Gout – Nguy hiểm khi biến chứng

Gout đe dọa sức khỏe 2% dân số Việt Nam, chủ yếu là nam giới

Bệnh gout có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường

Chữa khỏi bệnh gout đơn giản theo cách của người Tày

Lắng đọng tinh thể urat ở bệnh nhân gout

Health+ đã phỏng vấn Tiến sỹ Mai Thị Minh Tâm - Phó Trưởng khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E, để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.


 TS. Mai Thị Minh Tâm - Phó trưởng khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E

Gia tăng số lượng và biến chứng
Thưa TS. Mai Thị Minh Tâm, có thể hiểu như thế nào về bệnh gout?
Gout (còn gọi là thống phong) là bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa purin ở người, có nguồn gốc từ việc tăng tiêu hủy các acid nhân của các tế bào và/hoặc giảm thải acid uric ra ngoài gây tăng acid uric trong máu mà hậu quả là gây các đợt viêm khớp cấp, về lâu dài có thể gây sỏi thận, suy thận…
 
Hiện nay, phương pháp đều trị đặc hiệu cho bệnh gout là sử dụng thuốc phối hợp với chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý để tránh tái phát, đồng thời phải được theo dõi lâu dài bởi bác sỹ chuyên khoa. Sự hiểu biết về bệnh và việc tuân thủ điều trị của người bệnh có vai trò rất quan trọng đối với kết quả điều trị.
 
Gần đây, số lượng bệnh nhân gout có chiều hướng tăng nhanh. Vì sao lại có hiện tượng này, thưa bác sỹ?
Ước tính, gout đe dọa khoảng 2% dân số và 4 - 5% số bệnh nhân nằm viện điều trị là do gout. 90% số bệnh nhân gout là nam giới.
Việt Nam chưa có những nghiên cứu dịch tễ về bệnh gout, nhưng dựa trên thực trạng điều trị tại các bệnh viện có thể khẳng định, gout đang là bệnh lý đe dọa 2% dân số. Một số lượng không nhỏ bệnh nhân đến khám khi đã có những biểu hiện nặng, có biến chứng gây khó vận động, biến dạng khớp hoặc một số bệnh lý kèm theo khác. Bệnh nhân gout chiếm 4 - 5% số lượng bệnh nhân phải nằm điều trị tại viện.
 
Chế độ ăn uống thiếu hợp lý, sử dụng rượu bia nhiều là một trong những nguyên nhân chính làm tăng acid uric máu - nguyên nhân gây bệnh gout. Một nguyên nhân nữa là nhận thức về bệnh gout của người dân Việt Nam thấp. Không hiếm bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi sưng đau khớp và nhiều người bệnh quan niệm điều trị bệnh là phải “tiêm thuốc” để “bệnh khỏi hẳn” trong khi gout chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Hơn thế nữa, nhiều người sau khi phát hiện ra bệnh thường bỏ điều trị bằng Tây y mà chuyển sang các phương pháp điều trị không chính thống. Bệnh gout nếu điều trị không đúng, không kiểm soát tốt acid uric máu sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề như biến dạng khớp, suy thận và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
 
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của gout là đau, sưng, nóng đỏ các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân cái

Thưa bác sỹ, đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng biến chứng nặng ở bệnh nhân gout?
Như tôi đã nói ở trên, nguyên nhân lớn nhất là do nhận thức của người bệnh về gout còn thấp. Một nguyên nhân nữa là việc chuẩn đoán bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở y tế hiện nay chưa có khả năng làm các xét nghiệm cần thiết như chọc dịch khớp, xét nghiệm acid uric máu... nên bỏ qua, không chẩn đoán được bệnh. Thứ đến là bệnh gout có rất nhiều biểu hiện và nhiều thể bệnh khác nhau, nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Thứ ba là tình trạng lạm dụng thuốc. Bệnh nhân được dùng quá nhiều loại thuốc nên mất hết triệu chứng, khiến chẩn đoán trở nên rất khó khăn. Có nhiều bệnh nhân gout vào viện với các biến chứng nặng nề do lạm dùng thuốc như đái tháo đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não.
 
Quản lý tốt để ngăn chặn bệnh sớm
Phát hiện sớm để kiểm soát bệnh kịp thời là cách điều trị/phòng ngừa bệnh gout tốt nhất hiện nay. Vậy, làm thế nào để phát hiện sớm căn bệnh này, thưa bác sỹ?
Phát hiện sự bất thường của hàm lượng acid uric máu là cách phát hiện sớm bệnh gout. Thực tế, không phải ai có hàm lượng acid uric máu cao cũng bị bệnh gout, tuy nhiên tăng acid uric máu kéo dài có nguy cơ gây bệnh gout. Lượng acid uric máu bình thường nam giới từ 210 - 420mmol/l, nữ 150 - 350mmol/l. 
 
Tuy nhiên, có những dấu hiệu của cơn gout cấp đầu tiên mà bệnh nhân thường bỏ qua. Đó là tình trạng khó chịu, rấm rứt ở các khớp, đặc biệt là khớp ngón chân; Tê bì ngón chân; Đau đầu, đau thượng vị, tiểu nhiều... Đây là thời điểm tốt để điều trị phòng ngừa, không cho cơn gout cấp khởi phát. Nam giới trong độ tuổi từ 30 - 50 tuổi, nếu có các triệu chứng đau mỏi khớp, cần đến các thầy thuốc chuyên khoa để được tư vấn.
 
Nhận thức của người dân về bệnh gout đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều trị/phòng ngừa bệnh. Vậy, để điều trị tốt bệnh gout, người bệnh cần chú ý đến điều gì, thưa bác sỹ?
Tuân thủ tốt hướng dẫn điều trị của bác sỹ cộng với chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện vừa sức kết hợp với sử dụng các sản phẩm thảo dược và thực phẩm chức năng đang được các chuyên gia y tế đánh giá là phương thức điều trị gout đem lại hiệu quả nhất hiện nay.
Gout là một bệnh lý do rối loạn chuyển hóa của acid uric máu, vì vậy liên quan đến lối sống của người bệnh. Luôn luôn có sự cân bằng giữa tổng hợp acid uric máu và đào thải acid uric máu, tránh tích lũy acid uric máu trong cơ thể, khi acid uric tăng cao sẽ lắng đọng trong khớp, thận, tim, mạch máu và não.
 
Ngoài ra, điều trị bệnh gout cần chú ý đến điều trị các bệnh phối hợp. Ví dụ, bệnh nhân có tăng lipid máu nên có chế độ ăn hợp lý, kèm theo sử dụng thuốc. Một điểm khó trong việc điều trị gout ở Việt Nam hiện nay là bệnh nhân mắc gout chưa được đưa vào chương trình quản lý của bệnh mạn tính, nghĩa là kiểm soát acid uric máu định kỳ và kiểm soát bệnh phòng tránh cơn gout cấp.
 
Bác sỹ có thể giải thích rõ hơn...
Việc điều trị bằng thuốc hiện nay chỉ mang tính chất giúp người bệnh giảm cơn đau cấp. Việc điều trị kéo dài thời gian tái phát bệnh phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, tập luyện và uống thuốc của người bệnh. Nhưng, theo những ghi nhận tại bệnh viện cũng như tại các phòng khám tư cho thấy, đa phần bệnh nhân gout không tuân thủ đầy đủ khuyến cáo trong điều trị, khiến bệnh diễn tiến phức tạp, liên tục gây biến dạng khớp, tàn phế sớm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, bên cạnh viện phòng ngừa sớm bệnh gout trong cộng đồng, việc đưa bệnh nhân vào chương trình quản lý bệnh mạn tính sẽ giúp người bệnh tuân thủ tốt hơn các yêu cầu khám định kỳ, dùng thuốc, chế độp dinh dưỡng, tập luyện…
 
Sử dụng thuốc kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực phẩm chức năng
sẽ đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh gout

Hiện nay, nhiều bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) để phòng bệnh cùng với dùng thuốc điều trị. Bệnh nhân gout nên lưu ý gì khi kết hợp thuốc và TPCN? 
TPCN đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị, phòng ngừa tái phát các bệnh xương khớp nói chung và bệnh gout nói riêng. TPCN là các sản phẩm được phát triển từ y học cổ truyền, có tác dụng một cách từ từ, phải sử dụng một thời gian dài. Các sản phẩm này cũng có tác dụng ức chế tổng hợp acid uric máu, tuy nhiên hàm lượng thấp nên không thể có tác dụng ngay tức thì như các loại thuốc điều trị, đặc biệt là trong cơn bệnh cấp. Trong cơn bệnh cấp, hãy đến bác sỹ chuyên khoa để được điều trị ổn định, lui bệnh rồi sử dụng TPCN để hỗ trợ, phòng ngừa. Tuy nhiên, người bệnh nên tham vấn bác sỹ để sử dụng loại TPCN đúng với bệnh của mình và phù hợp với các loại thuốc được dùng để điều trị bệnh.
 
Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của bác sỹ.
Hiên Vân (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bác sỹ ơi