Đậu nành - lành mà quý



Theo Đông y, đậu nành hay đỗ tương (tên khoa học Glycine max) có tên Hán Việt là Hoàng đại đậu - một loại đậu quý. Trong sách Trung y viết: Đậu tương (đậu nành) tính bình, vị ngọt, lợi thủy hạ khí, tránh được nóng lạnh, giải nhiều loại độc. Xuân Thu hai mùa dùng đậu tương giúp điều hòa âm dương, Hè phòng cảm nắng, giải khát, Đông giúp giữ ấm dạ dày, bổ dưỡng. Vì vậy, nó là một loại "dược thực lưỡng dụng”, nghĩa là có thể sử dụng làm thực phẩm và đồng thời dùng làm thuốc. Vào thời xưa, các ngự y thường sử dụng đậu tương để chế ra các loại thuốc bổ và món ăn làm tăng vẻ đẹp cho hoàng hậu và cung phi ở trong cung đình.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, hàm lượng protein trong sữa đậu nành rất cao, có đủ cả 8 loại acid amin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, rất có ích cho việc bồi bổ sức khoẻ, tăng cường sức lực, trí tuệ. Uống sữa đậu nành có thể dự phòng bệnh mất trí nhớ tuổi già hoặc chứng hen suyễn. Đối với bệnh nhân thiếu máu, đậu tương còn tốt hơn sữa bò nhờ khả năng nâng cao sức đề kháng, giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng sức khỏe. Những người trẻ tuổi dùng các sản phẩm đậu tương chế biến hàng ngày sẽ tránh được mụn nhọt, nổi mề đay, giữ được làn da luôn tươi trẻ. Đậu nành còn hỗ trợ điều trị căn bệnh tim mạch – vốn đang tăng rất nhanh hiện nay.


6 lưu ý sử dụng


Để tận dụng hết những tính năng ưu việt của sữa đậu nành, tránh những sơ suất làm giảm hiệu quả sử dụng và có khi có hại cho sức khỏe, khi dùng sữa đậu nành nên chú ý 6 điểm sau:


1.Trước và sau khi uống sữa đậu nành khoảng 1 giờ, không nên ăn cam, quýt, vì chất acid và vitamin trong cam, quýt tác dụng lên các protein trong sữa đậu nành và kết thành khối ở ruột non, làm ảnh hưởng đến tiêu hóa, có thể gây ra đầy bụng, đau bụng hoặc tiêu chảy.
2.Tránh uống sữa đậu nành trong khi đang đói, tốt nhất là uống sữa đậu nành sau bữa ăn ăn sáng.
3. Nên uống sữa đậu nành điều độ, uống quá nhiều dễ sinh đầy hơi, đi ngoài.
4. Không được om sữa đậu nành lâu trong nồi nấu hoặc trong phích giữ nhiệt vì sẽ làm sữa biến chất, gây ra nhiều tác hại cho người dùng.
5. Không nên uống đậu nành cùng các loại thuốc, một số loại thuốc có thể triệt tiêu chất dinh dưỡng có trong đậu tương, nhất là các loại kháng sinh.
6. Các bệnh nhân bị đau dạ dày, chức năng thận kém, sỏi thận, gout cũng không nên dùng đậu tương.


Đậu nành có thể được chế biến thành các dạng thực phẩm phong phú như đậu rang, đậu phụ hay sữa đậu uống. Sữa đậu nành có nhiều tác dụng dinh dưỡng và phòng chống nhiều bệnh tật, nhất là cho người già, trẻ em, những người thừa cân. Nó có tác dụng giảm huyết áp, giảm lượng cholesterol trong máu, ngăn ngừa khả năng xơ cứng động mạch và tốt cho tim mạch. Đặc biệt là trong sữa đậu nành có nhiều acid béo không bão hòa có tác dụng không cho mỡ đóng tầng trong cơ thể và làm cho da dẻ hồng hào, tăng lượng vitamin B1 làm căng da mặt.

Vị thuốc natto



Natto thực chất là những hạt đậu nành được luộc chín, ủ với rơm rạ cho lên men. Natto là món ăn được người Nhật thực sự yêu thích. Trung bình mỗi năm, một người Nhật tiêu thụ khoảng 2kg natto. Và theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, natto là vị thuốc trường thọ của những người dân xứ sở mặt trời mọc này.

Y tịch cổ ghi lại rằng, đậu nành lên men – natto là “thuốc chữa bệnh” khá hiệu nghiệm. Những bệnh nhân đau dạ dày hay bị cúm chỉ dùng natto một vài ngày là căn bệnh đã thuyên giảm hẳn. Những phụ nữ chuẩn bị sinh con cũng được ăn natto nhiều hơn. Do đó, đưa trẻ khi sinh ra khỏe mạnh hơn và ít mắc bệnh hơn. Hơn thế nữa, người ta còn dùng natto để phòng chống lại bệnh tả, thương hàn, kiết lỵ… cho những vùng có nguy cơ mắc bệnh cao và những người thường xuyên phải đi lại buôn bán giữa các vùng.

Cho đến nay, natto cũng đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới chứng minh công dụng bằng nhiều nghiên cứu có đối chứng. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng natto có khả năng giúp làm tan các cục máu đông, hỗ trợ điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến, hỗ trợ điều trị bệnh loãng xương và giúp chị em phụ nữ làm đẹp....

Mầm đậu nành


Ở người lớn tuổi, mầm đậu nành có thể bảo vệ khả năng nhận thức, chống lại chứng loãng xương hay giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, chống lại một số thay đổi bất thường của tuổi tác. Một chế độ ăn với mầm đậu nành có thể giúp làm ổn định huyết áp và giảm các khó chịu của thời kỳ mãn kinh mà không kèm với các tác dụng phụ.

Nhiều nghiên cứu đã nhận thấy isoflavone trong mầm đậu nành có tác động tích cực đến mô xương, giúp gia tăng hấp thu calci vào xương và ngăn quá trình loãng xương, từ đó làm giảm nguy cơ gãy xương. Đặc biệt, tác dụng này không chỉ tốt với nữ giới mà còn dành cho cả những quý ông có nguy cơ loãng xương.

Với nam giới, sử dụng mầm đậu nành hay những chế phẩm từ mầm đậu nành có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến hay ngăn chặn khả năng di căn của loại ung thư này (tác dụng này vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi, nhưng số bệnh nhân sử dụng có hiệu quả đang nhiều hơn). Với nam giới, cũng có một tác dụng nữa là chống hói đầu, nhất là với người cao tuổi.
Bác sỹ Trần Trí Tiến
Phó trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín





anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất