Gợi ý những lễ hội miền Bắc nên đi sau Tết

Ở miền Bắc có nhiều lễ hội văn hoá diễn ra ngay sau Tết, cho bạn những chuyến du xuân ý nghĩa

Du xuân đừng quên kiến thức sơ cứu đúng cách

Rực rỡ du xuân

Lễ hội chém lợn: Tục lệ đẹp hay tàn bạo và độc ác?

Lễ hội Katé năm 2014 của đồng bào Chăm ở Bình Thuận

Tưng bừng Lễ hội nghinh Ông Nam Hải

Mùng 1 Tết, xuất hành hướng nào để đón tài lộc?

Lễ hội chùa Hương, Hà Nội

Lễ hội Chùa Hương thường được khai hội vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội đông và kéo dài nhất cả nước. Đến đây, du khách không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.

Năm nay, để tránh tình trạng “chặt chém” du khách, Ban tổ chức lễ hội yêu cầu các chủ cửa hàng niêm yết giá. Trên dọc suối Yến, ban tổ chức treo nhiều pano khuyến cáo khách hàng nên hỏi giá trước khi mua. Ngoài ra, ngay trước khi lễ hội diễn ra, công an huyện đã có buổi làm việc với các cơ sở kinh doanh tại lễ hội chùa Hương. Tại đây, các chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh đã ký bản cam kết không tăng giá quá cao, “chặt chém” giá cả du khách. 

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Hà Nam

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội, có lịch sử diễn ra từ thế kỷ X trên quê hương vua Lê Đại Hành và được khôi phục sau nhiều năm thất truyền.Theo kế hoạch, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2015 dự kiến tổ chức trong 3, từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng tại khu vực chùa Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với nhiều hoạt động của cả 2 phần lễ và phần hội.

Ngày mồng 5 tháng Giêng: Lễ Cáo Yết  xin Thành Hoàng làng cho mở Lễ hội tại đình làng Đọi Tam.

Ngày mồng 6 tháng Giêng: Lễ rước nước từ giếng Đền Thánh Cả về Đàn tế Thần Nông; Lễ Sái Tịnh và Lễ cầu an trên chùa Đọi Tam; Khai mạc hội thi vẽ, trang trí trâu, tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật…

Ngày mồng 7 tháng Giêng: Tại làng Đọi Tam sẽ diễn ra Lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu thành hoàng và kiệu tổ nghề trống về đến sân lễ Tịch điền.

Lễ hội Lồng Tồng, Thái Nguyên

Lễ hội Lồng Tồng (Hội xuống đồng) là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên. Lễ hội được tổ chức hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra trong 2 ngày, mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng âm lịch, tại sân Lễ hội ở xóm Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Phần lễ sẽ gồm các hoạt động: Dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Đèo De; đánh trống khai hội; Lễ cầu mùa của dân tộc Tày và của dân tộc Sán Chay; Lễ cầu phúc của dân tộc Dao; Lễ Tịch điền... Phần hội gồm các hoạt động như: Cắm trại, thi giã bánh dày, thi cấy, tung còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, giao lưu thể thao, triển lãm ảnh, giao lưu dân ca dân tộc, lửa trại, các trò chơi dân gian và đêm lửa trại.

Hội xuân Yên Tử, Quảng Ninh

Lễ hội Yên Tử được tổ chức vào ngày 10/1 âm lịch hằng năm tại huyện Uông Bí, Quảng Ninh. Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. Hằng năm, tới dịp lễ hội, du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) từ sáng sớm, để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng. Tại lễ hội, ngoài những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an còn có các tiệt mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử…

Lễ hội đền Trần, Nam Định

Năm nay, lễ hội được tổ chức trong 6 ngày, từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng. Lễ khai ấn diễn ra đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng tại đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). Đây là một tục lệ bắt nguồn từ xa xưa tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường xưa) với mong muốn cầu mong cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Mọi người tham dự lễ hội đều mong muốn xin được ấn để cả năm được may mắn, thành công.

Lễ hội Lim, Bắc Ninh

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.

Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng. Các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bề, dưới bến.

Ngoài ra, có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm...

Lễ hội Bà chúa Kho, Bắc Ninh

Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14/1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa "cầu tài phát lộc". Lễ hội này thu hút nhiều người kinh doanh, buôn bán tới tham dự. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam.

Đồng Thảo H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa