ATTP trong bếp ăn tập thể: Quan trọng là truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Truy xuất tốt nguồn gốc của thực phẩm sẽ giảm thiểu nguy cơ mất vệ sinh thực phẩm nhất là bếp ăn tập thể

Điều tra, xử lý vụ 55 học sinh nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu

Khẩn trương điều tra vụ nghi ngờ ngộ độc sau uống nước ngọt ở Thanh Oai

Nguy cơ ngộ độc histamine từ cá biển

Nguyên nhân liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm

Mới đây, Đoàn kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) do Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại chợ Bình Điền (Quận 8, TPHCM) và trường Tiểu học-THCS-THPT Vinschool Central Park (quận Bình Thạnh, TPHCM).

Tại Chợ Bình Điền, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long cho biết, thời gian gần đây có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, trường học… Sau quá trình điều tra, truy xuất thấy rằng có vấn đề về nguồn gốc của các thực phẩm sử dụng ở các nơi đó còn bất cập.

Theo ông Long, việc Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đi kiểm tra vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó chợ đầu mối là trọng điểm vì đây là nơi cung cấp các nguyên liệu thực phẩm như rau củ quả, thịt cá, thủy hải sản, đủ các mặt hàng cho thành phố.

Qua kiểm tra các ô, sạp ở chợ Bình Điền, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đánh giá cao công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm tại chợ Bình Điền: "Chợ quản lý tốt từ khâu đầu vào cho tới đầu ra, trang bị cho các tiểu thương sổ truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng ngày từ đó biết được rau củ quả nhập ở tỉnh nào, vùng nào, thông tin người cung cấp... Đặc biệt, trong chợ, Sở ATTP có đội thường trực phối hợp với Ban quản lý để làm khâu kiểm soát, vấn đề này rất tốt".

 "Nhìn chung, khâu quản lý tốt, truy xuất nguồn gốc tốt sẽ phục vụ tốt cho quá trình phân phối đi các cơ sở, chợ khác", ông Long nói.

TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế kiểm tra công tác chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại chợ Bình Điền - Ảnh: Phạm Thương/MOH

TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế kiểm tra công tác chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại chợ Bình Điền - Ảnh: Phạm Thương/MOH

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng cho rằng, chợ Bình Điền cung cấp hơn 70% thủy hải sản, 25% rau củ quả, 30-40% thịt cho thành phố. Nếu kiểm soát tốt từ nguồn gốc qua chợ này rồi phân phối đi nơi khác thì giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất nhiều, chính vì vậy việc đi kiểm tra rất quan trọng.

"Truy xuất nguồn gốc tốt sẽ giảm thiểu nguy cơ mất vệ sinh thực phẩm nhất là bếp ăn tập thể cho vài nghìn tới vài chục nghìn người ăn", ông Long nhận định.

Còn tại trường Tiểu học-THCS-THPT Vinschool Central Park, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long cho biết, qua kiểm tra, đoàn ghi nhận công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn của trường khá tốt. Việc ghi chép, lưu trữ hồ sơ thực phẩm được thực hiện nghiêm túc. Điều kiện vệ sinh, dụng cụ đều bằng inox được rửa, sấy sạch sẽ. Nhân viên đảm bảo an toàn vệ sinh, công tác lưu mẫu thức ăn cũng thực hiện tốt. Tiến hành test ngẫu nhiên các mẫu thực phẩm để kiểm tra, loại trừ nguy cơ thực phẩm không đảm bảo cho học sinh.

Theo TS. Nguyễn Hùng Long, để xây dựng được một bếp ăn cần sự phối hợp giữa nhiều chuyên ngành với nhau để quản lý, đặc biệt là khi xảy ra sự cố có thể truy xuất nguồn gốc. Việc truy xuất nguồn gốc rất quan trọng đặc biệt khi xảy ra trường hợp ngộ độc.

TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - làm trưởng đoàn kiểm tra ATTP tại bếp ăn trường Tiểu học-THCS-THPT Vinschool TPHCM - Ảnh: Phạm Thương/MOH

TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - làm trưởng đoàn kiểm tra ATTP tại bếp ăn trường Tiểu học-THCS-THPT Vinschool TPHCM - Ảnh: Phạm Thương/MOH

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, cần đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn trường học vì học sinh là đối tượng rất nhạy cảm. Vậy nên, để làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho các em học sinh, nhà trường cần lưu ý về việc sử dụng găng tay và các thiết bị vệ sinh trong chế biến thực phẩm sao cho đúng. Tăng cường quản lý thực phẩm đầu vào, đặc biệt lưu ý những loại thực phẩm có nguy cơ cao như thịt gà, trứng, cá, hải sản…

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.138 người mắc và 6 trường hợp tử vong. Thời gian qua cũng đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn, xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty (tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Nai); bếp ăn trường học, và cả căn tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TP.HCM).

Chỉ tính riêng trong tháng 5/2024, 3 vụ ngộ độc tập thể lớn có thể kể đến như: Ngày 15/5, tại Đồng Nai đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến gần 100 công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam, Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai nhập viện.

Trước đó 1 ngày (ngày 14/5), một vụ ngộ độc thực phẩm cũng xảy ra tại một công ty trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Sau bữa trưa, hơn 400 công nhân tại đây có biểu hiện đau bụng, buồn nôn được đưa vào viện. Suất ăn do công ty tự nấu gồm có gà xào, súp lơ xanh, canh đỗ xanh, dưa muối...

Đầu tháng 5 cũng liên tiếp xảy ra một số vụ ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó có vụ hơn 500 người ở Đồng Nai bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì…

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin