Chuyên gia giải đáp các vấn đề về mắt thường gặp ở tuổi học đường

Bảo vệ đôi mắt giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng học tập của trẻ

Những dấu hiệu cảnh báo tật khúc xạ ở trẻ cha mẹ cần lưu ý

Làm sao để bảo vệ cột sống cho con ở tuổi học đường?

Chuyên gia khuyến cáo khám phát hiện sớm các dị tật ở trẻ nhỏ

Làm sao để kiểm soát độ cận thị ở trẻ?

Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến với thanh thiếu niên Việt Nam. Tỷ lệ mắc các tật khúc xạ ở học sinh nông thông là khoảng 15-20%, 30-40% ở thành phố. Chỉ riêng nhóm trẻ từ 6-15 tuổi, ước tính cả nước có gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.

Các bệnh về mắt gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và học tập của trẻ. Đặc biệt, dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ tới thị lực khi trẻ phải học online với máy tính, thiết bị điện tử trong thời gian dài. Trước mối quan tâm này của các bậc phụ huynh, Med Talks tổ chức buổi thảo luận online với chủ đề “Chăm sóc mắt học đường”.

Các chuyên gia, bác sỹ tham gia buổi hội thảo về chủ đề Chăm sóc mắt học đường

Các chuyên gia, bác sỹ tham gia buổi hội thảo về chủ đề "Chăm sóc mắt học đường"

Tại buổi hội thảo, BSCKII Bùi Tiến Hùng -  Giám đốc chuyên môn tại Bệnh viện Mắt Thiên Thanh cho hay, cận thị càng cao thì nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm về mắt khi trưởng thành càng lớn: Đục thủy tinh thể, bong và thoái hóa võng mạc. Bác sỹ chia sẻ các phương pháp ngăn ngừa cận thị tiến triển phổ biến và có hiệu quả gồm: Đeo kính 2 tròng/đa tròng/kính điều tiết; Đeo kính tiếp xúc ban đêm OrthoK; Dùng thuốc theo chỉ định (atropine, hạ nhãn áp).

Ngoài các phương pháp trên, BS Hùng khuyến nghị trẻ nên có thời gian hoạt động ngoài trời. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hoạt động ngoài trời giúp trẻ nhìn xa, mắt không phải điều tiết quá mức. Một giải pháp đơn giản mà cả trẻ nhỏ và người lớn có thể thực hiện là nguyên tắc 20 – 20 – 20. Cứ 20 phút học tập và làm việc, thì cho mắt nghỉ ngơi 20 giây để nhìn xa 20feet (tương đương 6m).

Cũng tại buổi thảo luận, BSCKII Trần Như Thảo - Trưởng khoa Nhãn Nhi, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng nêu ra một số tình trạng chấn thương về mắt thường gặp ở trẻ. Trong đó, trẻ dễ bị chấn thương nhãn cầu do đụng đập với các vật tù (cạnh bàn ghế, bóng, nắm đấm) hoặc chấn thương xuyên nhãn cầu do các vật sắc nhọn (bút chì, compa, gia cầm mổ. Ở độ tuổi hiếu động, súng đồ chơi cũng có thể gây ra tai nạn về mắt cho trẻ.

BS Thảo khuyến cáo, khi trẻ bị chấn thương, cha mẹ nên băng che mắt và đưa con tới cơ sở chuyên khoa gần nhất. Tuyệt đối không tự rút dị vật ra khỏi mắt, không để trẻ day dụi mắt.  

90% các nguyên nhân gây chấn thương mắt ở trẻ nhỏ có thể phòng ngừa được nếu cha mẹ, người lớn để mắt tới con hơn. Nên chọn đồ chơi phù hợp với tuổi của con, tránh các đồ chơi sắc nhọn như cung tên, phi tiêu hay súng bắn đạn giả. Cha mẹ cần dạy con học cách sử dụng bút chì, kéo, dây chun an toàn. Phụ huynh nên dùng cửa chắn an toàn ở chân cầu thang; Che chắn các góc nhọn của nội thất, khóa các ngăn kéo; Giữ hóa chất tẩy ra xa tầm tay trẻ em. Các biện pháp này không chỉ giúp giảm nguy cơ chấn thương về mắt mà còn phòng tránh tai nạn thương tích trong mùa Hè.

Med Talks là chuỗi sự kiện trò chuyện trực tuyến xoay quanh chủ đề y khoa, dược, tâm lý với những chia sẻ của các bác sỹ chuyên khoa cung cấp những kiến thức khoa học bổ ích. 

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ