Những túi thuốc chia sẵn như thế này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe với người sử dụng (ảnh VnExpress)
Cách xây dựng chế độ ăn hợp lý dựa trên nhãn dinh dưỡng
Thực phẩm nào có khả năng chống viêm?
Sự cố thu hồi sữa tiệt trùng nhiễm chất tẩy rửa tại Hàn Quốc
Podcast: Thực hư uống rượu giúp làm ấm người?
Tôi vẫn nhớ, ngày đó, trong đơn thuốc, vị giáo sư thường ghi viên tròn màu trắng thì uống thế này, viên nhộng màu vàng, màu đỏ, màu xanh thì uống thế kia, chẳng thấy ông ghi tên thuốc là gì. Mà ngày ấy, những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, hiệu thuốc chưa nhiều như bây giờ, mua luôn thuốc của bác sĩ khám cũng tiện. Vả lại cũng tin tưởng ở danh vị của bác sĩ nên chẳng hỏi ông cho cháu uống thuốc gì. Trẻ uống thuốc ông kê khỏi bệnh, chẳng thấy làm sao nên cũng lấy thế làm bình thường.
Nghĩ lại cũng thấy ngày ấy thật ấu trĩ ! Đúng là uống thuốc bằng niềm tin. Ngộ nhỡ có chuyện gì không hay xảy ra cho con cái thật là ân hận cả đời!
Mới đây, nhân đọc chia sẻ trên trang Fb của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, thấy bác sĩ Lân Hiếu khuyến cáo việc dùng thuốc mà không biết hay không đọc được tên thuốc, lại nhớ đến chuyện nhà mình ngày xưa. Xin nhắc lại khuyến cáo của bác sĩ Lân Hiếu để mọi người lưu tâm khi có bệnh phải uống thuốc.
Bác sĩ Lân Hiếu chia sẻ trên trang Fb cá nhân:
"Trước đây tôi đã từng nhắc đến việc các nhà thuốc và phòng khám tư khi bán thuốc thường lột bỏ bao bì để viên thuốc vào từng túi xanh, đỏ, tím, vàng. Khi về không cần biết loại gì cứ sáng, trưa, chiều, tối uống theo đánh dấu. Rất tiện lợi nhưng cũng vô cùng nguy hiểm vì ảnh hưởng đến chất lượng viên thuốc mất vỏ bao bảo quản giảm hiệu quả điều trị. Rất khó phân biệt đâu là thuốc bệnh đâu chỉ là thuốc bổ dẫn đến việc lạm dụng chỉ định, thu lợi trên sức khỏe và sự cả tin của người bệnh. Những nơi bán thuốc như vậy vừa trái luật pháp và trái lương tâm nên chắc chắn không là địa chỉ tin cậy để giao gửi sức khoẻ của người thân và bản thân mình.
Hiện nay những phòng khám nhà thuốc bán thuốc bóc rời từng viên cho vào túi ni lông đã giảm rất nhiều vì các phương tiện truyền thông cảnh báo cũng như việc siết chặt kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước. Vậy nhưng ngay cả giới bác sĩ vẫn có thói quen cắt rời từng viên để bệnh nhân không quên uống. Cho dù vẫn có bao bì để bảo đảm chất lượng nhưng tôi vẫn khuyến cáo không nên sử dụng vì 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, khi cắt rời khỏi vỉ chúng ta sẽ không đọc được tên thuốc in trên đó và quan trọng hơn cả là hạn sử dụng. Nhiều bệnh nhân khi hỏi đến thuốc đang dùng tôi phải xoay đi xoay lại, đoán mò lần ra tên thuốc từ vài chữ cái hay hàm lượng còn sót lại ở vỏ bọc viên thuốc đã cắt rời. Không rõ tên và hạn sử dụng bệnh nhân không để ý là xảy ra chuyện ngoài ý muốn ngay, hơn nữa câu hỏi về tính minh bạch lại đặt ra vì thuốc hết hạn bị cấm bán trong bất cứ hoàn cảnh nào!
Thứ hai, đối với nhiều trường hợp vô ý, khi thấy viên thuốc được cắt gọn gàng khỏi vỉ thuốc bệnh nhân uống luôn không bóc vỏ bọc. Nhiều bệnh viện đã phải nội soi gắp ra những viên thuốc còn nguyên vỏ bọc mắc trong thực quản hay dạ dày. Viên thuốc trong vỉ cắt ra với cạnh sắc nhọn, nếu nuốt phải thì thật đáng sợ, đúng là những trường hợp "dở khóc dở cười" mà chúng tôi vẫn phải gặp trên lâm sàng.
Kê đơn rõ ràng, hướng dẫn tỉ mỉ là trách nhiệm của nhân viên y tế. Cẩn thẩn tuân thủ nhưng cũng tỉnh táo trước những cơ sở thiếu chuyên nghiệp và đạo đức là những điều tôi xin chia sẻ với mọi người."
Xin cảm ơn bác sĩ Lân Hiếu, người thầy thuốc vừa có tầm vừa có tâm với người bệnh. Tôi nay không còn phải cho con uống thuốc mà sẽ nhắc con khi cho cháu uống thuốc và cả chính tôi nữa khi có bệnh uống thuốc luôn nhớ tới lời khuyên của ông.
Bình luận của bạn