Hè đến, cần làm gì để phòng ngừa nạn nghiện game ở trẻ?

Thanh thiếu niên là lứa tuổi chịu nhiều ảnh hưởng từ game trực tuyến

Trại hè quốc tế: Cơ hội cho con trải nghiệm và học hỏi

Làm sao phòng ngừa các dịch bệnh mùa Hè cho trẻ?

Hoạt động thể chất bổ ích cho trẻ trong mùa Hè

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ trong mùa Hè

Lý do nào khiến trẻ dễ nghiện game?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%. Tình trạng nghiện game có chiều hướng gia tăng trong đại dịch COVID-19, do trẻ không thể đến trường và thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính để học trực tuyến.

Hiểu được nỗi lo lắng của phụ huynh, đặc biệt khi mùa Hè tới gần, MetaMinds vùng MedInsights và Hệ thống Y tế Med247 tổ chức buổi Med Talks số thứ 5 với chủ đề "Vấn nạn nghiện game và giải pháp".

Tại buổi hội thảo trực tuyến, với chuyên môn tâm lý lâm sàng trẻ em và trẻ vị thành niên, ThS Đỗ Minh Trang cho hay, nghiện game ở thanh thiếu niên là thực trạng khó tránh khỏi trong thời đại bùng nổ internet. Châu Á là khu vực có số lượng người sử dụng internet tăng nhanh, tỷ lệ nghiện internet ngày càng cao. Không chỉ các bạn học sinh phổ thông mà cả sinh viên, người trưởng thành cũng có nguy cơ nghiện game, dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng về thể chất, tinh thần, suy giảm năng suất học tập và làm việc.

Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước châu Á, tỷ lệ người nghiện Internet ngày càng nhiều

Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước châu Á, tỷ lệ người nghiện Internet ngày càng nhiều

Tuy nhiên, cấm đoán không phải biện pháp có thể ngăn chặn tình trạng nghiện game từ sớm. Phụ huynh nên hiểu một số nguyên nhân khiến trẻ tìm đến các trò chơi điện tử và đắm chìm trong đó.

Yếu tố khách quan là đa số trẻ tiếp xúc với máy tính và internet lần đầu tiên là nhằm mục đích giải trí chứ không nhằm mục đích công việc như cha mẹ. Đặc biệt, thế hệ gen Z (trẻ sinh năm 1997 - 2012) sinh ra trong thời kỳ bùng nổ internet – mạng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận, nên đây mới là “sân chơi” của trẻ trong độ tuổi này.

ThS Trang phân tích, trẻ ở tuổi vị thành niên dễ tiếp nhận cái mới, dễ tiếp thu kiến thức cũng như có khả năng nắm bắt, xử lý thông tin nhanh. Vì thế, nhóm tuổi này tò mò và thích khám phá, trải nghiệm. Vùng não “thưởng” phát triển mạnh trong tuổi vị thành niên, khiến trẻ “siêu nhạy cảm”, tạo ra những chuyển biến lớn về thể chất lẫn tinh thần. Ở lứa tuổi này, trẻ có nhu cầu khẳng định bản thân và mở rộng mối quan hệ ngoài gia đình. Việc chơi game là một trong những cách thức giúp trẻ “nhập bọn”, tìm được điểm chung với bạn bè để hòa nhập tốt hơn.

Việc nhập vai vào các nhân vật trong game cho phép trẻ thể hiện, hoặc bù đắp những điều khiến trẻ chưa hài lòng trong cuộc sống

Việc nhập vai vào các nhân vật trong game cho phép trẻ thể hiện, hoặc bù đắp những điều khiến trẻ chưa hài lòng trong cuộc sống

Ngoài ra, các dạng game nhập vai còn là cách giúp trẻ bù đắp các nhu cầu, mong muốn không được thỏa mãn trong cuộc sống. Các cố gắng, nỗ lực học tập của trẻ không được đôi lúc không được cha mẹ, xã hội ghi nhận; Trong khi trẻ được “tôn vinh”, công nhận bởi bạn bè trong game. Các thành tích trong game khiến não bộ tiết ra nhiều dopamine và đem lại cảm giác hưng phấn khác hẳn với thực tại chán nản. Chỉ một thao tác chuột cho phép trẻ nắm quyền kiểm soát và sức mạnh mà đời thực không thể cung cấp.   

ThS Trang nhấn mạnh: “Game là ảo, nhưng cảm xúc lại là thật”. Những cảm xúc trẻ nhận được khi chơi game thăng hoa hơn hẳn ngoài đời, nên trẻ có xu hướng tìm đến game như giải pháp cho những vấn đề về tinh thần như lo âu, trầm cảm, thất bại, stress…

Đồng quan điểm này, TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, một số yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ nghiện game là khi trẻ thiếu tự tin, có cảm giác bị bỏ rơi, không có sự đồng cảm của người thân.

BS Huyền chia sẻ, trẻ mắc chứng nghiện game có ít nhất 5 trong những dấu hiệu sau đây kéo dài trong thời gian hơn 1 năm theo tiêu chuẩn của DSM-5 (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm lý Tâm thần phiên bản lần thứ 5):

  • Bệnh nhân thường xuyên hoặc phần lớn thời gian bệnh nhân nghĩ về chơi game.
  • Cảm thấy thật sự tồi tệ khi không thể chơi game.
  • Cần phải tăng dần thời gian chơi game để mang lại cảm giác thoải mái cho mình.
  • Không thể ngừng chơi game hoặc không thể chơi ít hơn.
  • Không muốn làm những việc mà trước đây từng thích.
  • Có những vấn đề phức tạp tại trường học, công việc hoặc ở nhà do ảnh hưởng của việc chơi game.
  • Người bệnh tiếp tục chơi game mặc dù biết những hậu quả của chơi game.
  • Nói dối những người thân về tổng thời gian chơi game của mình.
  • Lao vào chơi game nhằm bỏ đi những cảm xúc tiêu cực như buồn chán, lo lắng, căng thẳng.

Để con không nghiện game, cha mẹ cần thấu hiểu và đồng hành

Cha mẹ cần thấu hiểu tâm lý của trẻ, nắm rõ việc sử dụng máy tính và thiết bị di động thông minh của trẻ

Cha mẹ cần thấu hiểu tâm lý của trẻ, nắm rõ việc sử dụng máy tính và thiết bị di động thông minh của trẻ

Để trẻ không sa đà vào chơi game, dẫn tới ảnh hưởng tới cuộc sống, BS Huyền khuyến khích phụ huynh nên quy định rõ ràng thời gian sử dụng máy tính/diện thoại để học và chơi. Cha mẹ cần chủ động sàng lọc những trò chơi có tính gây nghiện, bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi. Nếu trẻ có biểu hiện nghiện game, hãy đưa con đi thăm khám, tìm đến liệu pháp nhận thức hành vi để điều trị.  

Kỳ nghỉ Hè đến gần, BS Huyền khuyên cha mẹ nên cho trẻ tham gia các hoạt động khác (hoạt động ngoài trời) thay vì để trẻ tiếp xúc tới thiết bị điện tử. Phụ huynh, đặc biệt là người cha, cần gần gũi với con để phát hiện sớm những bất thường, tránh để con được nhốt mình trong phòng, “làm bạn” với điện thoại, máy tính.

 

Là một chuyên gia về tâm lý, ThS Trang thường khuyên các bậc phụ huynh chủ động thảo luận, lập ra nguyên tắc trong việc giải trí của con (không gian, địa điểm, ánh sáng khi chơi game). Cha mẹ cần tìm hiểu lý do con sa đà vào game (do vấn đề tâm lý, bạn bè) để có thể hỗ trợ trẻ kịp thời. Còn về phía trẻ, các em có thể dành năng lượng cho các hoạt động lành mạnh hơn như thể thao, nghệ thuật.

Thay vì cấm đoán việc giải trí và chơi game của con, cha mẹ cần quyết đoán đưa ra ranh giới – dấu mốc để con tự điều chỉnh và dừng lại. Đặc điểm của trẻ vị thành niên là cần sự tôn trọng và lắng nghe, cha mẹ áp đặt, cứng nhắc với trẻ dễ gây phản tác dụng.

Việc nghiện game đã gây ảnh hưởng đến tâm lý, khiến thị lực suy giảm, tác động xấu đến sức khỏe cũng như tâm lý của trẻ em. Để trẻ có một mùa Hè an toàn, ngay từ bây giờ, các bậc phụ huynh nên rời mắt khỏi màn hình điện thoại, máy tính của chính mình, dành thời gian chú ý đến con nhiều hơn.

Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ