Vaccine COVID-19: “Chúng tôi đã lái máy bay trong khi vẫn đang chế tạo nó"

Vaccine COVID-19 đã có sự phát triển vô cùng nhanh chóng trong vài năm vừa qua

Phát hiện tác động mới của COVID-19 lên não người

Quốc gia cuối cùng ở Châu Âu dỡ bỏ hoàn toàn các quy định phòng dịch

Vì sao XBB được coi là biến thể nguy hiểm nhất của COVID-19?

Singapore đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới

Không giống như vaccine phòng ngừa các bệnh khác (ví dụ như vaccine đậu mùa chỉ cần tiêm 1 mũi đã gần như có thể bảo vệ, ngăn chặn bệnh hiệu quả), vaccine COVID-19 không cung cấp giải pháp đơn giản như vậy. Tuy nhiên, sự phát triển rất nhanh chóng của sản phẩm này vẫn có thể được coi là “cứu cánh” cho toàn thế giới trong đại dịch. Kathrin Jansen cũng coi vaccine SARS-CoV-2 Comirnaty (của Pfizer-BioNTech) như một nền tảng ấn tượng của ngành tiêm chủng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Khi đại dịch COVID-19 nổ ra vào năm 2020, Pfizer vốn đã hợp tác với BioNTech trong sản xuất vaccine mRNA phòng bệnh cúm. Với nền tảng thử nghiệm này, họ đã giảm thời gian phát triển vaccine từ 10 năm xuống chỉ còn 9 tháng. Vào tháng 12/2020, Comirnaty trở thành vaccine SARS-CoV-2 đầu tiên được cấp phép tại Anh, Mỹ và các quốc gia khác.

Hơn 1 tỉ liều vaccine hiện đã được phân phối ở Mỹ và châu Âu. Tổng doanh số bán loại vaccine này được dự báo sẽ vượt 70 tỉ USD vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, thành công này vẫn chưa đủ để thuyết phục một số người phản đối vaccine. “Tôi thấy điều này thật đáng kinh ngạc. Sau tất cả những gì chúng ta đã phải trả qua, vẫn còn rất nhiều người không nhận ra được giá trị của vaccine và quyết định không tiêm ngừa”, Kathrin Jansen cho biết.

Làm thế nào phát triển vaccine SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng như vậy?

Trong những năm qua, chúng tôi đã xây dựng một cơ sở hạ tầng tiên tiến, đặc biệt là thông qua các chương trình vaccine cộng hợp phế cầu khuẩn (PCV). Tuy nhiên, COVID-19 đã thay đổi mọi thứ về cách tiếp cận khái niệm nghiên cứu và phát triển vaccine theo quy trình đầu cuối, buộc chúng tôi phải làm việc theo một tiến độ cấp bách hơn.

[Vào tháng 3 năm 2020] khi CEO của chúng tôi nói “hãy hoàn thành nó (vaccine) trước cuối năm nay”, tôi đã nói “điều này thật điên rồ”! Nhưng tiền không phải là một vấn đề, do đó chúng tôi có thể làm được những điều tuyệt vời trong một khoảng thời gian đáng kinh ngạc.

Chúng tôi đã sáng tạo, chúng tôi không thể chờ đợi dữ liệu và phải làm với rất nhiều “rủi ro”. Bạn có thể nói chúng tôi đã phải lái chiếc máy bay trong khi vẫn đang chế tạo nó.

Mọi bộ máy quan liêu đều sụp đổ. Chúng tôi đã làm mọi thứ song song, vừa nhìn vào các dữ liệu và vừa thực hiện sản xuất. Thông thường, bộ phận sản xuất sẽ chưa cần tham gia trong vòng vài năm đầu của một chương trình. Tuy nhiên, lần này hoàn toàn khác. Tôi nhớ cuộc gọi với những người đồng nghiệp trong bộ phận sản xuất. Tôi đã nói: “Chúng tôi có 4 cấu trúc khác nhau, hãy sẵn sàng để sản xuất thử cả 4 mẫu”. Sau đó chúng tôi thu hẹp các thành phẩm. Chúng tôi đã phải bỏ đi nhiều mẫu không hoạt động, nhưng chúng tôi luôn có những mẫu khác để phát triển tiếp.

Tại sao bà lại chọn nền tảng vaccine mRNA?

Tôi đã thử qua nhiều cách tiếp cận khác để phát triển vaccine, do đó tôi biết những gì có thể sẽ không thể chống lại SARS-CoV-2 và những gì có thể hoạt động.

 

Khi có cơ hội làm việc với BioNTech, tôi biết rõ rằng mRNA là nền tảng có cơ hội thành công cao nhất. Vào thời điểm đó, tất cả những gì tôi biết là nếu có nền tảng nào có cơ hội thành công cao, đó chắc chắn phải là mRNA. Vì chúng đảm bảo được tất cả các yêu cầu như giúp bạn nhận được đáp ứng tế bào T, kháng thể và đáp ứng bẩm sinh. Đáp ứng tế bào T và đáp ứng bẩm sinh, đặc biệt với những người cao tuổi, thường là yếu tố khiến [các nền tảng khác] thất bại.

Tuy nhiên, nền tảng mRNA khi đó vẫn chưa thực sự sẵn sàng. Có vấn đề về tính ổn định, vấn đề về công thức mà chúng tôi cần phải giải quyết. Trong năm 2020, đây mới chỉ là một quá trình nghiên cứu và chúng cần được phát triển thêm nữa. Tuy nhiên, chúng tôi không có nhiều thời gian để làm điều này. Thay vào đó, chúng tôi chỉ nhân bản quy trình nghiên cứu quy mô tương đối nhỏ này nhiều lần, tới khi đủ khả năng để sản xuất hàng tỉ liều (vaccine).

Bà có nghĩ rằng từ giờ nền tảng vaccine mRNA sẽ có xu hướng chiếm ưu thế hơn?

Đối với một số bệnh do virus, nền tảng mRNA thực sự phù hợp. Hiện cũng có nhiều vaccine nền tảng mRNA khác đang được nghiên cứu [ví dụ như cúm, bệnh dại].

Nhưng vẫn còn chưa chắc chắn việc liệu vaccine mRNA có thể đóng vai trò chống lại một số bệnh do vi khuẩn hay không.

Vaccine cũng có khả năng giúp giải quyết tình trạng kháng kháng sinh trên toàn cầu. Bà nghĩ sao về điều này?

Có một cơ hội tuyệt vời để giải quyết tình trạng kháng thuốc kháng sinh là ngăn ngừa bệnh tật ngay từ đầu. Vaccine cộng hợp phế cầu khuẩn là một ví dụ điển hình. Một số dữ liệu cho thấy sau khi được giới thiệu các loại vaccine này, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã giảm đi nhiều. Nguyên nhân là bởi khi ngăn ngừa được bệnh tật, bạn cũng không cần phải sử dụng thuốc kháng sinh và điều này làm chậm lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Nhưng ngay cả vaccine phòng ngừa các bệnh do virus cũng có khả năng chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Thông thường, khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhiều người vẫn được kê đơn thuốc kháng sinh vì họ không được xét nghiệm kỹ càng xem mầm bệnh thực tế là gì. Có rất nhiều người vẫn đang dùng thuốc kháng sinh một cách không phù hợp và bạn có thể giải quyết vấn đề này một cách gián tiếp bằng cách ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp. Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một ví dụ vì chúng rất phổ biến.

Vi Bùi (Lược dịch theo Nature)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện