Khám phá về gene và sự tiến hóa loài người giành Giải Nobel Y sinh 2022

Chân dung nhà di truyền học người Thụy Điển Svente Paabo đạt giải Nobel Y Sinh 2022 - Ảnh: Nobel.

Nobel Y học 2019 đã có chủ: Bước tiến mới trong điều trị ung thư và thiếu máu

Những công trình hay ho nhất giải Nobel "nhái": Gãi ở đâu sướng nhất và ăn pizza giúp sống thọ

Liệu pháp miễn dịch chữa ung thư giành giải Nobel Y học 2018

Nhật Bản đạt giải Nobel y học về nghiên cứu tế bào

Theo công bố của Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), chiều ngày 3/10 (theo giờ Việt Nam), chủ nhân của Giải Nobel Y sinh năm 2022 đã thuộc về nhà khoa học, di truyền học người Thụy Điển Svente Paabo, theo Reuters.

Theo Ban tổ chức, Giáo sư Stenve Paabo được vinh danh vì những khám phá của ông liên quan đến bộ gene của các loài vượn đã tuyệt chủng và sự tiến hóa của con người.

Cũng theo Hội đồng Nobel cho biết Giáo sư Paabo “đã hoàn thành một điều dường như không thể” khi ông giải trình tự bộ gene của loài Neanderthal (một loài hoặc một phân loài của người cổ xưa sinh sống tại đại lục Á-Âu cho tới tầm 40.000 năm trước) đầu tiên và phát hiện ra rằng người tinh khôn (Homo sapiens) lai với người Neanderthal. Ngoài ra, Giáo sư Paabo cũng khám phá ra rằng, việc chuyển gene đã xảy ra từ những loài giống người đã tuyệt chủng sang Homo Sapiens (người tinh khôn) sau khi di cư ra khỏi Châu Phi khoảng 70.000 năm trước.

Khám phá của Giáo sư Paabo đã được công bố vào năm 2010, sau khi ông đi tiên phong trong các phương pháp chiết xuất, trình tự và phân tích DNA cổ đại từ xương của người Neanderthal. Nhờ công trình nghiên cứu của ông, các nhà khoa học đã có thể so sánh bộ gene của người Neanderthal với hồ sơ di truyền của con người sống ngày nay.

Thư ký Hội đồng Nobel và Ủy ban Nobel Thomas Perlmann công bố giải Nobel Y sinh 2022 thuộc về Svante Paabo tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 3/10 - Ảnh: Reuters

Thư ký Hội đồng Nobel và Ủy ban Nobel Thomas Perlmann công bố giải Nobel Y sinh 2022 thuộc về Svante Paabo tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 3/10 - Ảnh: Reuters

"Nghiên cứu tinh vi của Paabo đã tạo ra một lĩnh vực khoa học hoàn toàn mới. Bằng cách tiết lộ những khác biệt về gene giúp phân biệt tất cả người sống với các loài giống người đã tuyệt chủng, khám phá của Paabo cung cấp cơ sở để khám phá điều gì khiến chúng ta trở thành con người độc nhất vô nhị", Ủy ban Nobel cho biết, theo CNN.

Theo phát hiện của Giáo sư Paabo, hầu hết con người ngày nay chia sẻ từ 1 - 4% DNA của họ với người Neanderthal, có nghĩa là người Neanderthal và Homo sapiens có thể đã gặp nhau và có con trước khi người Neanderthal tuyệt chủng khoảng 40.000 năm trước.

“Đóng góp lớn của ông Paabo đã trở thành người tiên phong trong việc khôi phục DNA cổ đại và điều đó vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu sự tiến hóa của loài người” - Chris Stringer, trưởng nhóm nghiên cứu về sự tiến hóa của loài người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London (Anh), nói với CNN.

Ban giám khảo Nobel cũng cho biết, dòng gene cổ xưa này đối với con người ngày nay có liên quan đến sinh lý học, chẳng hạn như ảnh hưởng đến cách hệ thống miễn dịch của chúng ta phản ứng với các bệnh nhiễm trùng.

Theo báo cáo của giáo sư Paabo trong một nghiên cứu năm 2020, bệnh nhân COVID-19 có một đoạn ADN Neanderthal có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm căn bệnh này.

Nhà di truyền học Thụy Điển Svante Paabo trong lễ trao Giải thưởng Nhật Bản (Japan Prize) vào tháng 4/2022 tại Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Nhà di truyền học Thụy Điển Svante Paabo trong lễ trao Giải thưởng Nhật Bản (Japan Prize) vào tháng 4/2022 tại Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Reuters

 

Nobel Y sinh là giải Nobel đầu tiên trong số các giải thưởng được Hội đồng Nobel năm nay công bố. Chủ nhân giải Y sinh năm ngoái thuộc về hai nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian vì khám phá các thụ thể trên da người có thể cảm nhận nhiệt độ, xúc giác và chuyển đổi tác động vật lý thành xung thần kinh. 

Giải Nobel Y sinh đã được trao 112 lần từ năm 1901 đến nay, trong đó có 12 phụ nữ từng được nhận giải này. Trong lịch sử, chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y sinh là nhà khoa học người Canada Frederick G. Banting, nhận giải năm 1923 khi mới 32 tuổi, với công trình khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh đái tháo đường. Chủ nhân lớn tuổi nhất là bác sỹ Mỹ Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu phát hiện một số virus có thể gây ra ung thư.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn