Bộ Y tế: 40% số ca mắc tay chân miệng do chủng EV71

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương thăm các bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: BVCC.

Bệnh tay chân miệng do chủng virus EV71 tiếp tục diễn biến phức tạp

Ca tay chân miệng nặng tăng, Bộ Y tế họp khẩn các tỉnh phía Nam

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng

4 trẻ tử vong và hơn 9.000 ca mắc bệnh tay chân miệng ở phía Nam

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể làm người bệnh tử vong.

Lý giải vì sao từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71, Giáo sư Lân cho biết, nếu trong tháng 4, số ca mắc chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm thì đến đầu tháng 6, tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40%.

"Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây", Giáo sư Lân cho hay.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Việt Nam đã chủ động triển khai kết hợp nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Việt Nam đã có kinh nghiệm cả trong dự phòng và điều trị bệnh tay chân miệng để xử lý; cùng đó là sự vào cuộc sớm của ngành y tế trong chủ động xây dựng, tham mưu ban hành kế hoạch phòng chống dịch; chỉ đạo kiểm tra, giám sát.

Mới đây, Bộ Y tế đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Để tăng cường công tác điều trị, bảo đảm chuyển viện an toàn, tại khu vực phía Nam, 4 bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM đã chỉ đạo 31 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và phía Nam họp trực tuyến hàng tuần để hướng dẫn, trao đổi chuyên môn.

Ông Lân cũng cho hay, hiện nay các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng thông thường cơ bản đáp ứng đủ công tác điều trị.

Đối với thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch, theo thông tin của Cục Quản lý Dược, ngày 23/06/2023 đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện.

Ước tính hiện mỗi tuần chúng ta ghi nhận khoảng 350 trường hợp mắc tay chân miệng phải nhập viện, trong đó có khoảng 10% số ca bệnh cần điều trị bằng thuốc Immunoglobulin- tương đương với 35 ca cần điều trị/ tuần.

Ngoài tay chân miệng, GS Lân cho biết, hiện các bệnh truyền nhiễm tiếp tục gia tăng. Điển hình, sốt xuất huyết cứ 10 năm lại tăng gấp đôi và vẫn tiếp tục gia tăng, trở thành một trong những vấn đề y tế công cộng trên toàn thế giới. 

Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành tại Việt Nam, nước ta còn có các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguy cơ xâm nhập trên thế giới vào Việt Nam. 

Đối với bệnh truyền nhiễm, công tác phòng dịch rất quan trọng. Theo GS Lân, sốt xuất huyết hay tay chân miệng do chưa có vaccine phòng bệnh nên người dân nên chủ động phòng bệnh từ chính mỗi gia đình, cá nhân.

Với sốt xuất huyết, mỗi tuần mỗi gia đình dành ra 10 phút để kiểm tra, phát hiện và loại trừ các ổ loăng quăng, bọ gậy… để bệnh sốt huyết không có cơ hội bùng phát.

Đối với bệnh tay chân miệng, cần quản lý chặt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn, cùng đó luôn giữ tay sạch cho trẻ; đối với người trông trẻ cũng cần giữ bàn tay sạch.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin