Giúp con tự bảo vệ trước yêu râu xanh

Cung cấp kỹ năng để trẻ tự bảo vệ

Cha mẹ cần cung cấp cho các em kỹ năng nhận diện nguy cơ, kỹ năng tự điều chỉnh bản thân để bảo vệ chính mình. Đó cũng là kiến thức cơ bản, nằm lòng ở trẻ, như không thò tay vào ổ điện, vọc phá nước sôi hay chơi giỡn ở cầu thang… Hãy dạy trẻ từng bước, giúp trẻ hình thành nhận thức và biết chọn hành vi để phản ứng tích cực ở hoàn cảnh, tình huống có vấn đề nguy cơ. Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, cơ thể nảy nở thì mới sợ bị xâm hại tình dục. Trên thực tế, từ rất sớm, nhiều trẻ đã là nạn nhân của “yêu râu xanh”. Với trẻ nhỏ, kẻ thủ ác dễ dụ dỗ bằng quà bánh. Trẻ cũng không đủ nhận thức, ngôn ngữ để có thể nói với cha mẹ, do thế mà sự việc dễ bị che khuất.


Tùy mức độ tiếp thu của mỗi trẻ, phụ huynh có thể dạy trẻ một vài lần hay nhắc đi nhắc lại việc tự bảo vệ bản thân, phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục. Phụ huynh không nên sờ mó, nựng nịu bộ phận sinh dục của trẻ vì sẽ tạo kích thích, khoái cảm. Lẽ khác, nếu những hành động này được lặp đi lặp lại, trẻ sẽ nghĩ rằng chuyện bị sờ mó là bình thường và sẽ thỏa hiệp, đáp ứng cả với người lạ có ý xấu. Phụ huynh cần chỉ ra đâu là hành động nguy cơ và hướng dẫn trẻ phản kháng bằng thái độ, lời nói, hành động. Cha mẹ và thầy cô nên dạy trẻ phân vùng trên cơ thể, vùng nào cấm người khác chạm vào còn vùng nào thì được phép. “Người khác” là bất cứ ai, không loại trừ cô, dì, cậu, chú, bác, ông, thầy cô giáo,… thậm chí cha mình.

Đừng thờ ơ khi có dấu hiệu nguy cơ

Con trẻ luôn cần người cha, người mẹ thân thiện để có thể chia sẻ những bối rối, ngần ngại, bất an. Sự chia sẻ của trẻ dù ngây ngô, không đầu đuôi rõ ràng nhưng với sự tinh tường và óc phán đoán, cha mẹ sẽ có thể nắm bắt được điều con trẻ đang đối mặt. Có nhiều trường hợp trẻ tỏ thái độ phản ứng gay gắt, chống đối với “yêu râu xanh”, muốn nói ra (đây là điều rất khó nói), nhưng cha mẹ lại vô tâm phớt lờ, vẫn “giao trứng cho ác” những khi không có điều kiện trông nom; đến khi biết thì đã muộn.

Hiếm khi kẻ xâm hại tình dục tấn công trẻ một cách đường đột, mà thường có một quá trình thăm dò trẻ bằng cách khen ngợi, đùa cợt, nhìn soi mói, vuốt ve, ôm ấp, dụ ngọt, rủ rê… Nếu cha mẹ quan tâm, quan sát thái độ của con trẻ, lắng nghe con và biết cách gợi ý để con nói thật thì sẽ kịp ngăn chặn những chuyện đáng tiếc. Ngược lại, nếu thờ ơ, bỏ mặc hoặc thường xuyên mắng chửi, đánh đập thì các em sẽ không dám bày tỏ. Trong trường hợp con trẻ đã bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần có cách xử lý đúng: không la mắng mà động viên, nâng đỡ con; thu thập, giữ nguyên chứng cứ, kịp thời tố giác; đưa con đi đến công an để được giới thiệu khám, giám định y khoa; nhờ chuyên gia hỗ trợ tâm lý cho con, có thể chuyển đổi môi trường sống, học tập để con nguôi ngoai. Cha mẹ phải tập trung chăm sóc để tạo sự bình tâm cho con trẻ.

Trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ, thủ phạm hay kể: “Mấy lần đầu thì tôi chủ động dụ dỗ, nhưng lần sau thì bé tự tìm đến…”, đó là điều đáng suy ngẫm. Trẻ là nạn nhân nhưng rất có

thể là nạn-nhân-có-nhu-cầu. Điều đó khiến nhiều trẻ chịu “tổn thương kép”, vừa bị xâm hại tình dục vừa dằn vặt, ray rứt, cho rằng mình có lỗi, tại mình mà “chú ấy” bị bắt giam. Vì thế, giúp trẻ nhận diện và đối phó với nguy cơ là cần thiết nhưng chưa đủ, phụ huynh phải dạy trẻ điều chỉnh bản thân, giữ chừng mực khi tiếp xúc, tránh môi trường không an toàn.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ