Những món ăn thường ngày như măng, sắn có thể gây ngộ độc do có chứa chất xyanua
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi thưởng thức sushi
Đề phòng nguy cơ say nắng và ngộ độc thực phẩm khi thời tiết nóng bức
Nguyên nhân liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm
Podcast: Ăn gì sau ngộ độc thực phẩm để nhanh hồi phục?
Xyanua nguy hiểm đến mức nào?
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đang điều tra vụ án giết người liên quan đến 5 người trong cùng một gia đình. Trước đó, từ tháng 10/2023 đến tháng 5/2024, liên tiếp có 5 người chết với các biểu hiện bị nôn ói, chóng mặt, nhức đầu. Đến tháng 6, có thêm một bệnh nhân (sinh năm 2006) được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) trong tình trạng hôn mê, mất tri giác đột ngột.
Qua điều tra ban đầu, các nạn nhân bị ngộ độc xyanua. Đây là chất kịch độc được hấp thu nhanh vào cơ thể, liều chỉ 50mg cũng có thể gây tử vong. Người tiếp xúc với xyanua tử vong nhanh chóng do suy hô hấp, co giật và ức chế hô hấp tế bào.
Để cứu sống, nạn nhân cần được xử trí kịp thời, tích cực, đặc biệt là hỗ trợ hô hấp và dùng thuốc giải độc. Tuy nhiên, nếu điều trị muộn, tình trạng thiếu oxy do độc tố có thể gây tổn thương não không thể hồi phục, hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề.
Trong trường hợp của bệnh nhân sinh năm 2006, sau nửa tháng điều trị, bệnh nhân đã tỉnh và đang dần ổn định. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng qua chẩn đoán hình ảnh ghi nhận tổn thương não, chưa thể tiên lượng được tình trạng. Trong sinh hoạt còn cần trợ giúp vì sức cơ còn yếu.
Biện pháp phòng ngừa ngộ độc xyanua trong đời sống
Xyanua hay cyanide tồn tại ở nhiều dạng như tinh thể muối, dạng lỏng hoặc dạng khí. Đây không chỉ là chất độc xuất hiện trong những vụ án mạng, đầu độc, tự tử mà còn đến từ những tai nạn trong ăn uống.
Theo BS. Nguyễn Phạm Cao Khoa - khoa Nội Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, xyanua có trong sắn (khoai mì), măng tươi, hạt của quả đào, mơ, mận, hạnh nhân đắng. Tất cả các bộ phận ăn được của cây sắn đều chứa glycoside cyanogenic. Bản thân chất này không độc, nhưng khi ăn vào sẽ bị enzyme ở ruột thủy phân thành acid cyanhydric (HCN) gây độc.
Tháng 6/2023, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một trường hợp ngộ độc xyanua do ăn măng ngâm tại nhà. Dù hiếm gặp, tình trạng này vẫn có thể xảy ra khi ăn quá nhiều măng hoặc dùng nước ngâm măng, đặc biệt là với măng tươi do lượng độc tố còn nhiều.
Ngoài ra, các hợp chất của cyanide còn được dùng trong sản xuất công nghiệp. Khói các vụ cháy cũng có thể chứa chất độc này, nếu hít phải cũng gây tử vong.
Để phòng tránh ngộ độc xyanua do ăn măng và sắn, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân cần chế biến măng và sắn kỹ trước khi ăn. Với măng nên luộc sôi kỹ và mở vung (nếu có thể thì sôi trong 1-2 tiếng). Măng tươi trước khi ngâm trong lọ thì thái thành các miếng nhỏ và mỏng sau đó ngâm trước trong nước trong 24 giờ để loại bớt độc tố. Lưu ý trong quá trình luộc hoặc ngâm măng ở ngoài thì cần thay nước mới nhiều lần để loại bỏ hiệu quả các độc tố (vì nước cũ đã có độc tố từ măng khuếch tán ra).
Với sắn, cần bóc sạch toàn bộ vỏ, sau đó rửa sạch nhựa và ngâm kỹ trong nhiều nước hoặc thay nước nhiều lần và cũng không nên ăn quá nhiều, nhất là khi đói. Không ăn nhân hạt của quả anh đào, mận, lê, mơ, táo.
Ngay sau khi tiếp xúc với xyanua, nạn nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng như lo lắng, kích động, mệt mỏi, khó thở, thở gấp, đau đầu, buồn nôn, tụt huyết áp, mất phản xạ... Nặng hơn có thể rối loạn ý thức, hôn mê, ngừng thở từ 30 phút đến 1-2 giờ sau ăn. Người phát hiện cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, thông báo thực phẩm hoặc hóa chất mà nạn nhân đã sử dụng để nhân viên y tế cấp cứu kịp thời.
Bình luận của bạn