Dự cảm 2022: COVID-19 và bản chất xã hội của loài người

Hoàng hôn tĩnh lặng tại Vịnh Ninh Vân (ảnh do tác giả cung cấp)

Thành phố nào trên thế giới hủy sự kiện đêm Giao thừa vì COVID-19?

Tết Dương lịch 2022: Đi đâu, chơi gì ở Hà Nội?

Kết hợp rượu vang trong bữa tiệc chào mừng năm mới

Hà Nội bỏ cách ly tập trung người đến từ nước có Omicron, Cần Thơ nới lỏng nhiều hoạt động

Triết gia cổ đại Aristote đã nói: Con người là con vật xã hội. Mất tính xã hội con người sẽ trở lại hoang dã. Virus lây nhiễm cũng muốn như vậy. Nhưng tính xã hội trong người mạnh đến nỗi trí thông minh cứ lớn dần, tìm mọi cách để chiến thắng các cuộc chiến tranh với virus. Lịch sử phát triển cũng chứng minh rằng sau mỗi đại dịch, chiến tranh hay thảm họa, tình yêu xã hội thường lớn hơn, con người trở nên hòa đồng hơn, dễ tha thứ và khoan dung hơn.

Yêu nhau hơn…

Mặc dù, năm 2021, Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, của tôi bị giáng một đòn chí tử trong suốt 3 tháng 8,9,10, khi phá tất cả các kỷ lục về ca nhiễm, tử vong. Nhưng rồi, thành phố vẫn hồi phục “thành công” nhờ hai vũ khí chiến lược: vaccine và thuốc điều trị.

Cũng nhờ thế, vào giáng sinh và cuối năm, vượt qua sợ hãi từ những cảnh báo về sự lây nhanh của biến thể mới Omicron, tôi đã làm mọi thủ tục về sức khỏe để thực hiện chuyến đi bị trì hoãn mấy lần: đến Ninh Vân Bay, khu nghỉ “Sáu giác quan” (Six Senses Resort), ở Khánh Hòa. Mấy ông bạn lão tuệ của tôi cảnh giác: “Ông bà cẩn thận, Omicron còn lây nhanh hơn Delta, đừng giỡn mặt với nó”. Còn nói thêm: “Thật không khôn ngoan chút nào nếu dự báo tử thần của Omicron “hiền” hơn Delta.”

Từ lâu, trong tiềm thức của tôi thỉnh thoảng vẫn vang lên một giọng khác của mẹ tôi: “Ở đâu nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất”. Và tôi thường chọn đi qua những “khung cửa hẹp” như nhà văn Pháp Andre Gide đã viết lên thông điệp bất tử trong cuốn tiểu thuyết kinh điển năm 1909: “Tình yêu thật sự luôn là khung cửa hẹp”. Tình yêu của tôi dành cho thiên nhiên ngoài kia, con người xã hội ngoài kia chính là khung cửa hẹp mà tôi phải bước qua.

dpyte-1-2-1640713422246900042838

Bác sỹ Quỳnh - Bệnh viện Nhân dân Gia Định - đang động viên một bệnh nhân lớn tuổi điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tôi nhận thấy, từ năm 2022 về sau, con người sẽ yêu thương nhau nhiều hơn và thể hiện bản chất xã hội nhiều hơn, mặc dù những chuyến đi xa và dài ngày sẽ ít hơn… Theo một điều tra xã hội học do Viện IPSOS, Pháp, thực hiện với 23.000 người tại 33 quốc gia, vào cuối năm 2021, thì kết quả cho thấy gần 1/3 số người trên thế giới nghĩ rằng xã hội trở nên khoan dung hơn do những sự kiện xảy ra trong hai năm qua. Cảm giác này mạnh nhất ở Trung Quốc, nơi mà 83% kỳ vọng tình yêu thương giữa người và người tăng lên, trong khi ở Pháp chỉ có 9% nghĩ như thế.

Câu hỏi lớn khi Nghĩ Nhỏ

Cũng có ông bạn chê trách: Sài Gòn nhiều dịch nên ông đang tìm một chỗ trốn. Thật ra, tôi muốn tìm một chỗ tĩnh lặng để Nghĩ Nhỏ. Các nhà tư tưởng hay chính trị gia thường khuyến khích Nghĩ Lớn (Think Big), thế nhưng khi con virus Sars-CoV-2 đến giết người hàng loạt, con người phải Nghĩ Nhỏ (Think Little) con virus này nhỏ đến mức vô hình, mà sức hủy diệt của  thật kinh khủng. Không Nghĩ Nhỏ khoa học sẽ không tìm ra vaccine ngừa và thuốc điều trị dịch bệnh nguy hiểm.

Câu hỏi lớn khi nghĩ nhỏ chính là lý do tại sao đại dịch không xảy ra thường xuyên, khi virus có hàng hà vô số đâu đó mà ta không thấy? COVID-19, cùng với bệnh dịch hạch, SARS, MERS, Ebola và một số bệnh khác, được gọi là bệnh lây truyền từ động vật sang người (Bệnh động vật có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là “động vật” và “bệnh tật”.) HIV, virus gây ra bệnh AIDS, được cho là đã lây sang người khi một thợ săn ở châu Phi sau khi giết một con tinh tinh bị nhiễm bệnh và tiếp xúc với máu của con vật qua một vết cắt. Nhưng đây là một câu hỏi đáng sợ: Nếu virus có vô số trong hàng nghìn loài động vật, tại sao chúng không lây nhiễm sang người thường xuyên hơn? Trên thực tế, chúng có lây nhiễm đấy! Hai nhà khoa học Craig Timberg và Daniel Halperin giải thích trong cuốn sách của họ về nguồn gốc của đại dịch. Từ năm 2022 trở đi cho hết thế kỷ 21 con người sẽ phải tập Nghĩ Nhỏ để tìm cách ngăn ngừa virus biến thể chết người hơn là chỉ tập trung sản xuất vũ khí hạt nhân và tìm đường chế ngự các vì sao!

15-16404345286671837863200

Virus đã biến thành phố Hồ Chí Minh đông dân nhất Việt Nam thành một đô thị vắng bóng người, chỉ có còi xe cứu thương trong 3 tháng (Ảnh Xa lộ Hà Nội ngày 28/7 - Quang Định)

Để virus có thể trở thành một đại dịch toàn diện, nó phải tìm đường đến môi trường đô thị, càng đông càng tốt. COVID-19 đã chứng minh cho nguyên tắc này. Đầu năm 2020 ngồi ăn cơm với hai người bạn - một làm kinh doanh và một là bác sỹ tốt nghiệp Harvard - ở Sài Gòn, tôi ngạc nhiên khi vị bác sỹ nói: Không lo ở Vũ Hán mà lo ở New York. Nên nhớ, thời điểm tháng 1/2020 Mỹ chưa có Sars-CoV-2. Té ra anh dựa trên kho dữ liệu lịch sử phát triển của dịch bệnh mà dự báo như thế. Diễn tiến sau đó cho thấy điều anh nói là chính xác.

Khi chúng ta nghĩ về căn bệnh này, chúng ta nhớ đến thành phố New York, với những con phố đông đúc và tàu điện ngầm kéo dài 24 giờ, đã trở thành tâm chấn lớn nhất. Sự sống xen kẽ của người dân trong các thành phố ở khắp mọi nơi luôn khiến những nơi này trở thành địa điểm có nhiều ổ dịch truyền bệnh. Sở dĩ tôi nhắc đến New York, vì đây là “mô hình” mà chúng ta có thể dùng để lý giải phần nào thảm kịch Covid-19 lần thứ tư tại thành phố Sài Gòn đông dân nhất Việt Nam vào tháng 8/2021.

Các kết nối trong các thành phố, và giữa các thành phố, luôn là con đường lây nhiễm dễ dàng. Chính vì vậy mà ngay sau Sài Gòn là các tỉnh lân cận Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương và sau đó là miền Tây với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. (Khi tôi viết bài này thì tin xấu là Hà Nội - thành phố đông dân thứ hai của Việt Nam, cũng đã có trên 1.800 ca nhiễm mỗi ngày.)

Vào cuối năm 1889, khi một đợt bùng phát dịch cúm lần đầu tiên được báo cáo ở Saint Petersburg, Nga, tin tức này đã lan truyền khắp châu Âu qua điện tín. Người London đọc trên tờ The Times rõ ràng về dịch bệnh như thế nhưng họ không hề cảnh giác, cho đến khi virus lây nhiễm giết gần nửa dân số thành phố này. Vào năm 2020, người Sài Gòn cũng biết thông tin dịch bệnh đang “hủy diệt” cả thế giới như thế nào, và tại thành phố Đà Nẵng đã có 35 người chết vì Covid đầu tiên của Việt Nam. Nhưng điều đó chưa đủ khiến họ tuân thủ mọi khuyến cáo của nhà chức trách và cơ quan y tế. Hơn nữa, đại đa số người dân không quan tâm về quy luật của dịch bệnh là “chọn” các đô thị đông đúc như Sài Gòn làm miếng mồi ngon.

32-1640434528694401393793

Con người buộc phải sống chung với dịch bệnh khi không thể từ bỏ bản chất xã hội của mình (Ảnh: Một khu dân cư trên đường Võ Chí Công, Hà Nội - Đồng Hiếu)

Năm 2022 và những năm hậu-COVID sắp tới, con người sẽ phải giảm nhiệt đô thị hóa để mong tránh những đại dịch truyền nhiễm chết người hàng loạt trong tương lai. Tiếc rằng Sài Gòn trước đây đã có chiến lược giãn dân ra các vùng ngoại thành, nhưng đã bất thành. Đô thị mới Thủ Thiêm cuối cùng vẫn là thành phố Thủ Đức “đất chật người đông” và trong đợt sóng thứ tư của Covid-19 luôn là vùng đỏ hay cam… những ngày “xanh” rất hiếm!

Nghịch lý “sống chung”

Nhưng đó cũng là nghịch lý chung của con người là chiến đấu giữa dịch bệnh và phát triển, đó là cuộc chiến giữa thiên nhiên và con người, không phải là chiến tranh bình thường giữa người và người. Cuối cùng con người buộc phải sống chung với dịch bệnh khi không thể từ bỏ bản chất xã hội của mình.

Vào những ngày giãn cách của năm 2020 và 2021, tôi và gia đình tôi vẫn “thực hiện bản chất xã hội” bất cứ khi nào nhà chức trách cho phép nới lỏng cách ly.

Theo Aristote, con người không thể sống như một con người, nếu không có xã hội. Đi lại, giao du trong xã hội chính là một phần trong đời sống của con người. Cuối năm 2019, một cụm từ mới xuất hiện trong đời sống thường nhật của con người: giãn cách xã hội (social distancing). Người ta hy vọng phương pháp đó là tốt nhất có thể để cứu sống xã hội, nhưng hy vọng lớn hơn chỉ là “trong ngắn hạn”, với đơn vị thời gian là “tuần” là “tháng”. Khi “giãn cách xã hội” (từng đợt) kéo dài đến nửa năm thì đa phần con người xã hội sẽ rơi vào hoang mang, tuyệt vọng. Sẽ nhiều người chết, không phải vì nhiễm dịch, mà vì mất niềm tin vào cuộc sống, dù cho đến nay, khoa học không có số liệu thống kê số tử vong vi “sức khỏe tinh thần”bị tổn thương trong đại dịch.

Khó bỏ thói quen…đi

Cuộc điều tra của IPSOS trên đây cho thấy hơn hai phần năm (45%) dự đoán sẽ có ít người bay hơn vào năm 2022 so với năm 2019. Người châu Á bày tỏ quan điểm mạnh mẽ nhất rằng thói quen sẽ thay đổi - 68% ở Trung Quốc, 67% ở Singapore và Việt Nam , 66% ở Malaysia. Tôi thuộc trong số ít còn lại tin rằng thói quen (hay ít nhất khát vọng) bay (đi, du lịch…) của con người là không thay đổi. Tôi đã sống qua năm thứ hai của Covid-19. Trong thời gian đó, câu hỏi lớn vẫn ám ảnh hàng đêm: Bao giờ được đi xa trở lại? Hay COVID-19 đã cướp mất quyền tự do đi lại của con người? Hay sẽ xa mãi… những chuyến đi xa.

Đi xa (du lịch, du hành…), nói chung là “đi”, vẫn là mơ ước cuối cùng của con người. Chuỗi kết nối toàn cầu bỗng dưng đứt gãy chỉ sau một đêm. Con virus corona hay đại dịch COVID-19 “vi phạm” trắng trợn quyền tự do đi lại của con người mà chưa có một chính phủ nào, một liên minh nào, một tổ chức dân sự nào, một sức mạnh tôn giáo nào, có thể bắt giam và trừng trị nó. Quyền tự do đi lại chỉ còn thực hiện trong mơ.

Chỉ cần một chớp mắt, các chuyến đi xa - du lịch thế giới - sau khi nghỉ hưu như kế hoạch đẹp của tôi, đã biến đi và chắc phải mất nhiều năm mới “trở về”. Nếu tôi sống khỏe, thì tôi cũng chỉ được “đi xa” trực tuyến (online).

“Đi xa” hay “du lịch” là một trong những phương tiện hữu hiệu giúp con người chống lại niềm sợ hãi trước cái chết. Chính vì vậy một khi “du lịch” đã là bản năng căn bản của con người, thì rõ ràng, dù khủng hoảng toàn cầu như thế nào, thì con người vẫn muốn tự do đi lại. 

Con người có nhu cầu tự do đi lại (Bức ảnh được chụp vào sáng sớm ngày 30-9, khi người Đà Nẵng được phép tắm biển trở lại sau một thời gian dài giãn cách xã hội toàn thành phố - ẢNH: TẤN LỰC)

Con người có nhu cầu tự do đi lại (Bức ảnh được chụp vào sáng sớm ngày 30-9, khi người Đà Nẵng được phép tắm biển trở lại sau một thời gian dài giãn cách xã hội toàn thành phố - ẢNH: TẤN LỰC)

Bất chấp ý kiến của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine trên tờ Le Figaro ngày 22/3/2020, rằng chính du lịch toàn cầu là một trong các thủ phạm gây ra đại dịch COVID-19, con người vẫn không từ bỏ quyền tự do đi lại của mình. 

Kinh tế du lịch… không bao giờ ngừng phát triển. Cho đến nay, không một quốc gia thịnh vượng nào trên thế giới mà lại không “chăm lo” phát triển du lịch. COVID-19 càng đáng sợ, con người càng ham muốn đi… chơi! Thời gian giãn cách cũng giống như nén lực của một chiếc lò xo. Các nhà kinh doanh du lịch, hàng không và các phương tiện vận tải hãy đợi đấy, khi chấm dứt giãn cách, lò xo sẽ bung và quá tải sẽ là một trong những “bình thường mới” trên các kỳ quan, các điểm vui chơi, các chuyến bay, chuyến tàu, chuyến xe, các du thuyền hạng sang lộng lẫy.

Du lịch là nhu cầu sơ đẳng của con người nhằm đập vỡ các giới hạn của cái gì được biết là kỳ quan chưa khám phá của thế giới. Du lịch đã được thăng hoa thành một trong những nhu cầu tối thiểu của con người. “Ra khơi là cần thiết, chứ không phải sống là cần thiết.” (To sail is necessary, to live is not). Triết gia Plutarch thời cổ đại đã trích dẫn câu này từ miệng một nhà thám hiểm La Mã trước chuyến du hành trong bão tố, không biết sống chết thế nào!

Hãy ở nhà an toàn. Stay home, stay safe! Thật không có câu khẩu hiệu nào buồn hơn. Nhưng lúc này, không có khẩu hiệu nào ngắn hơn mà lại nuôi hy vọng dài hơn! Và từ đây dự báo khá rõ là thời kỳ hậu COVID-19, du lịch sẽ phát triển với hình thái mới: Kỳ nghỉ tại chỗ (Staycation). Nghĩa là đi du lịch gần nhà nhất. Ví dụ: tôi chọn Nha Trang chỉ cách Sài Gòn 45 phút bay hay Đà Lạt 30 phút bay, hay thậm chí khu nghỉ Mia ở Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, chỉ 15 phút chạy xe, cũng thật tuyệt vời.

Tác giả tận hưởng thiên nhiên tại Vịnh Ninh Vân (ảnh do tác giả cung cấp)

Tác giả tận hưởng thiên nhiên tại Vịnh Ninh Vân (ảnh do tác giả cung cấp)

Tuy nhiên “đi xa” vẫn luôn là cái gì bí ẩn, bởi vì, hình như “đi xa” hay “rời nhà” là một sự kỳ vọng về những điều chưa biết.

Đạo đức du lịch trở lại

Như trên đã nói, mùa giáng sinh năm nay tôi đến Six Senses, Ninh Van Bay, với bất ngờ khi nơi đây bảo tồn được loài voọc đuôi đỏ với một “xã hội” 50 cá thể. Ở đây, tôi lại nhớ đến chuyến đi đến khu bảo tồn Safari Phú Quốc vào tháng 3/2020 - ngay trước ca nhiễm số 17 gây hoảng loạn tại Hà Nội một ngày. Tôi không ngờ du khách vẫn đông và vẫn tuân thủ quy định chống dịch từ sớm của Chính phủ. Tôi bất ngờ là tại đây có rất nhiều tê giác - con vật mà hoàng gia Anh đang bảo trợ. Du lịch là một khía cạnh quan trọng của các nỗ lực bảo tồn trên lục địa, và việc ngừng hoạt động lâu có nghĩa là các công viên trống rỗng và mất phí công viên.

Nhưng nền tảng ý thức phổ quát của khách du lịch toàn cầu sẽ có tác động tích cực đến một hành tinh bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu. Khi các đường biên giới mở cửa trở lại, một cách tiếp cận “đạo đức” hơn về du lịch có thể sẽ xuất hiện trong đầu óc con người: đó là ít chuyến đi hơn, nhưng mỗi chuyến đi kéo dài hơn, và đều là những chuyến đi ý nghĩa, như kiểu “đi một ngày đàng học một sàng khôn” của người Việt. Đi xa để nhìn gần, để gìn giữ, trân trọng thiên nhiên. Cha ông ta từng ví von: “Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”. Đi du lịch cũng là một trong những cách thoát khỏi thân phận chú ếch kia.

Từ thời chưa biết chữ tôi đã nghe kể về câu chuyện phiêu lưu và thường mơ những giấc mơ về chú dế mèn huyền thoại. Những cuộc du hành, những chuyến đi xa, là thuộc tính xã hội của con người. Câu chuyện của dế mèn bé nhỏ để lại bài học lớn cho những người trẻ tuổi dám mơ ước, dám hành động, thể hiện khát vọng chung sống hoà bình, để thế giới không còn cảnh xung đột, và thù ghét.

Đi xa để yêu thêm những gì gần nhất.

Không ai an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn

Các chính phủ vẫn đau đầu tìm cách tối ưu để hạn chế đi lại và tụ họp đông người, nghĩa là hạn chế bản chất xã hội của con người, nhưng đã là bản chất, thì khó lòng hạn chế, nhất là khi đã có thuốc ngừa là vaccine và cả thuốc điều trị.

Sài Gòn vẫn lung linh ánh đèn, thành phố đã phục hồi sau vài tháng oằn mình vì dịch bệnh (ảnh do tác giả cung cấp)

Sài Gòn vẫn lung linh ánh đèn, thành phố đã phục hồi sau vài tháng oằn mình vì dịch bệnh (ảnh do tác giả cung cấp)

Giãn cách thì vẫn phải giãn cách, nhưng “xã hội” vaccine mới là quan trọng nhất vì nguyên tắc của chống bệnh truyền nhiễm là “không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn” (no one is safe until everyone is safe).

Hiện đã hơn 21 tháng kể từ lần đầu tiên COVID-19 được báo cáo và 10 tháng kể từ khi vaccine đầu tiên được phê duyệt, tuy nhiên đại dịch này vẫn tiếp tục hoành hành. Có rất nhiều điều mà chúng ta có thể và phải làm để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Nhưng nếu chúng ta muốn ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiếp theo leo thang thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu kéo dài với quy mô mà chúng ta đang thấy ngày nay, thì các nhà lãnh đạo toàn cầu cần phải tìm cách đưa vaccine đến mọi người trên toàn thế giới nhanh hơn. Thành phố Sài Gòn của tôi đã lung linh ánh đèn trở lại khi tôi ngồi trên máy bay hạ cánh xuống đường băng, trở về từ kỳ nghỉ mang tính “kiểm tra sức khỏe” của gia đình tôi. Quan sát trên suốt hành trình 3 đêm, 4 ngày (kỳ hạn của xét nghiệm PCR), từ phi trường, trên máy bay, đến khu nghỉ… tôi hưng phấn hẳn lên khi thấy ai nấy đều mang khẩu trang thường xuyên. Thậm chí, tôi bị nhắc khá thường xuyên: “chú ơi, kéo khẩu trang lên”! Tuy vậy hưng phấn hơn chính là tỷ lệ chích 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam đã đạt 80%. Trong khi đó, Viện nghiên cứu uy tín hàng đầu thế giới IPSOS có trụ sở tại Paris, Pháp, cũng vừa công bố hầu hết những người được hỏi đều tin rằng năm 2022 sẽ là năm mà thế giới đạt tới ngưỡng 80% dân số toàn cầu ít nhất đã tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Khi đi chơi lần đầu tiên sau 5 tháng giãn cách về, tôi đã chích mũi 3. Tôi mong tất cả những “ông già trên 60” như tôi đều đã chích mũi 3. Bản chất xã hội của con người đòi hỏi một sự bình đẳng tối đa có thể, trong một xã hội còn quá nhiếu bất công. Vaccine chính là bình đẳng xã hội.

Ít nhất Covid-19 đã nhắc cho chúng ta bài học: “Không ai an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn!” (No one is safe until everyone is safe).

Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết