Chờ đợi những giải pháp cụ thể, kịp thời!

Giá xăng dầu tăng cao liên tục khiến nhiều người lo ngại lạm phát và mặt hàng tăng giá ăn theo (ảnh minh họa)

Unilever Việt Nam phát động chiến dịch “Tương lai xanh”

AstraZeneca Việt Nam nhận 2 giải thưởng trong The Great Awards 2022

Các tỉnh phía Nam "nóng" dịch sốt xuất huyết

Các phương pháp Đông y trị rối loạn thần kinh thực vật

Giá xăng dầu đã tăng lần thứ 6 liên tiếp và lập đỉnh mới kể từ 15h ngày 13/6 khi liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá mặt hàng này. Ngay trong khi Quốc hội khóa XV đang tiến hành kỳ họp thứ 3 thì “con ngựa bất kham” này đã 2 lần phi mã. Giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến nhiều đại biểu lo ngại lạm phát và nhiều mặt hàng tăng giá "ăn theo”. Báo chí dẫn lời các vị đại biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại diễn đàn Quốc hội. Như phát biểu của đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) thì bên cạnh những kết quả đáng tích cực của nền kinh tế, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều thách thức. Đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu.

Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, tác động không thuận lợi cho những quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam. Để đạt mục tiêu kinh tế nước ta tăng trưởng 6 - 6,5%, kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay như mục tiêu đề ra, đại biểu đoàn TP.Hồ Chí Minh đề nghị trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. “Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng. Trong đó, mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng “domino” giá cả các mặt hàng khác”, đề xuất của vị đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh được nhiều tờ báo dẫn lời.

gia-xang-tang-manh_2706154509

Giá xăng dầu đang tăng theo giá thế giới (ảnh minh họa)

Vị đại biểu đoàn TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho rằng, hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang vật tư phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản. Đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn số liệu, bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%. Riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp hai lần cùng kỳ các năm 2018 đến năm 2021 tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm. Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, nhìn nhận giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát. Để tránh nhiều mặt hàng tăng giá kiểu “té nước theo mưa”, đại biểu cho rằng cùng với việc có giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu thì cần tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng dầu.

 

 

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 ( ban hành ngày 13/6) đã yêu cầu việc tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu. Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành. Như Bộ Công Thương thì chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, bảo đảm năng lực sản xuất xăng dầu hiệu quả, đạt sản lượng cung cấp tối đa theo thiết kế của các nhà máy; chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ; trường hợp đặc biệt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan tham mưu xây dựng kịch bản điều hành giá xăng dầu trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2022.

Tác động đến kinh tế - xã hội của việc leo thang giá mặt hàng chiến lược xăng dầu đã rõ. Nhiệm vụ của các ngành chức năng để kiềm chế sự leo thang này cũng đã cụ thể. Tuy nhiên “con ngựa bất kham" này không chịu chờ đợi các bộ, ngành ra tay. Nó đã lập đỉnh mới trong ngày 13/6 vừa qua! Liệu đến chu kỳ điều chỉnh giá lần tới, nó đã chịu giảm tốc? Điều này đang chờ đợi những giải pháp điều hành kịp thời, hiệu quả của các ngành chức năng! 

Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý