Dễ bị cảm lạnh vì những thói quen hàng ngày

Cắn móng tay có thể khiến bạn bị cảm lạnh thường xuyên, nhiễm trùng lặp đi lặp lại..

Mang thai vào mùa Đông, bà bầu cần lưu ý gì?

Mách bạn cách phòng bệnh cảm cúm mùa lạnh

Dự báo thời tiết: Miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường

Nguy cơ sức khỏe từ máy tạo độ ẩm trong mùa Đông

Cảm lạnh (còn được gọi là cảm, viêm mũi họng, sổ mũi cấp) là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở đường hô hấp trên. Có hơn 200 chủng virus có liên quan đến nguyên nhân gây cảm lạnh. May mắn là cảm lạnh không gây tử vong, không để lại các biến chứng nghiêm trọng (thường tự khỏi sau 7-10 ngày), tuy nhiên những triệu chứng như ho, hắt hơi, đau họng, đau đầu… có thể cản trở hoạt động hàng ngày của người bệnh.

Dưới đây là những thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng lại làm tăng nguy cơ cảm lạnh thông thường:

Rửa tay không đúng cách

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), rửa tay là một trong những nguyên tắc cơ bản để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm phổ biến như cảm lạnh. Nếu không đảm bảo vệ sinh tay, khi dùng tay chạm vào miệng và mũi nhiều lần trong ngày sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập trực tiếp vào cơ thể qua các màng nhầy tại vị trí này.

Cha mẹ hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách để ngăn ngừa cảm lạnh

CDC khuyến khích bạn nên rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay có cồn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi xì mũi, sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc bất cứ khi nào bạn thấy tay bẩn. Thời gian rửa tay tối thiểu là 30 giây. Đặc biệt không được cắn móng tay.

Lười vận động

Việc tập luyện không chỉ giúp bạn kiểm soát cân nặng, thư giãn mà còn cải thiện khả năng miễn dịch và các chức năng khác của cơ thể. Không cần đến phòng tập, bạn chỉ cần dành ra khoảng 20 phút/ngày và 5 ngày/tuần cho việc đi bộ cũng có thể cải thiện chức năng của các tế bào bạch cầu, giúp chống lại nhiễm trùng hoặc các tác nhân gây hại cho cơ thể. Và theo chuyên gia, điều này cũng sẽ hỗ trợ ngăn ngừa cảm lạnh thông thường ở một mức độ nhất định.

Để chân lạnh

Bàn chân là một trong những bộ phận nhạy cảm và dễ gây ra các vấn đề sức khỏe nếu bị nhiễm lạnh. Nghiên cứu cho thấy, bàn chân bị nhiễm lạnh là tác nhân khiến mầm bệnh cảm lạnh dễ tấn công cơ thể. Điều này là do nhiệt độ bàn chân giảm, thân nhiệt cũng giảm, sức đề kháng chống lại virus cũng sẽ bị suy giảm theo.

Bàn chân còn được gọi là "lá phổi thứ 2" của cơ thể

Vì vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên đi tất và giữ ấm bàn chân trong mùa lạnh để bảo vệ sức khỏe.

Uống rượu/hút thuốc lá

Uống rượu và hút thuốc lá đều có hại cho sức khỏe. Trong đó, những người hút thuốc có nhiều nguy cơ bị cảm lạnh hơn do hệ hô hấp bị tổn thương. Còn việc uống quá nhiều rượu được các chuyên gia cho rằng là ức chế miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và mắc nhiều bệnh, trong đó có cảm lạnh.

Ngủ không đủ giấc

Mất ngủ, ngủ không ngủ giấc và chất lượng giấc ngủ kém đều có thể làm giảm khả năng miễn dịch, từ đó khiến bạn dễ bị cảm lạnh. Cụ thể, việc thiếu ngủ dẫn đến giảm các tế bào tiêu diệt tự nhiên và ức chế sản xuất interleukin 2 - một protein quản lý hoạt động của bạch cầu. Chuyên gia khuyên bạn nên ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh.

Căng thẳng

Một số thử nghiệm cho thấy căng thẳng khiến hoạt động của hệ thống miễn dịch bị gián đoạn, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả cảm lạnh. Tránh căng thẳng bằng cách tập thiền, chế độ ăn uống giàu vitamin (D, B, magne, acid béo omega-3…), nghe nhạc…

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn uống và nguy cơ mắc cảm lạnh có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ví như việc ăn chất béo bão hòa, thực phẩm chứa nhiều đường... có thể làm giảm khả năng tiêu diệt virus của bạch cầu, suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc cảm lạnh. Thay vào đó, các loại thực phẩm giàu vitamin, kẽm, sắt, calci, acid folic và acid béo omega-3... sẽ có tác dụng thúc cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho các tế bào miễn dịch.

Đồng thời, việc uống đủ nước sẽ tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể bằng cách đào thải độc tố, tăng sản xuất bạch huyết, tạo độ ẩm cho mắt và miệng, nâng cao chất lượng giấc ngủ... Bạn nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.

Thường xuyên tới nơi đông người

Những nơi đông đúc như trung tâm thương mại, rạp chiếu phim… sẽ tạo điều kiện cho virus lây truyền. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên hạn chế lui tới những nơi đông người nếu bị cảm lạnh thường xuyên, nhiễm trùng lặp đi lặp lại… Trong khi đến bệnh viện khám, bạn cũng cần đảm bảo vệ sinh tay và đeo khẩu trang để che miệng, mũi.

Phạm Quỳnh H+ (Theo Boldsky)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp