Đột phá: Nghiên cứu tìm ra "chìa khóa" ngăn chặn ung thư di căn

Gene Gstt1 liên quan một cơ chế tạo điều kiện cho tế bào ung thư di căn - Ảnh: Technology Network.

Nỗ lực của người mẹ ung thư di căn sinh 2 con khỏe mạnh

Podcast: Sinh thiết có khiến tế bào ung thư di căn không?

Theranostic - Niềm hy vọng cho những bệnh nhân ung thư di căn

Phòng ngừa ung thư di căn xương bằng thảo dược có hiệu quả không?

Theo Sciencedaily, các tế bào ung thư di căn, nguyên nhân gây ra 90% số ca tử vong liên quan ung thư, phải vượt qua nhiều "cửa ải" để lây lan từ khối u nguyên phát qua đường máu và tự tái lập ở các mô khác nhau.

Nghiên cứu mới do các nhà khoa học đến từ Trung tâm Ung thư Tổng quát thuộc Bệnh viện Massachusetts (Mỹ) đã xác định được gene Gstt1, là yếu tố "kích hoạt" sự lây lan và tăng trưởng của các tế bào ung thư.

Theo các nhà nghiên cứu, về mặt cơ học, gene Gstt1 cho phép các tế bào ung thư di căn gây ra những thay đổi đối với môi trường xung quanh để chúng có thể phát triển ở những vị trí mới trong cơ thể. 

Tác giả nghiên cứu, TS.BS. Raul Mostoslavsky, Giám đốc khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Gia đình Krantz tại Trung tâm Ung thư Tổng quát cho biết: “Kết quả của chúng tôi chỉ ra những con đường trị liệu mới có tiềm năng nhắm mục tiêu cụ thể vào bệnh ung thư di căn”.

Để thực hiện nghiên cứu, TS. Mostoslavsky và các cộng sự đã thí nghiệm ngăn chặn biểu hiện của gene này ở khối u nguyên phát và khối u di căn trên các con chuột bị ung thư tuyến tụy và ung thư vú.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, việc làm bất hoạt gene Gstt1 không có tác dụng đối với các tế bào khối u nguyên phát ở chuột, nhưng nó làm mất đi khả năng phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư di căn. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, biện pháp này cũng có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ở hai dòng tế bào ung thư tuyến tụy có nguồn gốc di căn ở người.

Gstt1 mã hóa một enzyme là thành viên của siêu họ protein (nhóm các protein liên quan với nhau về mặt tiến hóa) liên quan đến việc bảo vệ tế bào khỏi độc tố, cùng với các chức năng khác. Tuy vậy, trong bệnh ung thư, nó lại tạo điều kiện để các tế bào ung thư xâm lấn các khu vực khác trong cơ thể.

TS. Mostoslavsky cho biết: “Gstt1 làm biến đổi tế bào ung thư di căn để chúng có thể phát triển trong các khu vực khác trong cơ thể. Kết quả của chúng tôi có thể dẫn đến các chiến lược mới để điều trị bệnh ung thư di căn. Điều này sẽ đặc biệt có tác động đối với bệnh ung thư tuyến tụy, trong đó hầu hết bệnh nhân đều có di căn khi được chẩn đoán ban đầu".

Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để biến phát hiện đột phá này thành một phương án điều trị ung thư cụ thể.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Cell Biology.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Sciencedaily)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn