Viêm khớp dạng thấp và nguy cơ ung thư
Cho con bú giúp ngừa viêm khớp dạng thấp
Tàn phế vì viêm khớp dạng thấp
Điều chỉnh sinh hoạt ở người viêm khớp dạng thấp
Bắt nguồn từ hệ miễn dịch
Theo các bác sỹ chuyên khoa xương khớp, viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm không đặc hiệu xảy ra ở các khớp gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn, diễn biến mạn tính dẫn đến tình trạng cứng, dính và biến dạng khớp. Viêm khớp dạng thấp có biểu hiện viêm khớp và sự có mặt của yếu tố dạng thấp trong máu.
Đây là bệnh tự miễn khá điển hình ở người, dưới dạng viêm mạn tính ở nhiều khớp ngoại biên với biểu hiện khá đặc trưng: Sưng, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng hai bên. Ngoài ra, còn có các biểu hiện toàn thân (mệt mỏi, xanh xao, sốt gầy sút…) và tổn thương các cơ quan khác trên cơ thể.
Viêm khớp dạng thấp gây ra biến dạng khớp, dính khớp
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Theo đánh giá của các bác sỹ chuyên khoa, một số tác nhân gây viêm khớp dạng thấp bao gồm: Virus, vi khuẩn, dị nguyên, các yếu tố như môi trường sống ẩm thấp, cơ thể suy yếu mệt mỏi, nhiễm lạnh, phẫu thuật... là những yếu tố thuận lợi để bệnh viêm khớp dạng thấp phát triển. Bên cạnh đó, bệnh này còn do yếu tố di truyền quy định. Nếu trong gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp thì tỷ lệ người có cùng huyết thống bị bệnh này rất cao.
Ngoài ra, thực tế thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa xương khớp cũng chỉ ra rằng, bệnh viêm khớp dạng thấp có liên quan rõ rệt đến giới tính (khoảng 80% bệnh nhân là nữ) và độ tuổi (có khoảng 70% người bệnh ở độ tuổi trên 30). Lý giải về điều này, PGS. TS Nguyễn Vĩnh Ngọc - Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Viêm khớp dạng thấp là bệnh xảy ra do rối loạn hệ thống miễn dịch. Ở phụ nữ, hệ miễn dịch hoàn thiện nhưng khá phức tạp. Trong quá trình mang thai và sinh con, hệ miễn dịch của chị em sẽ bị ảnh hưởng. Khi bước vào độ tuổi trung niên, các hormone nội tiết (đặc biệt là estrogen) suy giảm khiến phụ nữ dễ bị viêm khớp dạng thấp”.
Sống chung với bệnh
Bệnh viêm khớp dạng thấp thường khởi phát từ từ, tăng dần, chỉ khoảng 10 - 15% bệnh bắt đầu đột ngột và cấp tính. Trước khi có triệu chứng của khớp, bệnh nhân có thể có biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, ra nhiều mồ hôi, tê các đầu chi. Giai đoạn này kéo dài vài tuần đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.
Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh thường xuất hiện viêm đau nhiều khớp (nên còn gọi là bệnh viêm đa khớp dạng thấp). Trong đó hay gặp nhất là các khớp cổ tay, khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón, khớp gối, khớp cổ chân…
Đi bộ thường xuyên để phòng bệnh viêm khớp dạng thấp
Quá trình điều trị bệnh phải kiên trì, liên tục, thông thường là suốt cả cuộc đời người bệnh. Phải sử dụng kết hợp nhiều biện pháp điều trị như nội khoa, ngoại khoa, vật lý, chỉnh hình, phục hồi chức năng và tái giáo dục lao động, nghề nghiệp.
Việc điều trị bệnh cụ thể phải tuỳ thuộc vào từng giai đoạn tiến triển khác nhau của bệnh. Vì vậy để điều trị bệnh hiệu quả và an toàn, người bệnh nên đi khám chuyên khoa và cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định thuốc của bác sỹ.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Kiểm, Tổng đài Tư vấn Sức khỏe cộng đồng, “Để phòng bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý. Các thức ăn đưa vào cơ thể cần cân bằng giữa các vitamin, muối khoáng, vi chất… để nâng cao sức đề kháng, điều hòa hệ miễn dịch”.
Ngoài ra, người bị viêm khớp dạng thấp nên tập các bài tập thể dục cho bàn tay giúp duy trì sự mềm dẻo khớp cổ tay và ngón tay. Các bài tập cho chân giúp cho đứng vững và đi lại tốt hơn. Tập luyện thường xuyên với các bài tập đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội theo khả năng của mình để chống cứng khớp, dính khớp. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên cũng có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả, phòng ngừa bệnh tái phát và duy trì xương khớp khỏe mạnh.
Bình luận của bạn