- Chuyên đề:
- Món ngon mỗi ngày
Mâm cỗ chay Rằm tháng 7 nhiều màu sắc hấp dẫn và rất thanh mát.
Lão Tử: Tri bất tri, thượng hĩ; bất tri tri, bệnh dã!
Lão tử: Họa là chỗ tựa của Phúc, Phúc ẩn mình trong Họa
Cách nấu chè kho thơm ngon cho ngày Tết
Cuối tuần, nấu bún chua thanh mát với cá thác lác
Với mâm cỗ chay dâng cúng tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính, nên chuẩn bị nguyên liệu từ trước đó 1-2 ngày với những loại thực phẩm không quá cầu kỳ, nhưng cần lựa chọn nguyên liệu tươi sạch, rau củ nhiều màu sắc. Một mâm cỗ chay sẽ có nhiều món với những màu sắc bắt mắt sẽ khiến cho lòng được hoan hỷ. Nếu không có đủ thời gian chế biến cầu kỳ thì vào, ngày lễ Vu Lan, ngoài việc sắm sửa lễ vật như hoa quả, bánh kẹo, nhiều gia đình lại chọn cách tự tay nấu mấy bát chè sen long nhãn truyền thống, chè sen cốm ngọt mát hay xào một đĩa cốm thơm dẻo, dâng lên ban thờ, thể hiện sự thanh tao, tinh tế, tấm lòng thành kính của con cháu tới tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Hãy cùng chúng tôi tham khảo mâm cỗ chay cho Rằm tháng 7 năm nay với những món ăn nhiều màu sắc sau đây:
Xôi gấc
Gạo nếp dùng để nấu xôi gấc thường là nếp cái hoa vàng - loại nếp đặc trưng nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, hạt trắng đều, thơm ngon và rất dẻo. Khi muốn nấu xôi, gạo nếp sẽ được vo sạch, ngâm trong nước khoảng 6-7 tiếng, rồi đổ ra rá to, để ráo.
Gấc chọn quả đã chín mềm tay, nhưng không phải là quá chín vì màu lên sẽ xỉn và không thơm, bổ đôi ra thấy hạt gấc đỏ tươi, nhiều thịt, thành quả gấc có cùi màu vàng là chắc chắn nâu xôi sẽ rất ngon. Dùng thìa gạt hết hạt và thịt gấc vào một bát to, nạo thêm một ít cùi vàng ở thành quả gấc để tạo vị béo ngậy tự nhiên cho món xôi, rồi cho khoảng 2 thìa rượu trắng, vài hạt muối vào bát, trộn đánh đều với thịt gấc thật nhuyễn, màu gấc lúc này sẽ lên màu đỏ rực rỡ hẳn và dậy mùi thơm.
Khi rá gạo nếp đã ráo nước, hạt nở tròn to và trắng ngần, thì đổ toàn bộ thịt gấc vừa đánh vào rá, dùng tay vừa trộn vừa bóp nhẹ cho thịt gấc đỏ đều với hạt gạo, trong quá trình này có thể thêm vài hạt muối vào trộn cùng để xôi nấu xong được đậm vị.
Bắc chõ lên bếp để chuẩn bị đồ xôi, đổ gạo đã trộn vào chõ, đồ trong khoảng 30 phút, thỉnh thoảng phải mở vung, lấy đũa đánh nhẹ để xôi chín đều, tránh để nước trên nắp không chảy vào xôi khiến xôi bị nát, không ngon.
Xôi chín sẽ tỏa hương thơm ngào ngạt. Sau khi tắt bếp, cần nhanh tay rắc đường kính trắng vào xôi, lượng đường cho vào là tùy theo khẩu vị của mỗi nhà thích ngọt thanh hay ngọt đậm, trộn thật đều. Đồ lại chõ xôi thêm khoảng 5 phút nữa, bắc ra thì rưới ít dầu vừng vào xôi, xới nhẹ tay cho đều, hạt xôi bóng lên, trông rất hấp dẫn.
Nem chay
Thành phần của nhân nem có các nguyên liệu cơ bản gồm: Đậu phụ, nấm kim chi, nấm hương, mộc nhĩ, miến ngâm nước ấm cho nở mềm, cà rốt, hành tây, củ đậu, hành lá. Tất cả các nguyên liệu trên được thái nhỏ, trộn đều với ít gia vị chay, hạt tiêu xay và 2-3 thìa dầu ăn tùy theo lượng nhân. Sau khi các nguyên liệu đã trộn đều, cho lên bếp xào chín nhân. Để nguội nhân rồi cuốn và rán nem cho vàng, vớt ra để vào giấy thấm dầu rồi mới bày vào đĩa.
Chạo chay
Nguyên liệu để làm chạo nấm sò chay cần có: nấm sò tươi (có thể dùng loại màu nào cũng được, không nhất thiết phải nấm sò trắng), 30-50gr thính tùy theo lượng nấm cần chế biến, lá đinh lăng, lá sung hoặc vỏ nem cuốn, 3-5 lá chanh tươi, hạt nêm chay, dầu ăn.
Cách chế biến như sau: Nấm tươi cắt bỏ bớt phần chân nấm có dính cát, rửa sạch, vớt ra để ráo thì dùng tay xé dọc từng cánh nấm. Sau khi xé xong, vắt hết nước trong nấm cho khô, cho vào bát to rồi rắc hạt nêm chay, trộn đều, ướp khoảng 5 phút cho thấm đều gia vị. Bắc chảo lên bếp, cho ít dầu ăn (khoảng 2-3 thìa nhỏ), đun nóng thì đổ nấm đã ướp vào đảo đều. Chú ý đảo nhanh tay vtrên lửa to để nấm nhanh khô và không quá chín kỹ (đảo lâu nấm sẽ bị dai, không còn độ giòn).
Xào xong nấm, bắc chảo ra để nấm nguyên ở chảo, tãi ra cho nguội. trước khi ăn mới rắc thính vào trộn với nấm, rắc từ từ để cho lượng thính vừa.
Canh rau củ với hạt sen hầm
Đây là món canh thanh mát, bổ dưỡng khí huyết, rất có lợi đối với sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nguyên liệu gồm có: 100gr hạt sen tươi, nấm hương khô, 1 củ cà rốt nhỏ, 1 lạng ngô bao tử, 1 bông cải xanh.
Hạt sen ninh nước cho chín mềm. Nấm hương khô rửa sạch, ngâm nước ấm cho nở đều. Cà rốt gọt bỏ vỏ, thái khoanh tròn dày khoảng 0.5cm. Ngô bao tử rửa sạch, bổ đôi theo chiều dọc. Bông cải xanh rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Cho tất cả các nguyên liệu đã sơ chế vào nồi, nêm gia vị chay vừa đủ, đun nhỏ lửa cho đến khi chín mềm là được. Nếu muốn nước canh ngọt hơn và giúp ngủ tốt, bạn có thể cho thêm ít nước dừa tươi vào ninh cùng, sẽ rất thơm ngọt.
Xào ngũ sắc
Nguyên liệu cho món xào tùy từng khẩu vị của gia đình mà lựa chọn rau củ cho phù hợp, xào theo cách nguyên liệu nào lâu chín sẽ cho vào xào trước, rồi lần lượt đến các nguyên liệu nhanh chín. Khi lên món ăn phải đủ 5 màu để đĩa xào được hấp dẫn.
Đậu phụ sốt nấm
Đậu phụ bìa cắt miếng chữ nhật, rán vàng. Các loại nấm hương, nấm bào ngư, ớt chuông các màu cắt miếng nhỏ, cho vào nồi đun cùng ít nước, gia vị chay cho thành nước sốt sền sệt, thả đậu đã rán vào đun cho ngấm là được.
Salad rau củ
Nguyên liệu cho món này gồm: Xà lách, củ cải đỏ, rau mầm, chả chay, cà chua bi, ruốc nấm hương. Các nguyên liệu được sơ chế sạch, thái nhỏ, rồi trộn lẫn với sốt vừng rang.
Giò chả chay mua sẵn, về thái và trang trí vào đĩa theo sở trường của người nội trợ.
Chè kho
Đậu xanh vo sạch, ngâm nở trong nước lã khoảng 3-4 tiếng, rồi cho vào nồi hấp chín mềm, rồi đem đi giã nhuyễn. Sau khi đậu xanh đã thật mịn thì trộn đều với đường và 1 xíu muối, cho vào nồi hoặc chảo chống dính để sên trong lửa nhỏ. Sên cho đến khi thấy hỗn hợp khô, đổ nước cốt dừa vào trộn đều rồi tiếp tục sên để hỗn hợp thành khối dẻo ráo là được. Đổ hỗn hợp ra đĩa có phết ít dầu ăn, đợi nguội là món chè hoàn thành.
Như vậy, mâm cỗ chay Rằm tháng 7 đã hoàn thành với những món ăn nhiều màu sắc hấp dẫn và rất thanh mát. Với mâm chay này, mọi thành viên của gia đình đều có thể thưởng thức và cảm thấy hoan hỷ.
Theo quan niệm của Đạo Phật, việc ăn chay nhằm khuyến khích con người không sát sinh, sống thiện, tinh thần được giải phóng, tâm hồn sẽ an lạc, hoan hỷ. Vì thế người theo Phật giáo được khuyến khích nên phát tâm ăn chay thường xuyên, hoặc ít nhất vào ngày Rằm, mùng 1 hàng tháng. Còn về cơ sở khoa học, ăn chay sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như: loại bỏ bớt chất béo dư thừa và nạp thêm chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, cải thiện thể lực, thanh lọc cơ thể, hỗ trợ giảm cân, điều chỉnh và cân bằng hormone, tinh thần được thư thái, tinh tấn hơn.
Bình luận của bạn