Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi): Để có các quy định tối ưu nhất!

Phó Thủ tướng Vũ Đức báo cáo Quốc hội về dự thảo Luật Khám, chữa bệnh

AstraZeneca Việt Nam nhận 2 giải thưởng trong The Great Awards 2022

Mỡ máu cao: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Những điều cần biết về bệnh suy giáp

Những mẹo đơn giản để làm chậm quá trình lão hóa ở độ tuổi 40

Tại phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 13/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ báo cáo với Quốc hội về dự luật nói trên. Phó Thủ tướng cho biết, trong điều kiện của một nước đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ đứng thứ khoảng 125 - 128 trên thế giới nhưng rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có các tổ chức chuyên về chăm sóc sức khỏe và y tế đánh giá, một số mặt công tác y tế của Việt Nam tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập trên thế giới.

Công tác khám, chữa bệnh của y tế Việt Nam được đánh giá, xếp thứ 60 - 70, tùy vào các bảng và chỉ tiêu đánh giá. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có được kết quả đó, ngoài nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, thể chế, chính sách, sự điều hành của cả hệ thống Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương còn có sự nỗ lực trân trọng của đội ngũ y bác sỹ, đặc biệt trong những thời khắc khó khăn, sự tham gia của đông đảo người dân. Trực tiếp nhất trong thời gian thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) hiện đã đạt trên 91%.

"Qua các ý kiến phát biểu, tranh luận, nhiều vấn đề đã được phân tích, làm sâu sắc thêm và cũng có thêm nhiều vấn đề mới tiếp tục được đặt ra. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các ý kiến trên tinh thần khoa học, cầu thị, phù hợp với xu thế của quốc tế, đồng thời phải tính đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam để có các quy định tối ưu nhất trong dự thảo luật tới đây sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội và để trình ra Quốc hội", Phó Thủ tướng khẳng định và nhấn mạnh "Luật Khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp liên quan đến người dân nhưng đồng thời cũng liên quan và phụ thuộc vào tiến trình xây dựng, thực hiện nhiều luật khác, trực tiếp nhất là Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giá, Luật Đầu tư, Luật An toàn thông tin mạng...".

SUCKHOE+ BOX 15-6-01

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, khái niệm quy định trong dự án luật, Phó Thủ tướng nêu rõ, trên nguyên tắc, chi phí khám, chữa bệnh do BHYT chi trả, còn chi phí liên quan đến y tế dự phòng do ngân sách chi trả. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Y tế, Ban soạn thảo Luật nghiên cứu sâu hơn xu thế quốc tế không chỉ phân định rất rõ giữa người khỏe và người bị bệnh mà cả tình trạng giữa khỏe và bị bệnh. Nếu một người không khỏe nhưng chưa bị bệnh mà được phát hiện và điều trị kịp thời thì không chỉ nhanh khỏe lại mà chi phí BHYT cũng ít hơn. "Chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn vấn đề này nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân tốt hơn, đồng thời sử dụng hiệu quả hơn ngân sách nhà nước và quỹ BHYT", Phó Thủ tướng trao đổi.

Về công tác khám, chữa bệnh, Phó Thủ tướng nêu rõ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và dự thảo luật hiện nay đã đưa ra nhiều chính sách. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đề xuất thêm nhiều chính sách. Chính phủ đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu nghiêm túc, nhất là những chính sách liên quan các đối tượng khó khăn, trong đó có đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Các chính sách bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người bệnh cũng như của người thầy thuốc.

Về quy định chức danh nghề nghiệp, cấp giấy phép hành nghề, Phó Thủ tướng cho biết đây là vấn đề mới. Trong dự án luật lần này đã đề cập đến vai trò của Hội đồng Y khoa quốc gia và tiếp tục phải nghiên cứu và đề cập sâu hơn, theo xu hướng chung của thế giới cần một cơ quan độc lập, ngoài bộ máy hành chính nhà nước để, tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực cả về lý thuyết và thực hành trên một mặt bằng thống nhất chung, sau đó cấp giấy phép hành nghề.

Dẫn lại nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2012 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới nêu rõ "Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề", Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới đây cần có lộ trình phù hợp để tổ chức thi, cấp giấy phép hành nghề đúng xu thế cải cách hành chính, đúng theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm cấp giấy phép với trách nhiệm thu hồi trên mặt bằng chung, thống nhất, không để ách tắc trong quá trình thực hiện.

Đối với chức danh nghề nghiệp y khoa trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an), Phó Thủ tướng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nghiên cứu quy định phù hợp với xu thế của thế giới về các chức danh này nhưng vẫn phải đảm bảo đặc thù, thẩm quyền phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Nguyen Anh Tri

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến cho Luật Khám, chữa bệnh tại Hội trường (Ảnh: PGS.TS Nguyễn Anh Trí đưa ra 3 ý kiến góp ý cho dự thảo Luật)

Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tại Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo, và sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời làm rõ hơn xu thế trên thế giới, nhằm khuyến khích, thu hút chuyên gia y tế có chất lượng cao để người dân Việt Nam sớm được tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có các quy định về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài theo đúng thông lệ quốc tế, trong khu vực nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nhân lực y tế chất lượng không cao vào Việt Nam mở phòng khám nhỏ ở những chuyên ngành không nhất thiết phải có trình độ công nghệ cao, tiên tiến.

"Những năm vừa qua chúng ta cũng quản lý đối tượng này rất chặt, số lượng không nhiều. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để có quy định phù hợp nhất", Phó Thủ tướng nói.

Liên quan đến hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như trên thế giới để phân tuyến theo đúng chuyên môn nhưng tinh thần đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền theo tổ chức bộ máy chính quyền các cấp.

Làm rõ thêm các mô hình y tế cơ sở, phòng khám bác sỹ gia đình, Phó Thủ tướng cho hay: Trước đây, bác sỹ gia đình là một người nhưng theo xu thế hiện nay "Bác sỹ gia đình" là một nhóm vì một người không thể hiểu hết được tất cả các bệnh, kể cả bệnh tâm lý. Ngoài các mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, chúng ta cần tăng cường hệ thống y tế cơ sở theo phương châm y học gia đình, y tế gia đình.

Về vấn đề xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong bệnh viện, Phó Thủ tướng dẫn số liệu đến nay, cả nước có 318 bệnh viện tư, 38.000 phòng khám tư nhân, mới đáp ứng được 5,16 % tổng số giường bệnh. Đây là tỷ lệ rất thấp và cần có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn không chỉ trong luật khám bệnh, chữa bệnh mà còn liên quan đến nhiều luật khác như đầu tư, đất đai, ngân sách nhà nước…

 

 

Khẳng định yêu cầu phải quản lý giá dịch vụ y tế, dù bệnh viện công hay bệnh viện tư, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước hết phải phát huy mạnh mẽ hơn tất cả các công cụ đã được luật định trong pháp luật về giá. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tư nhân cũng cần có quyền tự chủ để phát triển tốt hơn thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra là chiếm 10% số giường bệnh, hay như khuyến nghị của các chuyên gia nước ngoài là trong vòng khoảng 10 - 20 năm Việt Nam phải cố gắng đạt trên 25% số giường bệnh y tế tư nhân.

Đối với hoạt động liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng cho biết đây là đặc thù của ngành y tế Việt Nam, đã góp phần giải quyết bài toán về yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân thời gian qua. Tuy nhiên, tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn với "chìa khóa" là công khai, minh bạch tất cả các khoản thu, chi từ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Cuối cùng, tiếp thu ý kiến các đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ có liên quan để làm rõ hơn tất cả các quy định liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, cụ thể ở trong lĩnh vực khám, chữa bệnh là bảo vệ dữ liệu bệnh nhân, liên thông, liên kết kết quả xét nghiệm dựa trên quản lý người bệnh…

Diệu Vi - Ảnh: Lê Dương
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn