Nguyên nhân liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm phát biểu chủ trì Hội nghị - Ảnh: MOH.

Podcast: Ăn gì sau ngộ độc thực phẩm để nhanh hồi phục?

Hơn 350 người nghi ngộ độc thực phẩm ở Vĩnh Phúc, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Thiết bị nhỏ bằng bàn tay giúp phát hiện E.coli gây ngộ độc thực phẩm

5 nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm khi đi dã ngoại

Thông tin được Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm, ngày 21/5.

Nhiều vụ ngộ độc ghi nhận số mắc quy mô lớn

Báo cáo tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong.

Riêng 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023 (5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ ngộ độc), tuy nhiên số mắc lại tăng hơn 1.000 người. "Điều này cho thấy xu hướng gia tăng các vụ ngộ độc số mắc quy mô lớn, hàng trăm người mắc và nhập viện...", TS. Long cho biết, điển hình như các vụ xảy ra ở Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Khánh Hoà…

TS.Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: MOH

TS.Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: MOH

Trong số 36 vụ ngộ độc ghi nhận trong những tháng đầu năm 2024, có 3 vụ ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, làm 518 người mắc, tăng 457 trường hợp so với cùng kỳ 2023. Số vụ ngộ độc và số mắc trong trường học giảm so với cùng kỳ.

Về nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm, ông Hùng Long cho biết ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật khiến 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong; chiếm 30,6% tổng số vụ, nhưng chiếm đến 58% số mắc. 2 vụ ngộ độc xảy ra do nguyên nhân hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên; 17 vụ ngộ độc không xác định nguyên nhân.

Một số vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn thời gian gần đây, như tại Sóc Trăng, vụ ngộ độc xảy ra hồi tháng 1/2024 tại hộ kinh doanh bánh mì Thu Hà, làm 150 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt nguội.

Còn ở Khánh Hoà, hồi tháng 3 cũng xảy ra một vụ ngộ độc tại quán cơm gà Trâm Anh, làm 369 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong gà. Quán cơm này không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định, không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm…

Hồi cuối tháng 4, tại tỉnh Đồng Nai, vụ ngộ độc ở tiệm bánh mì Cô Băng cũng làm 547 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa. Tiệm bánh mì này cũng không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Giữa tháng 5/2024, xảy ra vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc), khiến 438 người mắc và đi viện. Nguyên nhân vụ ngộ độc hiện vẫn đang chờ kết quả điều tra…

Cần siết chặt quản lý

Tại Hội nghị, đại diện Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ những nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc tập thể gần đây là do việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên; do thời tiết nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột; do ảnh hưởng của thị trường, điều kiện kinh tế xã hội; do lợi nhuận; thậm chí một số doanh nghiệp định mức khẩu phần ăn cho người lao động ở mức thấp, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, còn do nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm phát biểu - Ảnh: MOH

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm phát biểu - Ảnh: MOH

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, trong một số vụ ngộ độc vừa rồi có quy định phải lưu mẫu và kiểm định nhưng cơ sở không thực hiện; cùng với đó, theo quy định phải có kiểm soát thực phẩm đầu vào nhưng vẫn còn tình trạng các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hoặc cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về kinh doanh các sản phẩm nông sản do ngành Nông nghiệp cấp nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát an toàn thực phẩm.

Hay các cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất gây ra ngộ độc thực phẩm.

Về công tác quản lý, các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đã cơ bản đầy đủ. Sự phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm giữa các Bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương đã rõ ràng. "Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nói.

Không đánh đổi sức khỏe lấy lợi ích kinh tế

 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm hết sức quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an sinh xã hội của một địa phương.

"Không đánh đổi sức khỏe lấy lợi ích kinh tế", ông Tuyên khẳng định.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu:

Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới....

Đồng thời, các địa phương cần tực hiện phân công trách nhiệm, chuẩn bị sẵn kế hoạch, phương án của Ban chỉ đạo về xử lý, điều tra, khắc phục ngộ độc thực phẩm. Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng.

"Không để xảy ra tình trạng cơ sở lợi dụng có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do ngành Nông nghiệp, Công thương cấp theo quy định, nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất", lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Riêng đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu cần chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn theo quy định cung cấp nguyên liệu, cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống.

 

Trước thực trạng số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, cơ sở thức ăn đường phố…

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn