Empty
Empty
Empty

Mỗi buổi sáng tôi đều đi bộ ra công viên gần nhà tôi, một nơi “rộng và xanh” với những lối đi bộ được rải bê tông sạch sẽ. Tôi luôn cảm thấy may mắn vì có một không gian đáng sống như thế. Nhưng rồi cảm giác may mắn chùng sâu xuống khi thấy những thùng rác hình “chim cánh cụt”. Cả một “ý thức” về môi trường và khí hậu bày ra trong những cái mồm tuyệt vọng của những chú chim tội nghiệp bằng thép gỉ. Không thể nào bắt những con chim này làm thùng chứa rác. Hay những người hoạt động môi trường thiết kế những thùng rác này để cảnh báo nguy cơ chim cánh cụt phải ăn rác nhựa và tuyệt chủng luôn?. Tôi lại liên tưởng đến hầu hết những cuốn sách mà tôi đang đọc gần đây do nhà xuất bản lừng danh “Chim cánh cụt” (Penguin) sản xuất. Cuốn mới nhất: “Nóng, phẳng và đông” (Hot, flat and crowded) của nhà báo Thomas Friedman. Không gì thích hợp hơn để đọc tác phẩm khi mà thế giới đang nóng lên, không phải vì chiến tranh, mà vì biến đổi khí hậu đã đi vào đường ranh đỏ, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cảnh báo tại Hội nghị về khí hậu toàn cầu COP28 (2023) tại Dubai mới đây.

Empty

Ở thời điểm sắp kết thúc năm 2023, điều tôi muốn nhất là nhìn lại hai năm dịch bệnh và càng nhìn lại càng thấy hạnh phúc khi còn sống khỏe đến hôm nay. Bạn chắc cũng có cảm nghĩ như tôi. Chúng ta hãy nhìn nhận rằng: Nhân loại chưa bao giờ giỏi hơn trong việc chống lại bệnh tật. Dường như chúng ta không còn quá sợ dịch bệnh. Nhưng chúng ta phải sợ một thứ mà chúng ta chịu đựng mỗi ngày nhưng ít quan tâm hoặc cố ý làm ngơ. Nó có tên là “Biến đổi khí hậu”. Khi truyền hình đưa hình ảnh hàng loạt căn nhà bên bờ sông Hậu sụp đổ xuống sông qua một đêm thôi, mọi người nghĩ ngay nguyên nhân là “những cơn sóng” theo kiểu bên lở bên bồi, và tai hại hơn chúng ta chỉ dừng lại đó, dừng lại ở suy nghĩ là nó chỉ làm hư hao vật chất, và nếu có chết người, thì chỉ là “nạn nhân” của một tai nạn không hơn không kém!

Empty

Ví dụ loài muỗi, loài giết chết nhiều người hơn bất kỳ sinh vật nào khác. Biến đổi khí hậu đã làm tăng các khu vực nóng hơn - nơi các loài muỗi nguy hiểm nhất, những loài mang mầm bệnh chết người, có thể sinh sản. Do những yếu tố đó, và cũng do sự tiến hóa nhanh chóng của muỗi, số ca tử vong do sốt rét một lần nữa lại gia tăng. Việt Nam chúng ta, một nước đang phát triển, đang chiến đấu với nhiều loại bệnh do muỗi sinh ra.

Biến đổi khí hậu tất nhiên không chỉ gây ra nắng nóng và muỗi. Hầu như tất cả mọi thứ như cháy rừng, lũ lụt, lở đất, sóng thần… đều do biến đổi khí hậu. Nhưng con người chúng ta thường quên rằng chính chúng ta - con người khôn ngoan (homo sapiens) là thủ phạm gây ra biến đổi khí hậu cực đoan nhất. Chúng ta thở để sống. Nhưng không khí mà chúng ta thở thì ngày càng nhiễm độc. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn hai tỷ người đã phải tiếp xúc với ít nhất một ngày ô nhiễm không khí.

Thế mà, mỗi sáng tôi đều đi qua một con đường mới trong khu cư dân mới, với những con đường rợp bóng mát. Tất cả gần như hoàn hảo, nhưng khói bỗng dưng từ đâu bay đến, không kịp bịt mũi và tôi bắt đầu ho… Những người bảo vệ đốt rác vô tư từ một con đường nội bộ vắng mà không hề quan tâm liệu khói họ gây ra có làm người đi đường như tôi bị ho không?

Sự quan tâm đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu dường như không phải là của từng cá nhân, từng tổ chức, thậm chí từng quốc gia… và chính đây là nguyên nhân khiến cõi sống của chúng ta ngày càng tồi tệ.

Empty

Một thế giới nóng lên cũng đang tạo ra những căn bệnh và cách thức mới để con người mắc bệnh. Nhưng mọi người không bị ảnh hưởng như nhau bởi những thay đổi này. Những nhóm người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tất nhiên. Người nghèo luôn sống trong lo sợ, không phải chỉ vì không có tiền, mà vì khí hậu và thời tiết luôn đe dọa họ và, tất nhiên, sức khỏe tinh thần ngày càng suy sụp. Hãy đọc vài mẩu tin báo chí dưới đây:

“Khoảng 2h ngày 18/7/2023 tại đoạn đường dọc bờ sông Bến Bạ (phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), ngay cạnh điểm thi công đóng cọc cầu Bến Bạ, nhánh 2, dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang (thuộc dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Chị Lê Thị Duyên (48 tuổi) cho biết, đang nửa đêm thì nghe tiếng động mạnh và rung lắc, cả nhà thức dậy ra xem thì khu vực trước nhà đã chìm xuống sông nước. Gia đình chị cảm thấy lo lắng vì mỗi ngày càng sạt lở lấn vào nhà. Chị Lê Thị Hồng Mai (47 tuổi), một trong các hộ dân bị ảnh hưởng nặng kể lại: “Nửa đêm thì nghe tiếng răng rắc, cả nhà tui thức dậy xem thì quán cà phê đổ sụp xuống sông, kéo theo cả đoạn đường phía trước các hộ lân cận. May là đêm đó tôi lên nhà mẹ ngủ, chứ ngủ dưới quán thì không biết sao nữa. Tôi bị khuyết tật bẩm sinh ở chân nên đi tới lui không được, chỉ ngồi một chỗ bán cà phê, bây giờ quán cà phê đã bị chìm nên nguồn thu nhập của tôi cũng không còn” (báo Công lý 27/11/2023).

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong năm 2017 làm 71 người chết và mất tích; 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi; 13.246 hộ đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất”.

Theo báo Vietnamplus.vn, tối 7/10/2023, cháu Hoàng Thùy Trang tới nhà bác ở cùng thôn chơi, đến khoảng 19 giờ 50 phút, khi cháu Trang đang tập múa thì bất ngờ ta luy sụp và cháu không còn nữa.

Quá nhiều cái chết do thời tiết thay đổi bất ngờ như vậy. Nhưng không có thống kê nào nói rõ những nạn nhân của thiên tai bão lũ là ai, là nghèo hay giàu. Nếu có, chắc chắn 100% họ là người nghèo, ở tận núi cao, hẻm sâu như bé Trang. Hoặc nếu ở thành thị, thì ở ven sông thường sạt lở bờ, không có tiền làm kè kiên cố… Những cá nhân nghèo, những cộng đồng nghèo, những xóm thôn nghèo, thành phố nghèo, quốc gia nghèo, nói chung là nghèo khổ là nạn nhân đầu tiên và trực tiếp của biến đổi khí hậu. Ngày xưa vậy, thời nay càng vậy!

Khí hậu biến đổi, nhưng bất công thu nhập không đổi, thậm chí còn tệ hơn trong thế kỷ 21. Tôi muốn viết lên vài thí dụ tại đất nước Việt Nam của tôi, một quốc gia đang phát triển, trong niềm tin rằng, đó là “điển hình” cho các quốc gia đang phát triển khác. Sống trong lo sợ vì thời tiết thất thường, ngoài vật chất, sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe tinh thần, mà WHO đang cảnh báo là “ưu tiên” số 1 về sức khỏe con người hiện nay.

Trong một báo cáo, Liên Hợp Quốc cho biết các nước giàu đã giảm số tiền cam kết giúp các nước đang phát triển đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, ngay cả khi nhu cầu chi tiêu đó tăng lên. Viện trợ cho việc thích ứng với khí hậu đã giảm xuống còn 21 tỷ USD vào năm 2021, năm gần nhất có dữ liệu toàn diện, giảm 15% so với năm 2020. Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi COP28 tại Dubai lần này (2023) một trong những chủ đề chính là “Money talks”, đại ý: có tiền mới nói chuyện giải quyết biến đổi khí hậu. Ai có tiền nếu không phải là những người giàu, những quốc gia giàu?

Empty

Hãy nói thẳng: Không thể chống lại biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc nếu không có sự phân phối lại của cải một cách sâu sắc, cả trong các quốc gia và quốc tế. Chống biến đổi khí hậu là vô phương, khi mà phân chia thu nhập còn quá bất công. Các sự kiện và số liệu rất cứng đầu. Các tỷ phú trên thế giới đã tiếp tục thăng tiến kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 và trong thời kỳ COVID-19 và đã đạt đến mức độ chưa từng có. Bản “Báo cáo Bất bình đẳng Toàn cầu” năm 2022 đã chỉ ra: 0,1% dân số giàu nhất thế giới hiện sở hữu khoảng 80.000 tỷ euro tài sản tài chính và bất động sản, tương đương hơn 19% tài sản của thế giới (tương đương với một năm GDP toàn cầu). Tỷ lệ tài sản trên thế giới do 10% người giàu nhất nắm giữ chiếm 77% tổng tài sản, so với chỉ 2% của 50% người nghèo nhất. Ở châu Âu, nơi mà giới tinh hoa kinh tế muốn coi là thiên đường của sự bình đẳng, tỷ trọng của 10% người giàu nhất là 61% tổng tài sản, so với 4% của 50% người nghèo nhất. (Số liệu do Thomas Piketty cập nhật cho đến tháng 11/2022).

Nói đơn giản, nếu các quốc gia giàu nhất tận dụng nhiều nhất tài nguyên trái đất để làm giàu, thì những người giàu nhất cũng vậy. Ngay cả một tỉ phú công nghệ khi làm giàu nhờ Bitcoin cũng là người xài nhiều nhất nguồn điện năng và nước.

 

Empty

Sự châm biếm của báo “Củ hành” được thể hiện dưới dạng tranh biếm họa tạo thành động cơ quan trọng nhất nâng cao mức sống trên khắp hành tinh trong ba thập kỷ qua - mối quan hệ mật thiết giữa người tiêu dùng Mỹ với người tiết kiệm và nhà sản xuất Trung Quốc. Về cốt lõi, động cơ tăng trưởng Trung-Mỹ hoạt động như thế này: Chúng tôi ở Mỹ ngày càng xây dựng nhiều cửa hàng hơn, để bán ngày càng nhiều hàng hóa, sản xuất tại ngày càng nhiều nhà máy hơn ở Trung Quốc, sử dụng ngày càng nhiều than, và tất cả doanh số đó tạo ra nhiều đô la hơn, thứ mà Trung Quốc sử dụng để mua ngày càng nhiều trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, cho phép Cục Dự trữ Liên bang cấp tín dụng ngày càng dễ dàng hơn cho ngày càng nhiều ngân hàng, người tiêu dùng và doanh nghiệp để ngày càng nhiều người Mỹ có thể mua ngày càng nhiều nhà, và tất cả những vụ mua bán đó đã khiến giá nhà ngày càng cao hơn, khiến ngày càng nhiều người Mỹ cảm thấy họ ngày càng có nhiều tiền hơn để mua ngày càng nhiều đồ đạc được sản xuất tại ngày càng nhiều nhà máy Trung Quốc - những nhà máy này ngày càng sử dụng nhiều năng lượng cung cấp bởi các nhà máy điện ở Trung Quốc.”

Câu chuyện trên được trích từ cuốn “Nóng, phẳng và đông đúc” (Hot, flat and crowded” của nhà báo Thomas Friedman (tác giả của cuốn sách nổi tiếng về toàn cầu hóa: “Thế giới phẳng”), cho thấy cái vòng luẩn quẩn của bệnh tiêu thụ vô độ của không những người Mỹ, mà còn cả chúng ta, tôi và các bạn đang đọc bài báo này, cuối cùng chỉ phát thải khí nhà kính (CO2) nhiều hơn, làm “khuôn mặt” của trái đất ngày càng khủng khiếp, trở nên vô phương cứu chữa.

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel gốc Ấn Độ Amartya Sen từng lên tiếng cảnh báo tình trạng đói nghèo không bao giờ giảm khi mà tốc độ tàn phá thiên nhiên do các nước giàu gây ra ngày càng thảm khốc. Mặc dù chủ trương phát triển, nhưng Amartya Sen cho rằng, “tăng trưởng kinh tế mà không đầu tư vào phát triển con người là không bền vững – và phi đạo đức. Nghèo đói không phải vì thiếu tiền mà vì không có khả năng phát huy các tiềm năng.” Trong những tiềm năng đó có tiềm năng “chống lại những cơn đói, rét và nóng chết người…”

Empty

Thách thức của biến đổi khí hậu hiện nay không phải là thách thức với tự nhiên nữa, vì điều tệ nhất của thảm họa gần như đã xảy ra rồi, trên khắp hành tinh, nơi thì nắng nóng, nơi thì lũ lụt, nơi thì động đất, nơi thì cháy rừng, nơi thì tan băng, nơi thì giông bão. Chính vì vậy mà, như Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh trong phát biểu của ông tại COP28, đó là thách thức của khoảng cách giữa nói và làm. “Sau 14 năm, chúng ta vẫn chưa đạt được cam kết 100 tỷ USD mỗi năm cho các hành động về biến đổi khí hậu. Vì vậy việc đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện.” Ông kêu gọi tất cả các bên, song phương, đa phương, công và tư, cùng chung tay hành động. Nếu không, chuyến tàu tiếp theo sẽ không bao giờ đến!

Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng những thách thức liên quan đến sức khỏe do biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, nhưng lại ít được chú ý. “Thời gian không chờ đợi. Khó khăn, thách thức ngày càng nhiều, phức tạp và khó lường hơn. Vì vậy, chúng ta đã đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã hành động rồi thì phải hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng nhiều hơn nữa; vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại, vì sự mát lành của Trái đất…”

Vâng, vì sự mát lành của Trái đất!

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường