Khuyến cáo các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho bếp ăn tập thể - Ảnh minh họa: TTXVN.
Infographic: Làm thế nào để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp ăn tập thể?
ATTP trong bếp ăn tập thể: Quan trọng là truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn do suất ăn giá quá rẻ
Ham rẻ lấy đâu ra khỏe!
Cảnh báo được Cục An toàn thực phẩm đưa ra hôm 27/4 sau khi hàng loạt thực phẩm kém chất lượng hoặc giả được phát hiện với số lượng ngày càng gia tăng. Mới nhất là vụ thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả tại Phú Thọ. Hàng chục tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc là gà đông lạnh, nội tạng gà đông lạnh, xúc xích, lạp xưởng, viên thả lẩu thập cẩm... bị phát hiện tại Hà Nội. Ngoài ra, vụ ngâm tẩm hóa chất vào giá đỗ tại Nghệ An cũng gây xôn xao dư luận.
Theo Cục An toàn thực phẩm, con đường tiêu thụ, phân phối các thực phẩm này rất khác nhau, bao gồm thông qua mạng xã hội, thị trường truyền thống, đến đưa vào các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học với ưu thế giá rẻ.
Thực phẩm không đảm bảo an toàn là mối đe dọa trước mắt gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Chúng để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng đối với sức khỏe như các bệnh mạn tính ung thư, suy gan, suy thận, ảnh hưởng đến hệ sinh sản... do nhiễm hóa chất, vi sinh vật gây bệnh.
Thực phẩm mất an toàn dẫn đến hệ lụy như số người mắc rất lớn, ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp; học sinh, sinh viên nghỉ học, gây quá tải cho hệ thống y tế, tổn hại sức khỏe, kinh tế và làm mất ổn định xã hội. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vô cùng quan trọng, đảm bảo sức khỏe cho lực lượng sản xuất - công nhân và học sinh, sinh viên.
Theo Cục An toàn Thực phẩm, bếp ăn tập thể phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là nguyên liệu chế biến thực phẩm. Vì vậy, cần thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc an toàn.
Lựa chọn nguyên liệu đầu vào an toàn
- Nguồn gốc rõ ràng: Chỉ nhập nguyên liệu từ các nhà cung cấp uy tín, có giấy phép kinh doanh và chứng nhận an toàn thực phẩm.
- Kiểm tra chất lượng: Nguyên liệu phải tươi, không dập nát, không có dấu hiệu hư hỏng, nấm mốc; Nguyên liệu chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, hương liệu, gia vị phải có nhãn ghi đúng quy định, còn hạn sử dụng.
- Hợp đồng minh bạch: Ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu với các đơn vị cam kết đảm bảo chất lượng, có kiểm tra định kỳ, có ghi chép, truy xuất được nguồn gốc khi có sự cố xảy ra.
Quy trình sơ chế, chế biến tuân thủ quy định an toàn
- Khu vực chế biến sạch sẽ, phân khu rõ ràng: Thực phẩm sống và chín phải được chế biến riêng biệt.
- Vệ sinh cá nhân: Người chế biến cần rửa tay thường xuyên, mặc trang phục bảo hộ, đội mũ, đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc.
- Dụng cụ chế biến: Phải được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.
Bảo quản thực phẩm an toàn
- Kho bảo quản phải tuân thủ theo đúng quy định an toàn thực phẩm: Thực phẩm cần được lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ phù hợp, tránh nhiễm khuẩn chéo, tránh côn trùng, động vật gây hại.
- Thực hiện quy tắc FIFO (“First In, First Out”) : Sử dụng nguyên liệu nhập trước, tránh tồn kho quá lâu.
Thực hiện lưu mẫu, giám sát và kiểm tra thường xuyên
- Lưu mẫu thức ăn: Thực hiện lưu mẫu theo đúng quy định để phục vụ công tác truy xuất khi cần.
- Kiểm tra nội bộ: Xây dựng đội ngũ kiểm tra an toàn thực phẩm nội bộ để rà soát định kỳ và đột xuất.
- Tập huấn định kỳ: Tổ chức các lớp đào tạo kiến thức an toàn thực phẩm cho toàn bộ nhân viên bếp ăn.
Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, mỗi nhân viên, mỗi người quản lý bếp ăn phải nhận thức rằng: An toàn thực phẩm là trách nhiệm, là đạo đức, là bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi niềm tin và sự an toàn của hàng trăm, hàng nghìn con người.
Bình luận của bạn