Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận các sinh phẩm bạch hầu do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ viện trợ - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+.
Dòng chảy Sức khỏe+: Bộ Y tế lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống bệnh bạch hầu
Mách bạn cách phòng ngừa bạch hầu trước khi dịch bùng phát
Nhận biết sớm bệnh bạch hầu với những dấu hiệu này
Việt Nam chủ động phối hợp WHO và CDC Hoa Kỳ ứng phó với chủng Omiron
Chiều 22/11, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Bộ Y tế đã tiếp nhận các sinh phẩm bạch hầu do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ viện trợ.
Tại buổi lễ, GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch. Bệnh lưu hành trên toàn cầu, thường xuất hiện tản phát hoặc gây ra các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi do không được tiêm vaccine đầy đủ. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bằng vaccine.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2021, bệnh bạch hầu vẫn ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở một số nước thuộc khu vực Châu Phi, Đông Địa Trung Hải như Ethiopia, Ấn Độ, Yemen, Indonesia, Parkistan…
Tại Việt Nam, số ca bệnh bạch hầu đã giảm nhiều kể từ khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng. Đến năm 2020, số ca bệnh tăng trở lại với 226 trường hợp, chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị. Những năm gần đây, cả nước chỉ có 6 ca bệnh vào năm 2021 và 2 ca bệnh vào năm 2022.
Theo GS Lân, đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy mức độ hiệu quả của việc tiêm chủng vaccine phòng ngừa bệnh bạch hầu. Tỷ lệ tiêm đủ 4 liều vaccine có thành phần bạch hầu cho trẻ dưới 2 tuổi trong 5 năm trở lại đây đạt 80-90% trên toàn quốc.
Ông Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ, để hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhanh chóng với công tác điều tra và tăng cường giám sát bệnh bạch hầu, CDC Hoa Kỳ đã đóng góp các vật tư xét nghiệm quan trọng thông qua Nguồn sinh phẩm quốc tế (IRR). Các vật tư này có thể sử dụng để thực hiện xét nghiệm real-time PCR lên đến 1.250 mẫu.
Theo ông Eric Dziuban, CDC Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và NIHE để tăng cường các chương trình y tế công cộng tại Việt Nam nhằm nhanh chóng và phát hiện đáp ứng với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và bùng phát dịch bệnh. CDC Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Y tế và NIHE để hỗ trợ tiếp nhận vật tư sinh phẩm xét nghiệm thông qua Nguồn IRR của CDC không chỉ đối với bệnh bạch hầu mà còn cho các tác nhân gây bệnh khác.
Xác định chẩn đoán phòng thí nghiệm là ưu tiên hàng đầu trong việc phân tích chính xác và kịp thời tác nhân gây bệnh, trước đó, vào ngày 22/9, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã gửi thư đề nghị CDC Hoa Kỳ hỗ trợ sinh phẩm để thực hiện xét nghiệm phát hiện gene độc tố của vi khuẩn bạch hầu bằng kỹ thuật real-time PCR.
Theo Viện trưởng NIHE, hiện các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh đều có năng lực trong việc xét nghiệm chẩn đoán bạch hầu, việc sinh phẩm sẵn có tại Viện sẽ có thể chuyển và hỗ trợ các tỉnh khi có ca bệnh để các tỉnh có thể kịp thời chẩn đoán và khoanh vùng ổ dịch tại địa phương.
Để ứng phó với sự xuất hiện của các ca bệnh bạch hầu, Bộ Y tế đã triển khai một loạt các hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương:
- Điều tra ca bệnh, rà soát, lập danh sách, theo dõi sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân; lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi mắc, tiếp xúc gần với ca bệnh;
- Giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc tại cộng đồng, cơ sở y tế và trường học trên địa bàn;
- Quản lý, cách ly tại nhà và điều trị kháng sinh dự phòng cho những người tiếp xúc gần, các đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch;
- Xử lý môi trường ổ dịch tại khu vực theo quy định;
- Tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Bình luận của bạn