COVID-19 làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi

Người lớn tuổi nhiễm COVID-19 có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer trong tương lai.

Vaccine mới của Moderna chống lại biến thể phụ của Omicron

WHO: Ngày kết thúc của đại dịch COVID-19 đã "trong tầm mắt"

Chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ?

7 yếu tố nguy cơ khiến não bộ lão hóa sớm

Theo công bố trên Tạp chí bệnh Alzheimer mới đây, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Y Case Western Reserve (Mỹ) đã sử dụng dữ liệu sức khỏe của hơn 95 triệu người thăm khám tại gần 70 trung tâm sức khỏe ở Mỹ. Những người tham gia nghiên cứu trải rộng ở 50 tiểu bang, đa dạng về độ tuổi, sắc tộc, môi trường địa lý và điều kiện kinh tế.

Các nghiên cứu sau đó thu hẹp danh sách nghiên cứu xuống 6,2 triệu người từ 65 tuổi trở lên được điều trị y tế từ tháng 2/2020 - 5/2021 và không có chẩn đoán trước đó về bệnh Alzheimer. Các đối tượng nghiên cứu được chia thành 2 nhóm: đã nhiễm bệnh và chưa nhiễm bệnh, trong đó 400.000 người được ghi nhận đã nhiễm COVID-19 và 5,8 triệu người chưa từng nhiễm bệnh.

Kết quả cho thấy người trên 65 tuổi đã nhiễm COVID-19 trong vòng 1 năm có nguy cơ phát triển Alzheimer cao hơn 50 - 80% so với nhóm đối chứng. Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi cũng tăng gần gấp đôi (từ 0,35% lên 0,68%) trong 1 năm sau khi nhiễm COVID-19. Nguy cơ cao nhất được quan sát thấy ở phụ nữ từ 85 tuổi trở lên.

Theo Medical News Today, tiến sĩ Pamela Davis, đồng tác giả, công tác tại Đại học Y Case Western Reserve (Mỹ), nhấn mạnh: "Điều chúng tôi lo ngại là COVID-19, một tình trạng viêm nghiêm trọng, có thể là một yếu tố nguy cơ. Với kết quả nói trên, chúng tôi vẫn chưa thể nói rằng COVID-19 gây ra Alzheimer, nhưng có thể nói chúng có mối liên quan”.

"Đầu tiên, đại dịch COVID-19 gây ra thực trạng chẩn đoán chậm cho những bệnh nhân có nhu cầu khám chữa bệnh, như các trường hợp mắc Alzheimer. Điều này đồng nghĩa kết quả khảo sát nói trên có thể đến từ những người đã mắc Alzheimer từ trước nhưng chưa được phát hiện. Ngoài ra, việc mắc COVID-19 liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch, bao gồm cả chứng viêm - yếu tố ảnh hưởng đến quá trình khởi phát những thay đổi ở não liên quan đến bệnh Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ khác"  - TS.Heather Snyder, Phó chủ tịch Quan hệ y tế và Khoa học của Hiệp hội Alzheimer đưa ra lời giải thích về kết quả nghiên cứu này.

Tuy nhiên, TS Snyder cho rằng, nghiên cứu này chỉ cho thấy mối liên quan thông qua hồ sơ y tế. Các nhà nghiên chưa biết được cụ thể cơ chế cơ bản thúc đẩy mối liên quan này là gì nếu không có thêm nghiên cứu khác.

Đồng quan điểm, TS Pamela Davis nói: “Chúng ta cần quá trình đánh giá chuyên sâu hơn ở những người mắc COVID-19 so với nhóm phải đi khám với những lý do khác ngoài COVID-19. Những thông tin này không có sẵn trong EMR (hồ sơ bệnh án điện tử)".

Điều này đồng nghĩa các rối loạn khác như "sương mù não" hậu COVID-19 hoặc các vấn đề nhận thức xảy ra do thuốc, nhập viện hoặc trầm cảm… có thể đã bị chẩn đoán nhầm là bệnh Alzheimer.

Trên thực tế, bệnh Alzheimer cần nhiều năm để phát triển. Trong khi đó, các nhà khoa học cũng cần có thêm những nghiên cứu dài hạn để xác định liệu COVID-19 có ảnh hưởng tới chứng sa sút trí tuệ hay không.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 ở Mỹ vào năm 2020. Hiện có khoảng 6,5 triệu người Mỹ trên 65 tuổi đang sống chung với căn bệnh này, theo ước tính của Hiệp hội Alzheimer.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Medical News Today)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn