Bệnh Whitmore có nguy cơ cao ở những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường bùn, đất, nước
Podcast: Phòng ngừa bệnh tả sau mưa lũ
Cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát sau mưa lũ
Chủ động phòng, chống các dịch bệnh sau mưa lũ
Podcast: Cảnh giác với các bệnh da liễu thường gặp mùa mưa lũ
Ngày 26/9, Sở Y tế Lào Cai thông tin ghi nhận 01 trường hợp người dân ở xã Cam Cọn, Bảo Yên mắc bệnh Whitmore. Trước đó bệnh nhân dọn bùn đất sau lũ, không sử dụng đồ bảo hộ, có tổn thương xây xát ngoài da. Sau 1 ngày bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, ho ít, sau đó sốt, ho tăng dần, đau đầu, đau nhức cơ khớp toàn thân, mụn mủ rải rác 2 chân, lưng.
Được biết, người bệnh có tiền sử hen phế quản, gia đình và hàng xóm xung quanh không ai mắc bệnh như bệnh nhân. Bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW để điều trị.
Bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn.
Sở Y tế Lào Cai nhận định, đầu tháng 9, địa phương bị ngập lụt nặng nề sau bão số 3, nguy cơ người dân mắc bệnh Whitmore có thể gia tăng nếu không có các biện pháp bảo vệ cá nhân phù hợp.
Không chỉ ở Lào Cai, từ tháng 8 đến nay, nước ta cũng ghi nhận một số ca mắc Whitmore. Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị cho một số bệnh nhân có biểu hiện sốt, sụt cân, sưng và áp-xe một số vị trí. Nhiều trường hợp có bệnh nền đái tháo đường.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh Whitmore thường diễn biến cấp tính với các biểu hiện: Viêm phổi, nhiễm trùng xương khớp, hệ thần kinh, gan, lách, tuyến tiền liệt, nhiễm trùng huyết, hoặc sốc nhiễm khuẩn.
Những người có một hoặc nhiều bệnh nền như đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh phổi, thận, gan mạn tính, trong đó đặc biệt là bệnh đái tháo đường nguy cơ nhiễm bệnh cao, dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Việt Nam là vùng dịch tễ lưu hành Whitmore, đặc biệt thường xảy ra ở người sống chung, tiếp xúc với đất hoặc nước bẩn lâu ngày. Do đó, để phòng bệnh Whitmore sau mùa mưa lũ cũng như trong lao động, người dân cần thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, mang dụng cụ bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn.
Người bệnh bị sốt, có các ổ viêm, áp-xe nhiều nơi cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc Whitmore, đặc biệt người có bệnh nền đái tháo đường. Nếu không điều trị sớm, tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore lên tới 40%.
Bình luận của bạn