Đầu năm nói chuyện sức khỏe: Sức khỏe là gì?

Sức khỏe là sự an tâm hài hòa về 5 yếu tố: thể xác, tinh thần, môi trường, gia đình và tâm linh (Ảnh minh họa)

Trà xanh có lợi gì với người bệnh đái tháo đường type 2?

5 vấn đề sức khỏe ảnh hưởng tới đời sống tình dục của bạn

Kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân gồm những gì?

Nghiện game ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần thế nào?

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa: “Sức khoẻ là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật”. Theo định nghĩa này, ba yếu tố chủ yếu của sức khoẻ gồm thể chất, tinh thần và xã hội. Nhưng các yếu tố này phải “thoải mái hoàn toàn”, tức từng yếu tố và tất cả cùng lúc phải được như thế. Để hiểu về các yếu tố này thì nên hiểu thế nào là “thể chất” trước đã!
Đương nhiên không thể hiểu một cách thô thiển rằng, thể chất là thể lực, tức là cái “lực” của cơ thể. Người mạnh về cơ bắp chăng? Vậy thì người lớn bao giờ cũng khoẻ hơn con nít, đàn ông hơn đàn bà? Có thể hiểu thế này chăng: “thể chất” là chất lượng của cơ thể hoặc thể xác? Có lẽ cách hiểu này đúng ý Tổ chức Y tế Thế giới đây!? Vậy thì đúng rồi, thể chất không phải chỉ là các số đo về cân nặng, chiều cao, vòng ngực, vòng mông.... Nếu thế thì các hoa hậu, người mẫu, rất suy dinh dưỡng một cách đáng thương ấy, luôn khoẻ hơn cánh đàn ông lực lưỡng ư? Mới qua qua như vậy thì nhiều bạn đã tự an ủi được là ta hình như cũng có sức khoẻ rồi? Nhưng đừng vội mừng. Hãy xem tiếp hai yếu tố còn lại của sức khoẻ bạn, là tinh thần và xã hội có... “thoải mái hoàn toàn” không đã.
Khỏe về thể chất là một chuyện, bạn có thực sự thoải mái hoàn toàn về tinh thần mới đáp ứng được định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới (ảnh minh họa)
Bạn có luôn được vui vẻ và tránh được các stress, tức căng thẳng thần kinh, luôn xảy ra không? Bạn có bằng lòng với địa vị và không ghen tỵ, đố kỵ với người ngang hoặc hơn mình chứ? Được như thế thì bạn là người rất hạnh phúc rồi. Xem ra, cách định nghĩa “sức khoẻ là gì” đâu cần hàn lâm, rắc rối như thế, mà chỉ cần đơn giản, nôm na rằng “sức khoẻ là hạnh phúc”!? Nhưng... đời là bể khổ. Cái vui, cái sướng, cái bằng lòng ở đời chỉ là ngắn ngủi một lúc, từng khúc mà thôi. Bản năng của con người vốn vẫn là "cái thùng không đáy", rất khó... "thoải mái hoàn toàn" về xã hội như: muốn có địa vị cao, kiếm được nhiều tiền,...!? Vậy thì than ôi, toàn bộ loài người, ai đã có sức khoẻ như định nghĩa của y tế thế giới chứ? 
Tiếng Anh viết Bộ Y tế là Ministry of Health, dịch ra là Bộ Sức khỏe. Người Trung Quốc lại gọi là Vệ sinh Bộ. Trong từ “vệ sinh”, chữ “vệ” có nghĩa “bảo vệ”, còn chữ “sinh” là sinh mạng, sinh lực, sức khoẻ. Hay nói cách khác: “Vệ sinh là Sức khoẻ”! Tất nhiên, vệ sinh ở đây là theo nghĩa rộng, chứ không phải chỉ là sạch sẽ hay là... “đi vệ sinh”? Tất cả những gì nhằm bảo vệ, nâng cao sức khoẻ đều thuộc khoa học vệ sinh. Chẳng hạn như: Vận động viên muốn có thành tích cao phải giữ tinh thần thăng bằng, không thức khuya, ăn uống hợp lý, tập luyện nâng cao phù hợp,... đều là các phương pháp vệ sinh. Cái khó ở chỗ, hiếm người biết rộng để  thực hành vệ sinh tốt hoặc .... “lời nói đi đôi với việc làm”!?
Người Nhật Bản coi: “Sức khoẻ là có đủ 5 cái nhanh: ăn nhanh, nói nhanh, ngủ nhanh, phản xạ nhanh và bài tiết nhanh”. Ăn nhanh có nghĩa là đang ngon miệng, tiêu hoá được, phản ánh rằng bụng không khó tiêu, ậm ạch cho nên... ăn tốt. Nói nhanh chứng tỏ thần kinh thăng bằng, xử lý thông tin trong đầu ra đến miệng trôi chảy. Ngủ nhanh là vì không có bệnh hành hạ, vô tư mới được thế. Phản xạ nhanh tức là cơ bắp, thần kinh phối hợp hài hoà mới trở tay đúng lúc, kịp thời. Bài tiết nhanh chứng minh “đầu vào” và “đầu ra” hợp lý, được... "dồn toa" trôi chảy. Nhưng vị nào có đủ cả “năm nhanh” đây!?
Sức khỏe là sự thoải mái cả về thể xác và tinh thần theo Triết học Phương Đông nhưng mấy ai được như vậy (ảnh minh họa)
Triết học Phương Đông lại định nghĩa: "Sức khoẻ là sự thoải mái cả về thể xác và tinh thần". Sự thoải mái ở đây được hiểu là sự dễ chịu trong thân xác và sự chấp nhận được những gì hiện có để không bị vương vấn bởi các tình cảm thái quá như: lo, sợ, buồn, thương, giận, mừng và vui quá độ. Có lẽ thế là đủ. Nhưng “thánh” như thế... được mấy người?
Trong dân gian Việt Nam, có người cho rằng: "Sức khoẻ là sự thoải mái của tất cả các lỗ tự nhiên trên cơ thể con người". Đúng là bảy “lỗ” trên đầu mặt, gồm hai mắt, hai mũi, hai tai và “tiền môn”, chỗ nào có vấn đề đều gây... mất thoả mái? Các lỗ bên dưới dùng cho chức năng bài tiết (đại tiện, trung tiện, tiểu tiện) và cho sứ mệnh “bảo tồn dòng, giống” mà bí, tắc thì cũng... sinh chuyện? Riêng hai lỗ ty, của đàn ông thì vô dụng, nhưng phụ nữ còn dùng để nuôi con. Ngoài các “lỗ đại” kể trên, các lỗ chân lông li ti, có chức năng điều tiết thân nhiệt, miễn dịch,... thì vô số. Có ai dám nhận mình không “có chuyện” với một vài “lỗ” chăng? 
Xem ra, cả 5 định nghĩa trên đều căn cứ vào điều kiện hoặc triệu chứng của một cá thể chỉ trong thời điểm thực tại. Thế thì, chỉ mấy bác nông dân, đều đều mỗi bữa ba bát, nói ít và nhanh, tranh thủ đi làm, ngày cuốc ngoài ruộng, tối “cày” trên giường, sáng ra vệ sinh sạch sẽ... chắc chắn là khoẻ, mà khỏi cần phải có chức tước cho to để rồi luôn gặp rắc rối, đau đầu, đắn đo, lo nghĩ? Lẽ đời, thiếu cái gì mới quý thứ ấy. Có thế, người ta mới ví... "sức khoẻ quý hơn vàng"!? 
Tôi xin đề xuất thêm một định nghĩa, bổ sung cho định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới như sau: “Sức khỏe là sự  an tâm hài hòa về 5 yếu tố: thể xác, tinh thần, môi trường, gia đình và tâm linh”. Tại sao? Tại vì, định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới đề cập cả 3 yếu tố sức khỏe một cách tuyệt đối hóa là… “thoải mái hoàn toàn”, nhưng chỉ là cảm giác chủ quan trong hiện tại. Còn môi trường (các loại), gia đình và tâm linh, là 3 yếu tố bao gồm các nguyên nhân của cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Theo định nghĩa này thì sức khỏe là kết quả của nhân - quả. Tâm an thì tự nhiên sống khỏe, sống dai, sống hài hòa một cách hồn nhiên, có trách nhiệm?
Bác sỹ, chữa khỏi bệnh thực thể mà chưa an tâm cho người bệnh thì làm sao gọi là cho họ sức khỏe; không hỏi han, khuyên nhủ, động viên con bệnh thì đúng rồi… bác sỹ Thú – y.


Chí Thiện H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa