Mạng xã hội và những áp lực vô hình đến tâm lý nữ giới
Tại sao nữ giới trải qua các triệu chứng đau tim khác với nam giới?
Nam giới và nữ giới nên có chế độ ăn sáng khác nhau
6 dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim ở nữ giới
Nữ giới “yêu” ít hơn 1 lần/tuần tăng nguy cơ tử vong sớm?
Mỗi ngày, chúng ta đều chứng kiến sự xuất hiện của những xu hướng mới, các video lan truyền và các bài đăng định nghĩa thế nào là “thời thượng”. Với phụ nữ trẻ, áp lực phải hòa nhập và theo kịp những trào lưu này có thể trở thành một gánh nặng vô hình. Dù ban đầu việc tham gia vào các xu hướng có thể mang lại sự phấn khích, nhưng nó lại chứa đựng cái giá đắt đối với sức khỏe tinh thần: nỗi sợ bị đánh giá, sự ám ảnh so sánh bản thân và cảm giác bản thân không bao giờ đủ tốt.
Khi xu hướng lại trở thành gánh nặng
“Xu hướng chính là sự chuyển động hoặc thay đổi của hành vi và suy nghĩ cộng đồng theo một hướng nhất định,” bà Sushmita Upadhaya , chuyên gia tâm lý học tại LISSUN (nền tảng hỗ trợ sức khỏe tâm lý tại Ấn Độ), chia sẻ. Trên mạng xã hội, những xu hướng này thường được lan tỏa thông qua hashtag, video ngắn, meme hoặc các bình luận bài viết. Nhưng việc cố gắng theo kịp những xu hướng để được công nhận đôi khi đẩy phụ nữ trẻ vào trạng thái căng thẳng kéo dài, khiến họ phải đánh đổi thời gian, tiền bạc và cả sự thoải mái của bản thân.
Theo bà Upadhaya, áp lực này lâu dần không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý, đặc biệt là ở giai đoạn tuổi dậy thì.
Dậy thì – giai đoạn quyết định hình thành bản sắc cá nhân
Theo lý thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erik Erikson, tuổi dậy thì là giai đoạn then chốt để hình thành bản sắc cá nhân. Trong giai đoạn này, sự chấp nhận từ xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tự trọng và giá trị bản thân. Các mối quan hệ tích cực giúp thanh thiếu niên phát triển một bản sắc mạnh mẽ và tự tin, trong khi sự từ chối hoặc chế nhạo dễ dẫn đến cảm giác lo lắng, mất phương hướng.
Với phụ nữ trẻ, áp lực hòa nhập và được chấp nhận càng trở nên mạnh mẽ hơn khi họ liên tục tiếp xúc với những chuẩn mực vẻ đẹp phi thực tế trên mạng xã hội. Những hình ảnh lý tưởng hóa, những "thân hình chuẩn mẫu" tràn ngập trên các nền tảng như Instagram và TikTok khiến họ không ngừng so sánh bản thân với người khác. Một nghiên cứu vào năm 2008 đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với những chuẩn mực ngoại hình "mảnh mai lý tưởng" có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề về ngoại hình, vóc dáng ở nữ giới.
Văn hóa “hoàn hảo” – khi vẻ đẹp trở thành áp lực
Ngày nay, mạng xã hội trở thành nơi ngự trị của văn hóa “hoàn hảo”. Khi ấy, những hình ảnh chỉnh sửa kỹ lưỡng, sử dụng bộ lọc một cách tinh vi đã bóp méo thực tế, khiến phụ nữ trẻ khó lòng chấp nhận ngoại hình thật của chính mình. Đồng thời, khiến phụ nữ trẻ nghĩ rằng những phiên bản hoàn mỹ nhất của bản thân mới được chấp nhận và tôn vinh.
“Nhiều cô gái cảm thấy áp lực phải thay đổi ngoại hình để phù hợp với những chuẩn mực được mạng xã hội ca ngợi,” bà Upadhaya nhận định. Kết quả là, họ đối diện với lo âu, trầm cảm và mặc cảm hình thể. Thậm chí, những lời chế nhạo về ngoại hình hoặc tính cách trực tuyến có thể biến thành những suy nghĩ tiêu cực nội tâm, khiến họ tự đánh giá thấp bản thân, tạo ra vòng xoáy cảm xúc tiêu cực.
Cạm bẫy vô hình từ so sánh xã hội
Ngoài văn hóa "hoàn hảo", mạng xã hội còn kích thích một hiện tượng phổ biến nhưng độc hại: so sánh xã hội. Các nền tảng như Instagram và TikTok khiến phụ nữ trẻ dễ dàng rơi vào bẫy so sánh bản thân với người khác về ngoại hình, thành tích hoặc lối sống. Điều này dẫn đến áp lực phải "theo kịp" để không cảm thấy thua kém.
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy sự không hài lòng về cơ thể có liên hệ mật thiết với việc dành quá nhiều thời gian để so sánh bản thân với những hình mẫu lý tưởng trên mạng. Đặc biệt, cảm giác tự ti gia tăng rõ rệt khi một cá nhân cảm thấy mình không bằng bạn bè thân thiết.
Khi một cô gái bị chế nhạo vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn này, cảm giác cô đơn và xấu hổ thường xuyên xuất hiện. "Nỗi sợ bị đánh giá và chế giễu có thể khiến các cô gái ngần ngại tham gia vào các hoạt động trực tuyến. Họ sợ bị từ chối, bị làm nhục trên mạng xã hội, điều này sẽ ngăn cản sự phát triển cá nhân và cơ hội kết nối với những người bạn cùng chí hướng," bà Upadhaya chia sẻ thêm.
Làm thế nào để thoát khỏi “vòng xoáy độc hại” trên?
Để giúp phụ nữ trẻ vượt qua áp lực từ mạng xã hội, việc xây dựng sự tự chấp nhận và lòng tự trọng là điều cốt yếu. Các gia đình, nhà trường và cộng đồng cần giáo dục về tác hại của văn hóa “hoàn hảo” và giá trị của sự khác biệt. Khuyến khích họ tập trung vào điểm mạnh và cá tính riêng của bản thân thay vì chạy theo những tiêu chuẩn phi thực tế.
Đồng thời, cần tạo ra không gian an toàn để thảo luận cởi mở về vấn đề hình ảnh cơ thể, áp lực xã hội và cách đối phó với những lời chế nhạo. Việc nâng cao nhận thức và giáo dục về tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý sẽ giúp họ tự tin hơn khi đối mặt với những áp lực từ mạng xã hội.
Bình luận của bạn