Hai bé gái chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người mẹ và các y bác sĩ - Ảnh: BVCC
Trẻ vị thành niên ăn nhiều đồ ăn nhanh làm tăng nguy cơ ung thư vú
Hướng dẫn 5 bước đơn giản tự khám tầm soát ung thư vú tại nhà
Những khó khăn người bệnh ung thư vú phải đối mặt
Podcast: Ô nhiễm không khí có làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú không?
Mới đây, Bệnh viện K thông tin vừa mổ cấp cứu thành công cho sản phụ ung thư vú tái phát di căn, mang thai đôi tuần 34.
Bệnh nhân là chị N.T.T. (38 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên) có tiền sử điều trị ung thư vú cách đây 3 năm. Khi ấy, chị được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến vú xâm nhập. Chị T. được bác sĩ chỉ định xạ trị bổ trợ, ra viện vào tháng 6/2021. Do hoàn cảnh gia đình và nguyện vọng cá nhân, chị T. không điều trị đích mà theo dõi, khám định kỳ 3 tháng/lần.
Gia đình cho hay chồng chị T. bị ảnh hưởng do chất độc da cam. Sau 13 năm kết hôn, hai vợ chồng vẫn mong mỏi tìm con nên quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm một lần nữa. Đến tháng 5/2023, vợ chồng chị T. đã thực hiện IVF thành công, và may mắn có được song thai. Tuy nhiên, đến những tuần giữa của thai kỳ, bệnh ung thư của chị có dấu hiệu tái phát di căn.
Đứng trước hai sự lựa chọn giữ thai và điều trị bệnh, chị T. vẫn quyết định sinh con dù biết tính mạng của mình gặp nguy hiểm. Từ giữa tháng 11/2023, chị được theo dõi tại Bệnh viện K với hy vọng "thai nhi trong bụng mẹ thêm ngày nào tốt ngày đó".
Khi thai nhi bước sang tuần 34, diễn tiến bệnh của chị T. phức tạp, các bác sĩ buộc phải cân nhắc ngừng thai kỳ. Ngày 5/12, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã quyết định mổ bắt con cho thai phụ. Hai em bé gái song sinh nặng 1,8kg chào đời.
PGS.TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, cho biết bệnh nhân T. vào viện khi đang mang song thai 32 tuần và ung thư vú trái tái phát di căn hạch thượng đòn trái xâm lấn da. Khó khăn đặt ra với ê-kíp bác sĩ điều trị đó là vừa kiểm soát sự tiến triển của khối u, vừa đảm bảo an toàn cho song thai phát triển.
"Khối u phát triển rất nhanh, nếu không mổ khối u có thể gây xâm lấn, vỡ tắc mạch, chèn ép, khó thở, vì vậy phương án đưa ra là phẫu thuật đảm bảo an toàn cho 3 mẹ con chị T” - BS Bình cho biết.
Sau gần 1 giờ, cuộc mổ kết thúc thành công nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của ekip phẫu thuật liên viện. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Trường hợp của chị T là câu chuyện đầy xúc động về tình mẫu tử nhưng dưới góc nhìn chuyên môn, các bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo với chị em đã điều trị ung thư, trong thời gian sau điều trị nên theo dõi sức khỏe của bản thân, tái khám đúng hẹn. Đặc biệt, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa ung bướu về nguyện vọng của bản thân. Bác sĩ sẽ thăm khám, tư vấn và phối hợp các chuyên khoa khác đưa ra lời khuyên hữu ích nhất đảm bảo về khoa học và ý nghĩa nhân văn.
Bình luận của bạn