Đề phòng nguy cơ say nắng và ngộ độc thực phẩm khi thời tiết nóng bức

Nhiệt độ cao có thể gây ra say nắng và ngộ độc thực phẩm

5 nguyên nhân thời tiết nắng nóng làm bạn mệt mỏi

Cách bảo vệ mắt trong mùa Hè nắng nóng

Nắng nóng bao trùm đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ

Đột quỵ do nắng nóng khác gì với đột quỵ thông thường?

Nhiệt độ tăng cao vào mùa Hè có thể khiến bạn dễ bị mất nước và mắc các bệnh liên quan đến nhiệt như kiệt sức vì nóng hoặc say nắng. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng, oi bức còn có thể gây tác động nhất định đến sức khỏe đường ruột và khả năng tiêu hóa của cơ thể. Do đó, say nắng và ngộ độc thực phẩm được cho là là hai tình trạng phổ biến thường gặp vào mùa Hè. 

Tuy nhiên, hai tình trạng này có nhiều biểu hiện tương đồng, như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn và đau quặn bụng... dẫn đến nhầm lẫn không phân biệt được rõ.

Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến dạ dày và gây ra một số vấn đề về tiêu hóa

Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến dạ dày và gây ra một số vấn đề về tiêu hóa

Hãy cùng tìm hiểu cách phân biệt say nắng và ngộ độc thực phẩm do nắng nóng.

Nhiệt độ cao dẫn đến ngộ độc thực phẩm như thế nào?

Một nghiên cứu cho thấy sóng nhiệt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn lên 34%. Ở nhiệt độ cao, đường ruột của con người cũng trở nên nhạy cảm hơn với các vi khuẩn như Salmonella, E.Coli và Listeria... Trong khi đó, ở nhiệt độ cao của mùa Hè, thực phẩm cũng dễ bị nhiễm vi sinh vật gây hại hơn nếu không được bảo quản đúng cách. Khi sử dụng những thực phẩm này, con người dễ bị ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, khi nhiệt độ tăng cao, tình trạng mất nước của cơ thể dễ xảy ra, làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng và giảm khả năng ngăn chặn ngộ độc thực phẩm.

Một nghiên cứu cho thấy các đợt nắng nóng cực độ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa lên 50%

Một nghiên cứu cho thấy các đợt nắng nóng cực độ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa lên 50%

Có nhiều triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhưng theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (US-CDC), một số triệu chứng ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất bao gồm:

- Buồn nôn, nôn mửa

- Tiêu chảy

- Dạ dày co thắt

- Sốt

- Đau đầu

- Cơ thể suy nhược đột ngột

Ngoài ra, trong trường hợp nghiêm trọng, các dấu hiệu còn có thể biểu hiện như:

- Đi ngoài ra máu

- Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày

- Sốt cao

- Nôn mửa thường xuyên

- Mất nước

Nhiệt độ cao dẫn đến say nắng như thế nào?

Tiếp xúc trong thời gian dài với nhiệt độ cao hoặc hoạt động thể chất quá mức khi trời nắng nóng có thể cản trở khả năng tự điều hòa của thân nhiệt. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên mức cao nguy hiểm (trên 40°C), cơ chế làm mát tự nhiên của cơ thể hoạt động kém hiệu quả và dễ dẫn đến tình trạng say nắng. Một số triệu chứng của say nắng cần chú ý là:

- Nhiệt độ cơ thể tăng cao

- Cảm thấy bối rối, nói ngọng

- Buồn nôn, nôn mửa

- Thở gấp

- Nhịp tim nhanh

- Đau đầu

- Chóng mặt hoặc cảm thấy choáng váng

Say nắng có thể xảy ra do mất nước, độ ẩm cao, gắng sức và chức năng làm mát của cơ thể không hoạt động hiệu quả

Say nắng có thể xảy ra do mất nước, độ ẩm cao, gắng sức và chức năng làm mát của cơ thể không hoạt động hiệu quả

Phân biệt ngộ độc thực phẩm và say nắng

Mặc dù có các triệu chứng tương đồng nhau nhưng ngộ độc thực phẩm và say nắng có thể phân biệt được.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm chủ yếu xảy ra ở đường tiêu hóa và thường xuất hiện sau khi ăn thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm độc. Chúng có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày, tùy thuộc vào mầm bệnh và loại vi khuẩn gây ra vấn đề và mức độ nghiêm trọng của nó.

Các triệu chứng say nắng liên quan đến gia tăng nhiệt độ cơ thể, tâm trạng thay đổi, ít đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh,... Những triệu chứng này thường xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc tham gia các hoạt động gắng sức dưới trời nóng.

Làm thế nào phòng tránh ngộ độc thực phẩm và say nắng trong mùa Hè

Với ngộ độc thực phẩm, đó là:

- Bảo quản thực phẩm và thức ăn thừa đúng cách. Trữ đông hoặc để ngăn mát tủ lạnh đối với thực phẩm, đồng thời cần phân chia khu vực lưu trữ thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách.

- Xử lý thực phẩm an toàn để tránh lây nhiễm chéo. Hãy rửa tay, dụng cụ và bề mặt dùng để sơ chế thực phẩm thật kỹ trước và sau khi chuẩn bị thức ăn.

- Chế biến thực phẩm đúng cách. Điều quan trọng là phải nấu thức ăn ở nhiệt độ phù hợp để tiêu diệt vi khuẩn có hại, đặc biệt là thịt, động vật có vỏ và trứng.

Với say nắng, cần lưu ý: Khi trời nắng nóng, nhiệt độ cùng độ ẩm tăng cao, cần:

- Luôn giữ cho cơ thể đủ nước.

- Hạn chế cà phê và rượu vì những đồ uống này có thể gây mất nước và dẫn đến say nắng.

- Mặc quần áo nhẹ, có màu sáng, rộng rãi và thoáng mát khi trời nóng.

- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều nhất có thể, nhất là trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

- Nếu ở ngoài trời, hãy đeo kính râm và bôi kem chống nắng để bảo vệ mắt và da khỏi tia cực tím (UV) có hại của mặt trời.

- Tránh gắng sức quá mức khi tập thể dục hay hoạt động thể chất khi nhiệt độ quá cao. Hãy nghỉ ngơi thường xuyên và thư giãn ở những nơi mát mẻ có trang bị điều hòa nhiệt độ hay quạt làm mát.

Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý rằng cả ngộ độc thực phẩm và say nắng đều có khả năng gây tử vong, do vậy hãy đến gặp bác sĩ để được phát hiện và điều trị kịp thời nếu cơ thể bạn biểu hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

 
Trang Hương (Theo Healthshots)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa