Empty
Empty

Một ông bạn vong niên của tôi, vốn là điêu khắc gia nổi tiếng (ông không cho nêu tên) đã bước qua tuổi 80 mà vẫn còn khỏe mạnh, chu du khắp nơi. Hôm nay mới gặp ông ở Sài Gòn, sáng mai đã nghe tin ông ở Đà Nẵng, rồi ngày kia đã ở Đà Lạt. Ông di chuyển, khi thì máy bay, xe hơi, xe gắn máy (hai phương tiện sau ông tự lái). Tôi cho rằng, bí quyết, nếu có, của ông là chữa lành, không phải chữa trị. Chữa trị có nghĩa là nặng, là cấp cứu. Thuốc dành cho bệnh già như huyết áp, đái tháo đường, tuyến tiền liệt, khớp, thậm chí thực phẩm chức năng dỗ giấc ngủ, v.v… thuộc loại “chữa lành”, không phải chữa trị.

Tôi thật sự rất ngưỡng mộ ông, lấy ông làm “gương” mỗi lần rơi xuống trạng thái mệt mỏi vì sợ… già. Ở tuổi “cứ già hoài”, tôi cảm thấy được chữa lành khi nhìn tấm gương yêu đời, trẻ trung của những cụ già khác. Như sáng nay (15/10/2024) tôi xem cuộc phỏng vấn với đài BBC (Anh) của nam diễn viên đóng vai “Bố Già” tập II mà tôi yêu thích khi còn nhỏ: Al Pacino. Trong cuộc phỏng vấn, nam diễn viên bước qua tuổi 84, cho biết đã dành nhiều thời gian gần đây để nhìn lại cuộc đời mình, để viết cuốn hồi ký, có tựa đề Sonny Boy, theo tên mẹ ông gọi ông. Ông giải thích rằng "một phần lý do" khiến ông muốn viết ra cuộc đời mình là vì cậu con trai thứ tư mới sinh vào năm ngoái, ở tuổi 83. Cậu bé, hiện đã 16 tháng tuổi, tên là Roman. "Tôi hy vọng mình luôn khỏe mạnh, và tất nhiên là để thằng bé biết cha mình là ai. Nó đã giúp chữa lành tất cả cho tôi", Al Pacino nói.

Empty

Chữa lành, một khái niệm thường được sử dụng, mô tả một quá trình khôi phục sự hài hòa và cân bằng giữa tâm trí và cơ thể. Đặc biệt ở người cao tuổi. Trong trường hợp của tài tử Al Pacino, ông đã lấy lại sự cân bằng giữa tuổi già và sự hưng phấn của thời trẻ. Tuy vậy, trên thực tế, vẫn có nhiều nghịch lý xảy ra.

Báo Guardian (Anh) ngày 21/12/2022 có đăng môt bài báo tựa “Tôi không ngã, tôi (chỉ) trượt thôi!”: Người lớn tuổi “nổi loạn” để giữ cảm giác kiểm soát được sức khỏe của mình. Bài báo này trích kết luận của một nghiên cứu về những người sinh từ năm 1921 - tức 103 tuổi - cho thấy hạnh phúc của họ gắn liền với sự độc lập, trong đó nhiều người sử dụng “chiến thuật lật đổ” để duy trì cảm giác “chữa lành” đó.

Từ việc từ chối đeo nút gọi khẩn cấp đến không dùng gậy đi bộ, nhiều thành viên trong nhóm sinh từ năm 1921 được các nhà khoa học y tế tại Đại học York và Newcastle nghiên cứu, đã sử dụng “chiến thuật lật đổ để duy trì mức độ độc lập”, thường mang tính hài hước và bí mật nhằm vào con cháu của họ.

Nhóm 23 người 95 tuổi sống ở Newcastle trên sông Tyne phần lớn đều vui vẻ và yếu tố quan trọng nhất để duy trì thái độ tích cực với cuộc sống là cảm giác độc lập, đôi khi đạt được bằng cách từ chối dùng thuốc giảm đau, phủ nhận việc “có cảm giác khó chịu”. Có lúc bị ngã, nhưng chỉ thừa nhận bị “trượt chân” thôi.Giáo sư Joy Adamson, thuộc Khoa học Y tế của Đại học York, cho biết: “Tính độc lập mạnh mẽ được coi là một cách giải thích niềm đam mê tiếp tục cuộc sống của người cao tuổi và được so sánh với cảm giác về phẩm giá và tuổi trẻ”.

Empty

Đó là “thời đại nổi loạn” của người cao tuổi. Xin bạn đừng hiểu lầm chữ “nổi loạn” ở đây. Đây hoàn toàn chỉ là nói “không” với sự lão hóa, chứ không phải là một khái niệm triết lý siêu hình của nhà văn người Pháp, Albert Camus – người đoạt giải Nobel năm 1951, khi viết tác phẩm gây bão thời kỳ đó, L’homme revolte - Con người nổi loạn.

Một nghiên cứu xã hội học đã xác nhận rằng dù yếu đuối, những người trên 70 tuổi vẫn tham gia vào các chiến dịch “phản kháng và lật đổ” quy mô nhỏ, để nuôi dưỡng cảm giác rằng mình vẫn kiểm soát cuộc sống của mình. Những người lớn tuổi, bằng cách “nổi loạn” đó, đã tự chữa lành cho mình. Nếu bạn nghe tin một ông già 90 tuổi mới cưới vợ ở Ấn Độ, hay một cụ bà 80 biểu diễn nhảy dù lượn ở Anh, thì bạn hãy tin rằng họ đang muốn “lật đổ” cái tuổi già yếu đuối của chính mình. Henrik Jeppesen, giáo sư trường kinh doanh Copenhagen, một ông bạn người Đan Mạch, là Chủ tịch sáng lập Công ty Thiết kế Attention, vừa khoe với tôi: Mẹ ông, 91 tuổi vẫn lái xe hàng ngày. Ông cấm cản thế nào bà cũng không chịu nghe. Nhưng bà lại không giỏi xài mạng, nên thỉnh thoảng vẫn chạy lạc đường. Trong khi đó, mẹ vợ ông, 93 tuổi, lại không biết lái xe, mà rất giỏi công nghệ. Ngày nào bà cũng lên mạng và đặt đủ thứ hàng hóa, rồi chơi game, chat với bạn bè… Nhờ vậy hai cụ vẫn “vui sống mỗi ngày”, tự chữa lành các bệnh già, nhất là bệnh hay quên.

Tôi đoán đó chính là cảm giác của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, khi ông vẫn không chịu rút lui khỏi cuộc tranh cử năm 2024, dù ông “ngày càng trượt ngã nhiều hơn”, nói năng lẫn lộn nhiều hơn. Ông chính là một trong những ông già thuộc “thế hệ nổi loạn” này. Cho đến ngày 20/7/2024 ông mới tuyên bố rút khỏi cuộc đua, và đề cử Phó Tổng thống Kamala Harris thay thế ông để tranh cử với ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Một ông bạn khác của tôi ở tuổi 77, thời thanh niên là một chàng trai năng động, ưa mạo hiểm, nhưng nay đã thành một cụ già râu tóc bạc phơ. Ông sống cùng vợ và con cháu tại Houston, Hoa Kỳ, nhưng dường như năm nào (trong vòng 20 năm nay) cũng về Việt Nam. Mỗi lần gặp thấy yếu hơn chút, trên người thì “đeo” thêm một hay vài thiết bị báo nguy. Vợ ông nói: “Anh ấy bây giờ là “yếu nhân” thật sự!” (không phải là VIP, mà yếu theo nghĩa đen là “người yếu”). Tuy vậy, nhờ tính khôi hài này, mà ông cảm thấy vui vẻ, được chữa lành nhiều hơn, mỗi khi về Việt Nam thăm bạn bè, làng xóm cũ. Ông nói với tôi: “Tôi bị buộc phải đeo máy báo động nhịp tim. Khuya, máy reo vẫn reo, tôi ngủ vẫn ngủ, chỉ có bà xã tôi phải thức dậy thôi. Sau đó thì không ai buộc tôi phải đeo máy cả.”

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc phụ thuộc vào người khác đôi khi bị coi là bực bội, và người cao tuổi đã thực hiện các bước để "lấy lại một số yếu tố kiểm soát và thực hiện “sự phản kháng". Ví dụ, một ông bạn già của tôi ở Sydney, Australia, đã yêu cầu bảo hiểm không giao thuốc đến nhà với lý do: “Tôi không biết sẽ ra đi lúc nào”.

Đúng vậy, trong trường hợp của tôi, tôi cũng không muốn yếu đuối trước con cháu. Nhưng vợ tôi, cũng vừa bước qua tuổi cổ lai hy, lại thích “nhõng nhẽo” hơn. Nếu bạn hỏi về sức khỏe của bà ấy, bà sẽ nói ngay: “Ôi không bệnh gì mà tôi không có”. Khi còn trẻ, bà vốn là người mạnh mẽ. Sự trái ngược tâm lý khiến bà được chữa lành hơn chăng?

“Tôi thức dậy và tự dọn giường, mặc quần áo,” thói quen mà tôi được rèn thời ở TNXP. Vì vậy tôi vẫn có được sự độc lập của mình. Ai đó đã nói “Điều đó là tốt, bởi vì cùng với sự độc lập là phẩm giá”.

Empty

Báo Guardian mà tôi trích dẫn trên đây, đã viết: “Đây là một phát hiện quan trọng vì nó khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về cách nhìn nhận của những người lớn tuổi trong xã hội về sự an toàn và rủi ro của chính bản thân họ”. Những điều này có thể mâu thuẫn với những người cung cấp dịch vụ chăm sóc không chính thức hoặc chính thức. Mặc dù các thiết bị như chuông khẩn cấp có những lợi ích riêng, nhưng câu hỏi đặt ra là: Người lớn tuổi phải trả giá thế nào khi lo lắng và khó chịu về việc mất quyền tự chủ?

“Tôi từng là thành viên lớn tuổi nhất của Câu lạc bộ tennis Đầm Sen, quận 11, TP.HCM. Buồn cười là ở đó có nhiều ông già còn rất sân si, hiếu thắng. Không sao, họ rất dễ thương. Nhưng có một cậu, có lẽ dưới 50 - một giám đốc doanh nghiệp nhỏ - rất ngạo mạn. Điều đó khiến cậu ta nổi giận thật sự mỗi khi đánh thua tôi - một tay vợt U70. Cậu ấy mất tự chủ, và điều đó khiến cậu ấy trở nên già… thật sự.

“Tại giải tennis lão tướng thường niên của Hội Nhà báo TPHCM, tôi cũng giành được giải đồng, giải bạc và giải vàng (đứng chung với một bạn trẻ). Rất thường xuyên, tôi được tặng hoa ở đó… Đó thực sự là một cuộc sống tuyệt vời. Tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời nhưng tôi đã làm việc chăm chỉ, chơi hết mình… Tôi bận rộn nhưng điều đó không gây hại gì cho tôi cả”. Đó là cách chữa lành tốt cho tôi. Tất nhiên, còn có nhiều cách chữa lành khác.

Empty

Như thi ca chẳng hạn. Nữ thi sĩ Hàn Quốc Han Kang vừa được trao giải Nobel văn chương 2024 nhờ những đóng góp to lớn vào cuộc chữa lành vĩ đại của thế giới bất an và dễ vỡ của chúng ta trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21? Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã chúc mừng nhà thơ Han: "Bà đã biến những vết thương đau đớn trong lịch sử hiện đại của chúng ta thành nền văn học vĩ đại.” Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel, cho biết "Nhà thơ Han Kang có nhận thức độc đáo về mối liên hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa người sống và người chết, và theo phong cách thơ ca… đương đại.”

Ví dụ bài thơ “Mark Rothko và tôi - Cái chết vào tháng Hai” mà tôi phỏng dịch vài câu tiêu biểu theo bản tiếng Anh của Brother Anthony sau đây:

Empty

Tôi nhớ có lần tôi bị mất ngủ dài ngày, cố bác sĩ Trương Thìn, khi ấy là Giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc TP.HCM, hỏi tôi: Ông có tài vặt gì, làm thơ, viết văn, hay vẽ? Tất nhiên là làm thơ, và bác sĩ đã cho tôi một phòng riêng, ở đó mỗi ngày tôi làm một bài thơ, và bất ngờ, sau một tuần, giấc ngủ tự nhiên “trở lại thăm tôi” lúc nào không hay! Nếu không làm thơ nổi, thì thỉnh thoảng tôi ngồi lại dịch thơ (từ các phiên bản tiếng Anh).

Nghe nhạc chữa lành thì phổ biến rồi. Nhưng làm thơ, đọc thơ, nghe thơ… chữa lành thì không phải ai cũng đồng ý. Tuy vậy, trên thực tế, thơ hay cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy “gắn kết “hơn với chính mình và dễ thân thiện với người khác chung quanh, bất kể người khác ấy đang ở tuổi nào.

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã tìm thấy bằng chứng cho thấy việc tự sáng tác thơ hoặc đọc thơ có thể có tác dụng trị liệu cho cả bệnh nhân đang phải đối mặt với bệnh tật và nghịch cảnh cũng như người chăm sóc họ. Từ ngữ thơ thường dễ ghi nhớ hơn từ ngữ phi thơ ca và nó có thể giúp cải thiện trí nhớ của một người và giúp họ dễ tiếp thu hơn khi ghi nhớ các thông tin khác! Nhiều người trong chúng ta thỉnh thoảng cảm thấy tức giận, thất vọng, buồn bã hoặc sợ hãi. Tuy nhiên, vì những cảm xúc này không dễ chịu nên chúng ta thường giữ chúng trong lòng. Viết và đọc thơ giúp chúng ta giải tỏa những cảm xúc này và cũng hiểu rõ hơn về chúng. Mỗi lần tôi nhớ mẹ, tôi thường lẩm nhẩm: “Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời/Lúc người còn sống tôi lên mười/Mỗi lần nắng mới reo ngoài ngõ/Áo đỏ người đưa trước giậu phơi” (Trích thơ Lưu Trọng Lư). Đọc xong, nỗi nhớ thương mẹ của tôi vơi bớt nhiều, cảm giác được chữa lành ngay.

Empty

Không đơn giản chút nào khi hầu hết các Tổng thống Hoa Kỳ, trong mọi nỗ lực kết nối lại với “bên thắng cuộc”, bao giờ cũng trích dẫn Kiều. Từ Bill Clinton (2000) cho đến Barrack Obama (2017) và Joe Biden (2015)… Thơ ngắn gọn, có vần điệu về hình thức, nhưng gần như có thể “nói lên tất cả”, như một nhà bình luận Hoa Kỳ ở Đại học Berkeley từng viết: “Poems say it all”. Nói về hy vọng mối quan hệ đang sáng lên giữa hai nước cựu thù, còn gì hay hơn: “Trời còn có để hôm nay/Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” (Joe Biden lẩy Kiều khi tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc năm 2015). Tôi đã cố bình tâm để khỏi rơi vào trạng thái quá hào hứng (mà thiếu công bằng) khi cho rằng thơ có thể giúp chữa lành, không chỉ vết thương cá nhân, mà cả vết thương xã hội và cuối cùng phải nói: “Ôi thơ sao có thể nói nhiều đến thế, chỉ trong vài từ, đã như một liều thuốc chữa lành cơn trầm cảm kéo dài của lịch sử.”

Empty

Cách chúng ta nói về sức khỏe tinh thần đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Cho dù bạn ghi nhận đại dịch COVID-19, các nhân vật của công chúng (bao gồm cả những người nổi tiếng và vận động viên) đã lên tiếng về trải nghiệm của họ hay bối cảnh thẳng thắn của mạng xã hội, thì thực tế là nhận thức đã được nâng cao hơn nhiều so với một thập kỷ trước. Do đó, thanh niên có nhiều khả năng tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hơn bao giờ hết. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) cho thấy 37% thế hệ Z và 35% thế hệ Millennials đã được điều trị hoặc trị liệu từ chuyên gia sức khỏe tâm thần so với 26% thế hệ X'ers, 22% thế hệ Baby Boomers. Ngạc nhiên là, người già (trên 60 tuổi) gần như không quan tâm đến vấn đề chữa lành tâm lý, chỉ là 0% trong thống kê này.

Trong nhiều trường hợp, lão hóa thực sự có thể mang lại những điều tuyệt vời cho sức khỏe tinh thần của bạn - xét cho cùng, tuổi tác thường đi kèm với sự khôn ngoan. Tiến sĩ Chan cho biết: “Quá trình lão hóa thường mang lại khả năng phục hồi và kỹ năng đối phó cao hơn, góp phần mang lại kết quả sức khỏe tinh thần tốt hơn”. Không cần lấy ví dụ đâu xa, bà xã tôi bước vào tuổi U80, mặc dù bệnh lão nào cũng có (chỉ trừ tim mạch), bà luôn giữ tinh thần không bị căng thẳng. Ít nhất bà có tới 5 nhóm bạn để cùng đi chơi, cà phê, hay làm từ thiện. Đau thì bà dùng thuốc do bác sĩ khám và kê đơn, không sợ uống thuốc (như tôi).

Nhưng điều đó không có nghĩa là người lớn tuổi không cần chăm sóc sức khỏe tinh thần. Do mặc định rằng tuổi già “không còn gì để mất” và do những bệnh lão hóa khác, mà người ta ít chú ý hay bỏ mặc về tình trạng sức khỏe tinh thần của người lớn tuổi.

“Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất về sức khỏe tinh thần đối với người già là ý tưởng cho rằng “tất cả đã quá muộn” để học những thói quen mới,” Neha Chaudhary, bác sĩ tâm lý tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và giám đốc y tế về Sức khỏe hiện đại, nói với tạp chí y khoa SELF. Ông cho rằng, một số người học những kỹ năng họ cần ngay từ khi còn nhỏ, nhưng đối với nhiều người, phải mất hàng chục năm tự suy nghĩ, cân nhắc và học lại khi đã về chiều.

Trong trường hợp của tôi, tôi cảm thấy hình như mình thuộc cả hai nhóm: một số kỹ năng học từ nhỏ và thời trẻ, nhưng về già tôi vẫn thích học. Lão Hạc - trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, vẫn đến nhà thầy giáo xin học chữ khi sắp chết… Lão không mong gì hơn là được chữa lành, có chữ để tự tay viết thư cho con trai biệt xứ, trươc khi chết.

Trong thời gian viết bài này, tôi đã dành thời gian gặp bạn bè nhiều hơn. Mới đây (9/10/2024), tôi đã gặp lại một bạn cũ mà tôi đã coi như một người bạn tâm giao, từ hơn 5 năm trước. Ông là Henrick, chủ tịch công ty thiết kế Attention có trụ sở chính tại Copenhagen, Đan Mạch. Sau buổi trưa, đối tác người Việt của ông đã gửi hình và kèm tin nhắn: “Ông Henrick muốn não của thầy. Còn thầy lại muốn hình thể của ông”. Vì khi tiễn tôi ra xe, tôi đùa với ông: “Tôi muốn chiều cao của ông mà không thể”. Tôi nhớ một bài báo đăng trên Guardian ngày 28/4/2015, đại ý nói rằng: Đồng hành với tuổi tác là một trong những lý do khiến phụ nữ lớn tuổi ở Đan Mạch được coi là những người được chữa lành nhất ở một trong những quốc gia hạnh phúc nhất châu Âu.

Ở đây tôi muốn nói người già có thể có giá trị ở tinh thần nhiều hơn là thể chất. Tất nhiên, lão hóa có thể hủy diệt thân nhiều hơn tâm. Một trong những “phương thuốc” là gặp gỡ bạn bè. Thật ra, càng già chúng ta càng “vắng” bạn. Họ từ giã cõi đời trước bạn. Họ đang ở bệnh viện. Họ đang đau yếu ở nhà. Và không còn hào hứng gặp nhau…

Bạn có thể đã nghe về "đại dịch cô đơn" ở Mỹ - và trong khi hầu hết cuộc trò chuyện đó áp dụng cho những người trẻ tuổi dán mắt vào màn hình, thì nó cũng tác động lớn đến những người lớn tuổi. Như tôi, hiện nay, vẫn “dán mắt” vào màn hình máy tính và điện thoại, ít nhất 1 giờ mỗi ngày, chủ yếu để tránh cảm giác cô đơn. Theo WHO, khoảng một phần tư người lớn tuổi bị ảnh hưởng bởi sự cô lập xã hội và cô đơn, cả hai đều là những yếu tố rủi ro chính đối với các tình trạng sức khỏe tinh thần sau này trong cuộc sống.

Empty

Điều quan trọng là phải nghĩ xa hơn gia đình của bạn. Tiến sĩ Ruan cho biết: "Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có bạn bè là một trong những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần ở tuổi già". Thực tế là con cái chuyển đi, bạn đời có thể chia tay và mất mát xảy ra; nếu bạn chỉ dựa vào một hoặc hai người để kết nối, bạn có thể tự đặt mình vào nguy cơ mất đi các mối quan hệ xã hội nếu có bất kỳ thay đổi nào.

Mặc dù quá trình lão hóa có thể mang lại những thách thức riêng, nhưng "các vấn đề về sức khỏe tinh thần không phải là một phần tất yếu của quá trình già đi", Tiến sĩ Chan cho biết. Đó là một huyền thoại phổ biến. Người già có thể bị lo lắng giống như bất kỳ ai khác. Tiến sĩ Chan nói thêm: "Nhiều người lớn tuổi duy trì sức khỏe tinh thần tốt và khi các vấn đề phát sinh, chúng thường có thể điều trị được".

Tất nhiên, việc kết bạn mới khi đã già có thể rất khó khăn. Nhưng theo minh tinh màn bạc lừng danh người Mỹ, Jane Fonda, người vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của mình thì bà đã thuyên giảm bệnh ung thư, nhờ có nhiều thêm những mối quan hệ với bạn bè cũ và mới. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CBS Sunday Morning, Fonda đã thảo luận về chủ đề này với các diễn viên đồng nghiệp (và là bạn thân) Lily Tomlin và Sally Field. “Người chồng cũ mà tôi yêu kính, Ted Turner (ông chủ của kênh truyền hình CNN), đã nói với tôi rằng, “Bạn không nên kết bạn mới sau 60 tuổi. Nhưng tôi nghĩ rằng ông ấy sai, rất sai luôn” Fonda nói.

Fonda khuyên rằng người cao tuổi nên tìm kiếm những người bạn đồng cảm. Thật ra, những người sống lâu, sau tuổi 70, không nhiều, và càng hiếm hơn những người còn đủ tỉnh táo và mạnh khỏe để tán chuyện cùng nhau. Bà nói: "Tôi tìm kiếm những người có khiếu hài hước, táo bạo, thẳng thắn, có chính kiến, những người tử tế, có ý thức công bằng để kết thân".

Bà nhấn mạnh: “Tôi có bạn bè, vì vậy tôi càng là tôi.”

Nhiều nhà thơ lớn trong văn học kinh điển Việt Nam chúng ta cũng từng nói đến việc chữa lành khi có bạn, và khi bạn mất đi thì đau đớn biết bao nhiêu. Như cụ Nguyễn Khuyến khóc bạn Dương Khuê: “Bác Dương thôi đã thôi rồi/ Nước mây man mác ngận ngùi lòng ta/…Bác già, tôi cũng già rồi,/Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!/…Làm sao bác vội về ngay,/.Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời,…” Và khi mất bạn rồi, thì rượu cũng chằng còn ngon nữa, lấy gì để chữa lành vết thương mất bạn: "Rượu ngon không có bạn hiền/Không mua không phải không tiền không mua…”!

Nhà văn Han Kang, giải Nobel văn học năm nay (2024) cũng có những tác phẩm lớn nói đến tình bạn, như “Hành động con người” (Human Acts) và hay “Bạch thư” (The White Book), những tiểu thuyết ngắn, sâu sắc về tình bạn, nỗi đau, sự tái sinh và chữa lành.

Empty

Trong tháng 10/2024, Chính phủ Singapore đã kích hoạt một chương trình gọi là “…bonding seniors”, khuyến khích mọi gia đình ở đảo quốc… chăm sóc, chữa lành người cao tuổi, khi mà xã hội ngày càng có nhiều người lớn tuổi.

Tháng 9/2024 tôi có chuyến du lịch đến Thương Hải, Hàng Châu và Tô Châu, Trung Quốc. Chuyến đi đó, tôi bất ngờ gặp hai vợ chồng trạc tuổi tôi, có thể nhỏ hơn vài tuổi, nhưng đều phải dùng gậy, đi lại rất khó khăn. Mỗi khi đến điểm tham quan nào, thì hai người đều ngồi bên ngoài, hoặc chờ trên xe, chứ không cùng nhóm du lịch đi chơi. Bà nói: “Các điểm này tôi đều đi 3, 4 lần rồi”, và bà kể vanh vách lịch sử vùng đất đó. Vậy tại sao bà đi lại? “Vì tôi ngồi nhà là bệnh”. Bà nói: Thái Lan bà đi 13 lần rồi. Đi Trung Quốc 3 lần và sau chuyến này, bà dự tính lại đi đảo Hải Nam thêm lần nữa.

Rõ ràng, đi du lịch là phương pháp chữa lành cho người già, vì sự đi lại, giao tiếp, gần tự nhiên, nhìn cảnh lạ… khiến con người tỉnh táo, vui tươi. Tôi cũng vậy, dần dần tôi cảm nhận điều này rất rõ.

Năm 2024 tôi bước sang tuổi bảy lăm. Để kỷ niệm dịp này, gia đình đã tổ chức một bữa tiệc sinh nhật hoành tráng cho tôi. Sau tiệc sinh nhật là lúc để suy ngẫm, và khi làm vậy, tôi đi đến kết luận: Tôi đang đến gần thời điểm năng lượng và sức mạnh của tôi suy giảm, khi tôi mất đi sự độc lập. Bảy mươi lăm năm là khoảng thời gian các bộ phận trong cơ thể bắt đầu suy yếu dần, (thực ra đã suy yếu từ năm 60), khi những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tật “đích thực” tuổi già bắt đầu xuất hiện. Nếu bạn đã từng được huấn luyện quân sự, bạn sẽ biết thế nào là “dự lệnh” và “động lệnh”. Tuổi 60, là “dự lệnh” và tuổi 70 là “động lệnh” để bạn thực hiện ngay các động tác chuẩn bị từ giã cuộc chơi một cách bình yên.

Tôi hầu như không nhận thấy sự lão hóa của mình hàng ngày. Khi tôi nhìn vào gương vào buổi sáng, khuôn mặt quen thuộc của tôi trông vẫn giống tôi như ngày hôm trước. Nhưng trong những bức ảnh chụp tôi từ những năm 1990, khi còn làm báo Tuổi Trẻ, sau đó chuyển tiếp qua báo Saigon Times, tóc của tôi còn khá dày và đen. Nhìn lại những bức ảnh cũ, tôi không thể không nhận thấy sự thay đổi về thể chất đã diễn ra trong suốt bốn mươi năm. Chừng đó thôi cũng đủ làm cho tự tin trong tôi mất đi gần hết. Không có một loại thuốc nào để phục hồi sự tự tin ở một người già bằng đi du lịch đó đây, dù đi chậm, hay chống gậy hay dùng xe lăn… Nhà thơ Han Kang được trích trên đây từng viết về một “điêu nhảy trên xe lăn”… như một cách thách thức và cũng là cách chữa lành tích cực của các bậc cao niên.

Empty
Empty

Không ai tránh khỏi già và chết. Và cũng không ai tự mình chữa lành, nếu không cùng chữa lành, trước tiên, với người khác, rồi đến với thiên nhiên và cuối cùng với chính mình. Cái chết và sự sống chỉ cách nhau 9 tháng, như trong bài thơ “Mark Rothko và tôi” của Han Kang: cha bà chết tháng hai, và bà sinh tháng 11, nhưng tháng hai không phải là thời gian chết của người cha, mà vẫn kéo dài đến 9 tháng sau đó, khi người con được sinh ra. Vì vậy bài thơ kết: “Tháng hai kéo dài bền bỉ, và cuối cùng chữa lành”!

Vâng, không có sự chữa lành nào lớn hơn sự sinh ra!

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già