tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong; dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
"Ngành y tế xin được chia sẻ với những mất mát, tổn thất nặng nề về con người tại TP.HCM và các địa phương khác trong thời gian qua" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ với các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 8/11.
Sẽ tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau
Tại phiên thảo luận Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giải trình những vấn đề các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine rất hiệu quả, trên tất cả lĩnh vực từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng...
"Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Chúng ta đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí", Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Theo Bộ trưởng, chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng đang được triển khai rất thành công. Tính đến hết ngày 7/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều vaccine. Số lượng vaccine hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần.
Ngoài ra, nước ta cũng đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước với 2 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3 là vaccine Nano Covax và ARCT-154; 1 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2 là vaccine COVIVAC, cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên Thế giới để từng bước chủ động vaccine trong nước.
Đối với hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
Về việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128; Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Bình luận của bạn