Cẩn trọng khi dụng thuốc giảm đau, hạ sốt

Sau đó, bé nôn ra máu và phải đi cấp cứu ngay. Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm máu của con trai chị Kim (Gia Lâm, Hà Nội) cho thấy, nồng độ Acetaminophen (paracetamol) trong máu của bé rất cao, vượt ngưỡng cho phép. Bé được rửa dạ dày và sử dụng thuốc giải độc.

Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi năm Trung tâm chống độc tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol, trong đó có trường hợp do dùng thuốc quá liều, còn lại là bệnh nhân uống thuốc với mục đích tự tử.

Theo bác sĩ, paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường và phổ biến nhất hiện nay, được bán mà không cần sự kê đơn của bác sĩ. Người bệnh thường có tâm lý sử dụng ngay paracetamol khi có triệu chứng sốt và cảm cúm. Tuy nhiên, do không cẩn trọng và thiếu hiểu biết nên không ít ca bị ngộ độc do sử dụng quá liều.

"Đây là loại ngộ độc thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, khi việc quản lý thuốc còn lỏng lẻo và kiến thức của người dân về an toàn dùng thuốc còn thiếu", ông Duệ nói.


Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.Ảnh minh họa: MT.

Bác sĩ cho biết, một trong những lý do khiến tỷ lệ ngộ độc loại thuốc được coi là "lành" này cao là hiện nay, có quá nhiều biệt dược với tên gọi khác nhau, nhưng cùng hoạt chất paracetamol, mà người dùng không biết.

"Một phụ nữ bị cảm cúm, đau đầu, sáng, trưa mỗi lần uống 2 viên Eferalgan 500 mg, chiều thấy chưa đỡ ra hiệu thuốc hỏi thuốc khác, người bán đưa cho một vỉ paradon (cũng chứa paracetamol) dặn uống từ giờ tới tối 2 lần. Ngày mai chưa đỡ, lại đi truyền thuốc, trong đó cũng chứa hoạt chất giảm đau trên. Ngộ độc là đương nhiên", bác sĩ dẫn một trường hợp điển hình từng điều trị tại trung tâm chống độc.

Ông Duệ cho biết, hiện có hàng trăm biệt dược, có loại chỉ chứa paracetamol nhưng cũng có loại phối hợp với một hoặc vài dược chất khác. Trong đó,biệt dược có thêm thành phần phenobarbital sẽ làm tăng độc tính của paracetamol với gan; những chế phẩm có thêm thành phần phenylpropanolamin, phenylephrin thì không nên dùng cho người có bệnh cường giáp, huyết áp cao, đau thắt ngực, huyết khối, mạch vành, đái tháo đường, tiền sử tai biến mạch máu não.

Bên cạnh đó, loại thuốc này còn có nhiều dạng bào chế, thuốc viên thì có nén thường, nén bao phim, nén nhai, rồi viên sủi, thuốc bột, thuốc cốm, thuốc đạn, dạng siro... với hàm lượng khác nhau, từ 80 mg, 150 mg, 250 mg... đến 500 mg.

Hiện phần lớn người dân có thói quen tự dùng thuốc. Hễ cảm cúm, đau đầu, cúm, hắt hơi, sổ mũi... là ra ngay hiệu thuốc mua và thường được cho thuốc chứa paracetamol. Một số người đi viện thì nhân viên y tếkhông hướng dẫn đầy đủ, quên kiểm tra trước đó bệnh nhân đã dùng thuốc có chứa paracetamol hoặc các loại thuốc có tương tác bất lợi với paracetamol chưa.

Bác sĩ cho biết, với trẻ em dưới 12 tuổi, liều paracetamol được khuyến cáo là 10-15 mg/kg uống hoặc đặt hậu môn mỗi 4-6 giờ, tối đa không vượt quá 5 lần dùng mỗi ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi hoặc cân nặng nhỏ hơn 11 kg nên dùng paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc. Với người lớn, liều khuyến cáo là 60-80 mg/kg/ngày và không được quá 4 gam một ngày. Tuyệt đối không nên uống rượu khi dùng thuốc và uống nhiều loại thuốc cảm cúm cùng một lúc.Khi dùng với liều cao hơn kéo dài có thể gây ngộ độc. Những người bị sốt do virus, sốt do nhiễm trùng, có men gan tăng... khi sử dụng thuốc quá liều càng dễ nhiễm độc gan.

Người dùng thuốc sau vài giờ có cảm giác buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi. Trong vòng 18-72 giờ có thể đau bụng kèm theo gan sưng to, sờ thấy gan đau. Nếu không cấp cứu kịp thời thì sẽ dẫn đến suy gan. Người bị suy gan sẽ vàng da, hôn mê, đông máu nội mạch rải rác, chảy máu, hạ đường huyết, dẫn tới tử vong.

Tiến sĩ Phạm Duệ cho biết, ngay khi biết uống quá liều paracetamol cần tìm cách xử lý, có thể là gây nôn. Ngoài ra, có thể dùng than hoạt hoặc thuốc tẩy muối hay nước chè đặc để làm giảm hấp thu lượng độc cho gan. Với các trường hợp có triệu chứng rõ ràng của nhiễm độc, cần được đưa đến cơ sở y tế. Tại đây, bệnh nhân có thể được xét nghiệm độc chất trong máu, sử dụng thuốc giải độc, kết hợp biện pháp điều trị toàn thân. Với trường hợp nhiễm độc gan, đã bị vàng da, vàng mắt, cần phải lọc máu, thay huyết tương, khả năng cứu chữa khó khăn hơn và tỷ lệ tử vong lên tới 50%.

Bác sĩ Duệ cho rằng, paracetamol là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt tạm thời, chỉ chữa được triệu chứng, không phải thuốc chữa bệnh. Vì vậy người dân không nên lạm dụng.Khi bị cảm cúm, đặc biệt là trẻ em không nên dùng paracetamol để tự điều trị quá 5 ngày, đối với người lớn không quá 10 ngày. Những người bị bệnh gan, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, những người đang bị mất nước (do sốt cao kéo dài), người đang dùng các thuốc chống co giật (điều trị động kinh) phải thận trọng và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ, trong trường hợp bị sốt, cảm, nên sử dụng các biện pháp vật lý trước khi dùng thuốc. Những người cảm cúm, sốt cao có thể hạ nhiệt bằng cách uống nhiều nước, dùng khăn ướt lau, tắm nhanh nước ấm 38 độ C. Nếu phải sử dụng đến paracetamol, nên dùng viên nén bình thường, không nên dùng viên sủi vì viên sủi có thể giúp hạ nhiệt nhanh nhưng tác dụng ngắn, khiến phản ứng cơ thể kích lên nhiệt độ cao hơn. Ngoài ra, có thể uống oserol pha đúng tiêu chuẩn để bù nước và các chất điện giải mất đi khi sốt cao kéo dài.

"Thực tế, thuốc cảm cúm uống vào gây giãn mạch, mồ hôi túa ra, làm hạ nhiệt. Nếu uống thuốc nhưng không uống đủ nước, không có mồ hôi ra, thì cũng không thể hạ nhiệt. Vã mồ hôi là cách làm bay hơi nước, thải nhiệt. Nếu sốt 38 độ C, uống 1 lít dịch oserol, 39 độ C uống 2 lít, 40 độ C dùng 3 lít", bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ