Không nên tùy tiện sử dụng men tiêu hóa khi bị kém ăn, đầy bụng.
Nhầm lẫn tai hại
Chị Nguyễn Thanh Hoài 42 tuổi ở Nguyễn Du, Q.1, Tp.HCM do điều trị bệnh thoái hóa khớp gối lâu ngày, phải dùng nhiều thuốc kháng sinh dẫn đến bị táo bón. Chị nghe theo mấy bà hàng xóm mách mua men tiêu hóa về dùng thì sẽ hết. Nhưng dùng mãi không hết lại thấy người mệt mỏi, chán ăn. Thấy không hiệu quả chị lại chuyển sang dùng loại men tiêu hóa khác thì bị tiêu chảy, buồn nôn, người cứ lả đi vì mệt, sợ quá chị Hoài ngưng sử dụng.
Không được may mắn như chị Hoài, chị Trịnh Thị Thu Minh 38 tuổi, ở Trần Hưng Đạo, Q.5, Tp.HCM thường xuyên mệt mỏi, chán ăn. Thấy trên tivi quảng cáo có loại men tiêu hóa giúp ăn ngon miệng, chống mệt mỏi, khó tiêu, chị Minh mua về dùng thử xem sao. Kết quả là chị bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, mất nước, suy kiệt sức khỏe phải nhập viện cấp cứu.
Theo BS. Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Quân y 354, Hà Nội): Trường hợp bệnh nhân tự ý dùng thuốc không theo đơn của bác sĩ, rồi dẫn đến nhưng tai biến không phải là hiếm gặp. Bởi hiện nay trên thị trường có rất nhiều các chế phẩm đều gọi chung là men tiêu hoá khiến cho bệnh nhân nhầm lẫn.
Bệnh nhân có nhu cầu sử dụng men tiêu hóa thì cần phải có sự tư vấn của bác sĩ vì không phải men tiêu hóa nào cũng có tác dụng như nhau. Mỗi loại men tiêu hóa có chức năng riêng và dùng trong trường hợp nhất định, nếu dùng bừa bãi sẽ gây phản ứng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe. Hiện nay, trên thị trường có hai 2 loại được gọi là men hoàn toàn khác nhau: Men tiêu hoá và men vi sinh (thường bị nhầm lẫn là men tiêu hóa).
Men tiêu hóa: là chế phẩm giúp cơ thể tiết ra enzym phân giải, chuyển hóa các loại thức ăn cho dễ hấp thụ. Được dùng cho những người mắc bệnh ăn uống không tiêu, đầy bụng. Men tiêu hóa gồm các chế phẩm khác nhau như: men tiêu hóa tinh bột, chất đạm (protein) men tiêu hóa chất béo (lipid) và men tiêu hóa chất xơ…
Men vi sinh vật: Còn gọi là probiotic gồm những sinh vật có ích, các loại vi khuẩn hay nấm lên men sau khi uống sẽ sản xuất ra axit lactic, axit hóa đường ruột và ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn gây hai, hạn chế nhiễm trùng tiêu hóa, khắc phục tình trạng loạn khuẩn, giúp ổn định môi trường trong ruột nhằm trị chứng tiêu chảy, khó tiêu, trướng bụng do rối loạn tạp khuẩn ruột. Đây không phải là men tiêu hóa. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn nhầm nó với men tiêu hóa vì có tác dụng tương tự.
Khi nào nên dùng men tiêu hóa
BS. Vũ Đức Chung cho biết, trong một số sản phẩm men tiêu hóa và men vi sinh được nghiên cứu lấy từ thị trường, đã có đến gần 50% không đạt chuẩn về chất lượng công bố trên bao bì. Thậm chí có sản phẩm trong đó nhầm lẫn vi khuẩn có hại như bacillus cereus là một loại phân tử có cấu trúc protein lớn dễ dính vào các loại thức ăn, nước uống gây ngộ độc, buồn nôn, tiêu chảy… để làm men tiêu hóa. Kết quả là không những không điều trị được bệnh mà còn gây bệnh về đường tiêu hóa, gây nôn ói và tiêu chảy, mất nước sau khi uống.
Người bệnh chỉ nên sử dụng men tiêu hóa khi cơ thể thiếu enzym thực sự hoặc khả năng tiết dịch của cơ thể quá kém. Người bị rối loạn tiêu hóa lâu ngày, hoặc những người phải điều trị bằng thuốc kháng sinh dài ngày. Người mổ u xơ nang tuyến tụy, phẫu thuật dạ dày, suy dinh dưỡng nặng, tiêu chảy dài ngày và những người bị bệnh bẩm sinh về ruột, tụy, dạ dày, bị teo mật, suy gan.
Tuy nhiên, có một điều mà người bệnh cần phải lưu ý đó là men tiêu hóa không phải thuốc chống tiêu chảy: Nhiều bệnh nhân luôn mặc định suy nghĩ về việc dùng men tiêu hóa như là một “cứu cánh” mỗi khi bị “Tào Tháo đuổi”.
Người chống chỉ định với men tiêu hóa
- Người đang trong quá trình dùng thuốc kháng sinh, hoặc đang điều trị một số loại thuốc giảm đau, chống viêm.
- Người bị các bệnh viêm tụy cấp hoặc mạn tính vì sẽ làm bệnh phát triển nặng hơn.
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi không nên dùng men tiêu hóa vì giai đoạn này hệ tiêu hóa chưa ổn định, việc sử dụng men tiêu hóa sẽ làm trẻ bị tiêu chảy, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ sau này.
- Những người nhạy cảm với một số thành phần trong men tiêu hóa cũng không nên sử dụng.
- Men tiêu hóa chỉ có tác dụng làm áp se thành ruột giúp cầm tiêu chảy lại nhưng không có tác dụng bù nước cho người bệnh. Chính vì vậy, nhiều người cứ lầm tưởng chỉ cần uống men tiêu hóa là đủ mà quên mất việc bù lại lượng nước đã mất là rất nguy hiểm.
Ngoài ra, men vi sinh vật làm từ nấm dùng không đúng sẽ gây nhiễm nấm vào cơ, vào máu làm suy giảm hệ miễn dịch của người bệnh. Người bệnh không nên dùng men tiêu hóa dài ngày, chỉ dùng không quá 7-10 ngày.
Hơn nữa, một số loại men tiêu hóa phản ứng với thuốc kháng sinh. Chính vì vậy, nếu người bệnh đang trong quá trình điều trị thuốc kháng sinh không nên sử dụng men tiêu hóa, hoặc sử dụng những loại men tiêu hóa không phản ứng với thuốc kháng sinh kèm theo đơn của bác sĩ.
Lạm dụng men tiêu hóa lâu ngày tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng cũng gây ra nhiều tác dụng phụ. Lâu dần, cơ thể không sản sinh, hoặc sản sinh quá ít enzym có tác dụng kích thích tiêu hóa dẫn tới phụ thuộc vào thuốc gây suy tụy, thiểu năng tuyến tụy.
Không phải loại men tiêu hóa nào cũng chữa được tất cả triệu chứng, mà thuốc nào bệnh ấy. Vì vậy, sử dụng loại men nào, số lượng, liều lượng, thời gian ra sao đều phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ sau khi thăm khám cụ thể.
Bình luận của bạn