Chuyên gia WHO tiếc nuối khi không thông báo sớm SARS-CoV-2 lây lan qua không khí

TS. Soumya Swaminathan chia sẻ về các kinh nghiệm của bà trước khi rời WHO

Pfizer, Moderna nghiên cứu tác dụng phụ hiếm gặp liên quan đến vaccine COVID-19

Vaccine COVID-19: “Chúng tôi đã lái máy bay trong khi vẫn đang chế tạo nó"

Triệu chứng của COVID-19 có thể thay đổi dựa vào số lần tiêm chủng

Phát hiện tác động mới của COVID-19 lên não người

Tuần trước, bác sĩ nhi khoa người Ấn Độ - Soumya Swaminathan đã thông báo rằng bà sẽ rời vị trí trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối tháng này. Bà dự định sẽ trở lại Ấn Độ và làm việc cho nền y tế công cộng của quê nhà.

Trong đại dịch COVID-19, TS. Soumya Swaminathan đã trở thành một trong những gương mặt đại diện cho đội phản ứng toàn cầu cảu WHO để trả lời các câu hỏi của phóng viên tại vô số các cuộc họp báo. Việc trao đổi với truyền thông “không thực sự được coi là một trong những nhiệm vụ của trưởng nhóm khoa học”, bà cho biết. Tuy nhiên, TS. Soumya Swaminathan đã chấp nhận vai trò này. Bà cũng cho biết điều hối tiếc nhất của mình là đã không thừa nhận sớm hơn trong khoảng thời gian đại dịch, rằng SARS-CoV-2 có thể lây lan qua không khí.

 

“Trong giai đoạn bùng nổ dịch COVID-19, đã có rất nhiều sự chú ý, cho rằng đây là căn bệnh lây truyền qua đường không khí. Rất nhiều nghiên cứu và nhiều chuyên gia từ các ngành khác đã tham gia vào vấn đề này.

Bản thân tôi cũng đã được yêu cầu triệu tập các nhóm, nhằm xem xét xem liệu đã đến lúc thay đổi các định nghĩa và thuật ngữ mà chúng tôi sử dụng để mô tả vấn đề này hay chưa. Tôi đã hy vọng rằng quyết định này có thể được đưa ra sớm trước khi tôi rời đi, nhưng có thể sẽ phải mất thêm vài tháng nữa”, TS. Soumya Swaminathan cho biết.

PV: Liệu việc không gọi SARS-CoV-2 là bệnh lây truyền qua đường không khí là sai lầm lớn nhất của bà với tư cách là trưởng nhóm khoa học của WHO?

TS. Soumya Swaminathan: Lẽ ra chúng tôi nên làm điều đó sớm hơn nhiều, dựa trên những bằng chứng đã có và đó là điều khiến tổ chức phải trả giá. Dù khi nói tới việc phòng ngừa, chúng tôi đã đề cập tới tất cả các phương pháp, bao gồm cả thông gió và đeo khẩu trang. Tuy nhiên, chúng tôi đã không mạnh mẽ nói rằng “đây là một loại virus lây qua không khí”. Tôi rất tiếc rằng chúng tôi đã không làm điều này sớm hơn.

PV: Tại sao lại như vậy? Chuyện gì đã xảy ra?

TS. Soumya Swaminathan: Tôi nghĩ đó là kết quả của nhiều vấn đề. Tôi vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc là trưởng nhóm khoa học của WHO và không chắc rằng với vai trò này mình phải làm gì trong đại dịch. Tôi đã cố gắng làm những gì tôi nghĩ là tốt nhất. Điều xảy ra ở WHO là các bộ phận kỹ thuật thực hiện các hướng dẫn, tại bộ phận khoa học, chúng tôi chỉ đặt ra các tiêu chuẩn về cách thực hiện các hướng dẫn. Vì vậy, đó không phải là vai trò của tôi và cũng không ai yêu cầu tôi tham gia vào giai đoạn đó.

Mô hình làm việc hiện tại được dựa trên mô hình của bệnh cúm, vì sự chuẩn bị cho mức độ đại dịch của chúng ta là bệnh cúm. Tuy nhiên, SARS-1 lại là một mầm bệnh rất khác. Vì vậy, chúng tôi không thể ngoại suy hoàn toàn từ đó. Nếu sắp tới có trưởng nhóm khoa học mới, tôi nghĩ rằng tôi sẽ đưa ra lời khuyên sau: Trong tình huống xuất hiện các bằng chứng mới thách thức sự hiểu biết của chúng ta, hãy tham gia sớm!

 

Ngoài các chia sẻ về đại dịch COVID-19, TS. Soumya Swaminathan cho biết tại WHO, các nhà khoa học đang xem xét các lĩnh vực mà công nghệ phát triển nhanh chóng, ví dụ như chỉnh sửa gene, trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc in 3D nội tạng. Một điều nữa bà cũng từng tập trung thực hiện là chia sẻ dữ liệu, đảm bảo có nhiều nghiên cứu hơn đang được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cũng như đảm bảo các nhà nghiên cứu ở đó nhận được đầy đủ quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng.

Một trong những điều TS. Soumya Swaminathan thực sự tự hào là việc thành lập trung tâm công nghệ vaccine mRNA của WHO có trụ sở tại Cape Town, Nam Phi. Trung tâm này được xây dựng nhằm mục đích cung cấp vaccine mRNA cho châu Phi. Dù Moderna và BioNTech-Pfizer từ chối giúp đỡ, chia sẻ bất kỳ bí quyết kỹ thuật nào, song với trung tâm này, TS. Soumya Swaminathan tin rằng các nhà khoa học Nam Phi vẫn có thể tạo ra vaccine, dù trước mắt vẫn phải trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Vi Bùi (Lược dịch theo Science)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội